Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số
Dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, đối với thủ đô Hà Nội, Nghị quyết 15 ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị xác định “thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế gắn với dịch chuyển cơ cấu lao động” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số
Đến nay, việc triển khai chuyển đổi số của thành phố bước đầu đạt một số kết quả nhất định. Chính quyền số từng bước được triển khai, hạ tầng số được đẩy mạnh, bảo đảm điều kiện phục vụ các nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác.
Kinh tế số, xã hội số của thủ đô đang phát triển khá mạnh mẽ, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 trên toàn quốc, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%, tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng đạt 90%.
Việc triển khai các nhiệm vụ theo Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cũng như phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, dữ liệu số chưa được hoàn thiện và khai thác hiệu quả, việc phân tích dữ liệu thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành chưa được triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khối Đảng, đoàn thể thành phố còn hạn chế. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu; chuyển đổi số trong hầu hết các ngành, lĩnh vực còn chậm so với nhu cầu của xã hội…
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên có cả khách quan và chủ quan, nhưng có một phần do cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến chuyển đổi số; chưa sẵn sàng đổi mới về tư duy và hành động trong tiếp cận và thực hiện, dẫn đến việc xây dựng chính sách và triển khai chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa chủ động, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế xã hội thủ đô.
Bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch, xây dựng hạ tầng
Theo tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, nội dung của dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có một số điểm chính: chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị của thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh; tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành thành phố thông minh.
Bảo đảm thống nhất, đồng bộ từ quy hoạch phát triển đô thị đến áp dụng các quy định, quy chế, tiêu chuẩn trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu. Ưu tiên chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đối với những ngành, lĩnh vực tạo thế và lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo Nghị quyết đã xác định mục tiêu: đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số phát triển thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Đến năm 2030, xây dựng thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế, xã hội.
Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, cho đến cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân; cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư xứng tầm của thành phố cho lĩnh vực này.