“May đo” lộ trình chuyển đổi số phù hợp với từng doanh nghiệp
Doanh nghiệp sản xuất ở mỗi loại hình, ngành nghề, quy mô khác nhau cần “may đo” lộ trình chuyển đổi số phù hợp.
Ông Nguyễn Thành Luân - Giám đốc Trung tâm tư vấn chuyển đổi số ITG DX đã nhấn mạnh như vậy tại sự kiện ra mắt Trung tâm tư vấn chuyển đổi số ITG DX vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Khái niệm chuyển đổi số đã xuất hiện tại Việt Nam cách đây khoảng 5 năm nhưng đến nay “trend” này vẫn “hot” do nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp hiện rất lớn. Đặc biệt, sau đại dịch COVID - 19, rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều nhận thức được rằng, chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc để doanh nghiệp thích ứng và phát triển. Tuy nhiên, cũng nhiều doanh nghiệp trong còn lúng túng với chuyển đổi số.
Kết quả khảo sát do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam thực hiện cho thấy, có 92% số doanh nghiệp được hỏi cho biết có nhu cầu chuyển đổi số song chưa biết bắt đầu từ đâu, thực thi như thế nào. Không ít doanh nghiệp triển khai rời rạc, đơn lẻ một số phần mềm công nghệ nhưng thực chất chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc tập trung “số hoá” từng công đoạn. Ngược lại, cũng có doanh nghiệp lại tốn khá nhiều kinh phí để ứng dụng giải pháp công nghệ “cồng kềnh” vượt quá khả năng và trình độ tiếp nhận dẫn đến lãng phí và giảm hiệu quả…
Cụ thể hơn về vướng mắc trong nội tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Luân cho biết thêm: “Chúng tôi đã khảo sát, đánh giá tại nhiều doanh nghiệp và nhận thấy, có hai yếu tố doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số là con người và quy trình. Đa phần doanh nghiệp có quy trình chưa phù hợp hoặc còn khoảng cách giữa tầng quản trị trên khối quản lý vận hành với tầng quản lý vận hành ở phía dưới. Về vấn đề con người, có dự án phải tư vấn và đưa ra bộ quy trình quản lý mới, đào tạo chuyển đổi nhận thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự tham gia vào quá trình chuyển đổi số”.
Ông Nguyễn Thành Luân cho rằng, doanh nghiệp phải chuẩn hoá và nâng cao năng lực quản trị như cách tạo nền tảng vững chắc rồi mới nên ứng dụng công cụ chuyển đổi số để có thể triển khai hiệu quả. Ngược lại, thiếu nền tảng vững được xem như “bốc thuốc” không phù hợp với cơ thể gây ra phản tác dụng: triển khai không hiệu quả và thất bại.
Ngoài ra, điểm quan trọng nhất trong việc chuyển đổi số là tính phù hợp. Để tìm công thức chung để áp dụng cho các doanh nghiệp là rất khó. Tại doanh nghiệp, đôi khi quy trình vận hành thủ công bằng con người khác với quy trình thực hiện trên nền tảng số. Mỗi doanh nghiệp ở ngành nghề khác nhau, có quy mô, nguồn lực tài chính, nhân sự khác nhau sẽ có cách thức và lộ trình chuyển đổi số phù hợp.
“Đây là những yếu tố các doanh nghiệp cần lưu tâm để có bộ phận cải tiến quy trình, năng lực trước khi chuyển đổi số. Tối ưu hơn là lựa chọn đơn vị tư vấn, đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số bài bản dựa trên kiến thức chuyên sâu, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng quy trình phù hợp” - ông Nguyễn Thành Luân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong khối sản xuất tại Việt Nam hiện cũng có cái khó là nguồn lực hạn chế. Trong khi đó, trên thị trường, giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả hoạt động tư vấn và đồng hành do các công ty lớn, công ty nước ngoài cung ứng với chi phí khá cao bởi chuyển đổi số là tri thức, gắn liền với đổi mới sáng tạo.
Từ thực tế này, thời gian gần đây, các doanh nghiệp công nghệ với nhiệm vụ chính là cung cấp sản phẩm công nghệ ra thị trường đã bắt đầu thành lập các trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số, triển khai các hoạt động tư vấn doanh nghiệp xây dựng lộ trình, cách thức chuyển đổi số phù hợp dựa trên kinh nghiệm thực tiễn. “Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp sản xuất, chúng tôi nhận thấy, để cung cấp và triển khai hiệu quả các giải pháp công nghệ của các đối tác thì không thể bỏ qua việc tư vấn chuyển đổi số” - ông chia sẻ.
Sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp công nghệ trong hoạt động tư vấn chuyển đổi số, trong đó có những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ, một mặt tạo ra những áp lực cạnh tranh nhưg mặt khác cũng tạo ra động lực chung và đủ sức lan toả cho cả thị trường.
“Các cụ xưa vẫn nói: “buôn có bạn, bán có phường” nếu hoạt động của mình không có doanh nghiệp cùng thực hiện cùng thì không tạo động lực cho mình, quan trọng hơn không có giá trị cho cộng đồng. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp cùng làm thì rõ ràng, hoạt động đó đang có giá trị với cộng đồng. Chúng tôi không đặt nặng mục tiêu kinh doanh cho hoạt động tư vấn mà hướng đến dịch vụ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp giúp doanh nghiệp nhận thức và có phương pháp luận nền tảng về chuyển đổi số tốt thực hiện dự án chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Đó là mục tiêu chính của các dự án tư vấn, hỗ trợ” - Giám đốc Trung tâm tư vấn chuyển đổi số ITG DX khẳng định.