Hà Nội sẽ phát triển 2 thành phố trực thuộc để tạo cực tăng trưởng mới
Ngày 5/12/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kết luận số 100-KL/TU, trong đó có các nội dung đáng chú ý về nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP. Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030.
Sẽ phát triển thành phố Bắc sông Hồng và Tây Hà Nội
Tại Kết luận số 100-KL/TU, Thành ủy Hà Nội nêu rõ, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cơ bản thống nhất với nội dung nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội do Ban cán sự Đảng UBND Thành phố trình.
Để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của nhiệm vụ này, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo tổng hợp, tiếp thu ý kiến tham gia, đóng góp trước khi trình Bộ Xây dựng thẩm định, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, nhiệm vụ quy hoạch phải bám sát nội dung tại các nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022.
Đồng thời, quán triệt quan điểm phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và tính toán các điều kiện về hạ tầng nhằm góp phần đẩy mạnh việc liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Thủ đô Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển 2 thành phố trực thuộc là thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), Thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai), là tiền đề tạo cực tăng trưởng mới, để phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực phía Bắc, phía Đông và phía Tây của Thành phố.
Thành ủy Hà Nội đề nghị tiếp tục nghiên cứu định hướng phát triển đối với khu vực nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng quê Bắc Bộ; Quan tâm phát triển các huyện phía Nam, vùng xa, giáp ranh với các tỉnh khác như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì tránh để hình thành các “vùng trũng” về phát triển của Thành phố...
Việc dự báo dân số, cần tính toán về hiện trạng và dự báo đảm bảo phù hợp với thực tế hiện nay của Thủ đô. Việc tính toán, dự báo chính xác dân số là cơ sở quan trọng để đề ra các giải pháp quản lý cũng như tính toán, cân đối về chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đất đai trong quá trình lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Tiến tới khai thác hiệu quả từng tài sản công
Bên cạnh nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội nêu trên, Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban Cán sự đảng UBND Thành phố rà soát kỹ, thống kê đầy đủ số lượng, hiện trạng các nhóm tài sản công thuộc phạm vi của Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.
Trong đó chú ý đối với nhóm tài sản: Quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố giao cho các tổ chức, đơn vị kinh doanh nhà quản lý, khai thác; quỹ đất 20 - 25% tại các dự án phát triển nhà ở phải bàn giao lại cho Thành phố; quỹ đất, nhà tái định cư; quỹ đất dự kiến đối ứng BT trước đây...
Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm quyết liệt khắc phục các tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trong công tác quản lý, sử dụng trước đây, tiến tới khai thác hiệu quả từng tài sản để tập trung triển khai thực hiện trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Thành ủy Hà Nội yêu cầu, trước mắt tập trung phân loại, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm thực hiện nghĩa vụ tài chính, khẩn trương khai thác các điểm nhà đất còn để trống, chưa sử dụng; từng bước thu hồi các tài sản đang sử dụng sa mục đích; phát huy các nguồn lực đem lại từ việc khai thác tài sản công cho sự phát triển của Thành phố, tránh thất thoát, lãng phí.
Đồng thời, rà soát đề xuất mô hình quản lý của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội; tăng cường phối hợp phân cấp quản lý tài sản công giữa các sở, ngành Thành phố và quận, huyện, thị xã đảm bảo hiệu quả.