Chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Tài chính
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh rằng, giáo dục là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Do vậy, đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) công chức, viên chức cũng cần đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Bài viết này đề cập đến thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp chuyển đổi số trong ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là một chặng đường với đột phá của các công nghệ số dẫn đến sự thông minh hóa mọi mặt của xã hội. Chuyển đổi số chính là cách đi trong chặng đường phát triển thời CMCN 4.0, và là cơ hội vô giá để phát triển đất nước. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số (Cụ thể như Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0).
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số của ngành Tài chính nói riêng. Gần đây, ngày 27/7/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo Quyết định số 1484/ QĐ-BTC).
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành Tài chính, bên cạnh việc tổ chức đào tạo, phổ cập cho công chức, viên chức kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của Bộ Tài chính thì chuyển đổi số trong công tác ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính cũng cần được triển khai thực hiện.
Thực trạng chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Tài chính
Hoạt động chuyển đổi số trong ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính đã có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm gần đây. Cụ thể:
Về thể chế, chính sách, ngay từ đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các đơn vị có chức năng ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan nghiên cứu trình Bộ Tài chính ban hành quy định, quy chế về ĐTBD theo hình thức trực tuyến. Bộ Tài chính đã ban hành: Quyết định số 418/QĐ-BTC ngày 26/3/2020 về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động đào tạo bồi dưỡng trực tuyến và Quyết định số 419/QĐ-BTC ngày 26/3/2020 của Bộ Tài chính về việc phê duyệt Đề án thí điểm tổ chức ĐTBD trực tuyến đối với công chức, viên chức của Bộ Tài chính, Quyết định số 2125/QĐ-BTC về ban hành Quy chế quản lý hoạt động ĐTBD theo hình thức trực tuyến tại các cơ sở ĐTBD công chức, viên chức thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.
Trên cơ sở đó, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (đơn vị thuộc Bộ Tài chính có chức năng cơ bản là ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính) đã ban hành nhiều quy định về ĐTBD trực tuyến như: Quyết định số 36/QĐ-BDCB ngày 24/4/2021 về việc Quy định về phương thức kiểm tra và đề kiểm tra đối với các lớp ĐTBD theo hình thức trực tuyến; Quyết định số 123/QĐ-BDCB ngày 01/10/2021 về việc tổ chức thi, kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Về công nghệ, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính tích cực, chủ động làm việc với Công ty Microsoft Việt Nam và đã được công ty tài trợ bản quyền Microsoft office 365 bản A1 để sử dụng vào hoạt động ĐTBD trực tuyến. Đồng thời, Microsoft Việt Nam cũng cử chuyên gia hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao hiệu quả sử dụng ứng dụng cho 100% lãnh đạo, chuyên viên và giảng viên của Nhà trường.
Về xây dựng chương trình bồi dưỡng, trên cơ sở Quyết định số 2516/QĐ-BTC ngày 27/12/2021 về việc phê duyệt kế hoạch ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính năm 2022, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính đã trình Bộ banh hành Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số theo Quyết định số 1506/QĐ-BTC ngày 29/7/2022.
Về tổ chức ĐTBD, trên cơ sở kết quả Đề án thí điểm tổ chức ĐTBD trực tuyến ban hành theo Quyết định số 419/QĐ-BTC ngày 26/3/2020; Thực hiện ý kiến kết luận của Bộ trưởng tại cuộc họp giao ban tháng 4/2020 ban hành kèm theo Thông báo số 335/ TB-BTC ngày 12/5/2020 “Giao Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính: Tăng cường tổ chức các lớp ĐTBD theo hình thức trực tuyến; Công văn số 7182/BTCTCCB ngày 15/6/2020 của Bộ Tài chính về việc tổ chức ĐTBD trực tuyến trên diện rộng…, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính đã đưa các lớp bồi dưỡng ngạch và lớp đào tạo bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý trong kế hoạch vào triển khai theo hình thức đào tạo bồi dưỡng trực tuyến và hình thức đào tạo bồi dưỡng hỗn hợp (trực tuyến kết hợp với trực tiếp). Ngoài ra, theo yêu cầu của các đơn vị địa phương và đối tác, Nhà trường cũng tổ chức các lớp Bồi dưỡng ngạch kế toán viên, Bồi dưỡng ngạch kế toán viên chính theo hình thức trực tuyến và hỗn hợp.
Trong năm 2021, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính đã triển khai trên diện rộng hầu hết các lớp ĐTBD trên nền tảng học trực tuyến; bao gồm: 23 lớp
Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch với 1.575 học viên; 110 lớp Bồi dưỡng ngạch công chức chuyên ngành với 8.725 học viên; 16 lớp Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý với 819 học viên; 60 lớp Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành với 4.644 học viên…Năm 2022, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính tiếp tục triển khai ĐTBD các lớp theo kế hoạch Bộ giao và theo nhu cầu xã hội theo hình thức trực tuyến và hỗn hợp, đồng thời đã mời các chuyên gia của Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục Tin học và Thống kê tài chính - Bộ Tài chính tổ chức 20 lớp Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số cho công chức, viên chức ngành Tài chính.
Bên cạnh đó, các cơ sở ĐTBD thuộc các Tổng cục như: Trường Nghiệp vụ thuế, Trường Hải quan Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính đẩy mạnh việc tổ chức ĐTBD trực tuyến và hỗn hợp dựa trên các ứng dụng phổ biến như Microsoft Teams, Zoom...
Đối với Trường Hải quan Việt Nam, từ tháng 5/2021, khi được sự cho phép của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Trường Hải quan Việt Nam đã triển khai hình thức đào tạo trực tuyến đối với các chương trình đào tạo chuyên sâu, chuyên ngành cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Hải quan... qua phần mềm đào tạo trực tuyến do Dự án tạo thuận lợi thương mại tài trợ (Dự án TFP) và phầm mềm Zoom.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trường Hải quan Việt Nam đã tổ chức đào tạo cho 59 lớp với 3.471 lượt học viên theo hình thức đào tạo trực tuyến và hỗn hợp. Hiện nay, Trường Hải quan Việt Nam tập trung hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống đào tạo và quản lý đào tạo trực tuyến (LMS), từ đó sẽ tăng cường áp dụng hình thức đào tạo này để thích ứng với nhu cầu thực tế.
Đối với Trường Nghiệp vụ thuế, khắc phục khó khăn do tình hình dịch COVID-19 gây ra, ngay từ đầu năm 2020, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính đã cử giảng viên hỗ trợ tập huấn cán bộ, giảng viên của Trường Nghiệp vụ thuế, đồng thời cấp tài khoản microsoft teams cho cán bộ, giảng viên và học viên của Trường để triển khai ĐTBD theo hình thức trực tuyến. Trung bình các năm 2020, 2021, Trường Nghiệp vụ thuế tổ chức đào tạo hơn 40 đến 45 lớp với khoản 3.000 đến 3.500 lượt học viên theo hình thức đào tạo trực tuyến và hỗn hợp.
Một số vấn đề đặt ra
Bên cạnh các kết quả nêu trên, quá trình chuyển đổi số trong công tác ĐTBD công chức, viên chức nói chung và trong ngành Tài chính nói riêng đã và đang gặp một số khó khăn thách thức gồm:
Thứ nhất, hệ thống khung pháp lý chưa hoàn thiện.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch chuyển đổi số của Bộ, đồng thời rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, xây dựng nhiều chính sách, kế hoạch cho từng lĩnh vực để phù hợp định hướng chuyển đổi số của Bộ Tài chính như: Quyết định số 446/QĐ-BTC ngày 30/3/2018 ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 9/3/2018 về triển khai ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực Tài chính - Ngân sách; Quyết định số 844/QĐ-BTC ngày 21/5/2019 về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025... Qua rà soát nội dung của các chính sách, kế hoạch này thì vấn đề chuyển đổi số trong công tác ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính chưa được đề cập đầy đủ.
Thứ hai, yếu tố công nghệ.
Yếu tố công nghệ (hạ tầng viễn thông, thiết bị phần cứng, phần mềm ứng dụng và yếu tố quản trị số) là yếu tố căn cốt có tác động trực tiếp mạnh mẽ bởi việc số hóa thông tin và ứng dụng số hóa cần có sự phát triển công nghệ cả phần cứng và phần mềm để đáp ứng cho chuyển đổi số trong ĐTBD công chức, viên chức trong bối cảnh mới. Nếu như ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đối số trong ĐTBD công chức, viên chức chủ yếu đề cập đến những chương trình, phần mềm riêng lẻ, tách biệt, thì chuyển đổi số trong ĐTBD yêu cầu tất cả những thứ riêng lẻ này phải tương thích và kết nối với nhau, tích hợp trên cùng một nền tảng số. Nền tảng số này cho phép các hoạt động giảng dạy, quản lý, học tập, kiểm tra, đánh giá, thi cử, quản lý người học và việc giảng dạy, cũng như toàn bộ việc tương tác giữa người học với giảng viên và nhà trường cùng diễn ra.
Bộ Tài chính đã triển khai hệ thống đám mây ngành Tài chính (Mof Cloud), Chuyển đổi từ Ipv4 sang Ipv6, nâng cấp các Trung tâm dữ liệu; Phát triển các nền tảng hệ thống và cơ sở dữ liệu tổng hợp về Tài chính có đầy đủ các công cụ phân tích dữ liệu như công cụ báo cáo thông minh (BI), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); Phát triển Hệ thống tích hợp Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử với các hệ thống xử lý nghiệp vụ chuyên ngành để cung cấp dịch vụ số, kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số. Tuy nhiên, nền tảng hệ thống và cơ sở dữ liệu tổng hợp về công tác ĐTBD giữa Bộ với các cơ sở ĐTBD thuộc Bộ và các Tổng cục chưa có sự liên thông, thiếu đồng bộ dẫn đến việc chuyển đổi số trong ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính gặp khó khăn về công tác quản lý và tổ chức ĐTBD.
Thứ ba, yếu tố nguồn nhân lực.
Để thực hiện thành công chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong ĐTBD công chức, viên chức nói riêng, thì cần xây dựng vững chắc trụ cột chính là nguồn lực con người. Đây cũng chính là quan điểm cơ bản được khẳng định trong Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày
27/7/2022 của Bộ Tài chính ban hành kèm theo Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Tài chính đã giao Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ngày 29/7/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số theo Quyết định số 1506 / QĐ-BTC, trong đó tập trung bồi dưỡng về kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ Tài chính về chuyển đổi số, kỹ năng khai thác, xử lý thông tin, dữ liệu trên môi trường số. Để chuyển đổi số trong ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính cần có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kiến thức, kỹ năng phục vụ chuyển đổi số về ĐTBD, vì vậy, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần tham mưu Bộ xây dựng kế hoạch xây dựng chương trình, tổ chức ĐTBD nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số trong ĐTBD.
Thứ tư, yếu tố văn hóa chuyển đổi số
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, cần xây dựng một văn hóa tổ chức đặt trọng tâm vào sự linh hoạt (thay vì kiểm soát) để hỗ trợ chuyển đổi số trong ĐTBD công chức, viên chức. Văn hóa tổ chức thống nhất, chặt chẽ từ trên xuống dưới sẽ giúp rút ngắn thời gian cũng như giảm chi phí việc chuyển đổi số trong ĐTBD công chức, viên chức.
Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1484/ QĐ-BTC ngày 27/7/2022 kèm theo Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà Kế hoạch đề ra là tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách pháp luật để nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ Tài chính, người dân và toàn xã hội về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số của Bộ Tài chính nói riêng, để thúc đẩy chuyển đổi số, Bộ cần có định hướng xây dựng văn hóa chuyển đổi số trong ngành Tài chính, trong đó có văn hóa chuyển đổi số trong ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính.
Giải pháp chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Tài chính
Để thực hiện thành công chuyển đổi số trong ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính, cần quan tâm thực hiện các giải pháp gồm:
Thứ nhất, tuyên truyền phổ biến quán triệt chủ trương Chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách pháp luật để nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức và người lao động về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong công tác ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính nói riêng, Bộ Tài chính cũng cần có kế hoạch đẩy mạnh việc tuyên truyền về chuyển đổi số trong ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính. Trong đó, chú trọng tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, kế hoạch chuyển đổi số cho các đơn vị quản lý ĐTBD và các cơ sở ĐTBD của BộTài chính.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế chính sách.
Bộ Tài chính cần quan tâm xây dựng và ban hành khung thể chế hoàn chỉnh vềchuyển đổi số trong công tác ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính, đồng thời rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy chế quản lý hoạt động ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính theo hướng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính và xây dựng văn hóa môi trường làm việc số.
Bên cạnh đó, cần rà soát, quy trình nghiệp vụ phối hợp tổ chức ĐTBD giữa các đơn vị, cơ sở ĐTBD thuộc Bộ và giữa Bộ với các cơ sở ĐTBD thuộc các bộ ngành khác một cách hiệu quả, đảm bảo phù hợp với định hướng chuyển đổi số của Bộ Tài chính và của ngành; Rà soát, ban hành các quy chế, quy định khuyến khích công chức, viên chức và người lao động tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong ĐTBD.
Thứ ba, phát triển hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số.
Cần phát triển và vận hành hạ tầng mạng truyền thông ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối mạng truyền số liệu của Bộ Tài chính về ĐTBD; Triển khai dịch vụ CNTT kết nối ra internet, mobile kết nối vàứng dụng trong các đơn vị thuộc Bộ và Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính và các cơ sở ĐTBD của Bộ theo hướng tương thích và kết nối với nhau, tích hợp trên cùng một nền tảng số; Triển khai nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu ĐTBD với cơ sở dữ liệu quản lý công chức, viên chức ngành Tài chính của Bộ Tài chính về quản lý ĐTBD.
Bên cạnh đó, xây dựng Cơ sở dữ liệu ngành Tài chính về ĐTBD, bảo đảm cập nhật, kết nối, chia sẻ với dữ liệu tiêu chuẩn về trình độ ĐTBD của công chức, viên chức ngành Tài chính theo quy định về ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ; Duy trì, phát triển, mở rộng các dịch vụ dữ liệu ĐTBD phục vụ nhu cầu ĐTBD của các Bộ ngành địa phương; Rà soát, cập nhật quy định, quy chế về an toàn, an ninh mạng...
Thứ tư, ĐTBD nguồn nhân lực số.
Để thực hiện thành công chuyển đổi sốnói chung và chuyển đổi số trong ĐTBD công chức, viên chức thìcần xây dựng vững chắc tru cột chính là nguồn nhân lực chuyển đổi số. Bên cạnh việc triển khai tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, thì cần tăng cường xây dựng chương trình, tổ chức ĐTBD kiến thức, kỹ năng thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực ĐTBD cho đội ngũcán bộ, viên chức quản lý hoạt động ĐTBD của Bộ và công chức, viên chức các cơ sở ĐTBD.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
2. Think Tank VINASA, Việt Nam thời chuyển đổi số, Nhà xuất bản Thế giới, 2019;
3. Hồ Tú Bảo, Nguyễn Tuấn Hoa, “Chuyển đổi số – Từkhái niệm đến thực tiễn”, 2020;
4. David L. Rogers, Rethinking and Transforming Your Business for the Digital Age, Columbia University Press, 2016. Bản dịch tiếng Việt “Cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số”, PACE Institute of Management, 2018.
* TS. Bùi Minh Chuyên
rường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Bộ Tài chính
** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2022