Hà Nội: Thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, thúc đẩy phát triển kinh tế
Cùng với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, trong thời gian tới Thành phố Hà Nội sẽ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế .
Kinh tế dần phục hồi, duy trì đà tăng trưởng sau dịch
Sáng nay 7/12, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã khai mạc kỳ họp thứ 3 để xem xét về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2021; quyết định phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thu - chi ngân sách năm 2022 của Thành phố; xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố.
Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, năm 2021 là năm có ý nghĩa, với những sự kiện chính trị lớn quan trọng. Đặc biệt, những sự kiện quan trọng đó diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Với sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, Thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, chuyển từ trạng thái giãn cách, phong tỏa, cách ly theo khu vực sang thích ứng an toàn, linh hoạt. Chăm lo chu đáo công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống của nhân dân, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đầu tư hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, kinh tế của Thủ đô đã dần phục hồi, duy trì đà tăng trưởng sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong quý III. Dự kiến, tăng trưởng GRDP năm 2021 của Thành phố tăng khoảng 2,35-3%, thu ngân sách ước đạt 108,3% dự toán Trung ương giao, đạt 101,5% dự toán HĐND Thành phố giao.
Theo cập nhật mới nhất từ Tổng cục Thống kê, GRDP trong 6 tháng đầu năm 2021 của Thành phố đạt 6,02%; 9 tháng đạt 1,44% (do tác động của dịch bệnh, GRDP quý III tăng trưởng âm 6,89%), quý IV tăng 6,69% và GRDP cả năm 2021 của Thành phố là 2,92%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát và điều hành theo kế hoạch, dự kiến tăng khoảng 1,9-2,4%.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 255.089 tỷ đồng, đạt 108,3% dự toán Trung ương giao và các cấp, các ngành của Thành phố sẽ nỗ lực, cố gắng để phấn đấu hoàn thành mức cao nhất chỉ tiêu được giao (theo cập nhật mới nhất của các ngành đến thời điểm hiện tại, dự kiến thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 101,5% so với dự toán HĐND Thành phố giao và tăng 13.193 tỷ đồng so với số đã báo cáo HĐND Thành phố).
Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội
Tại kỳ họp lần này, HĐND Thành phố sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thường kỳ: Tình hình thực hiện kế hoạch nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 năm 2022; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP. Hà Nội năm 2022.
Bên cạnh đó, hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Thành phố; phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách Nhà nước của TP. Hà Nội năm 2020; phê chuẩn tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP. Hà Nội năm 2022; thông qua danh mục dự án thu hồi đất; danh mục chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2022; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; kế hoạch tổ chức các kỳ họp HĐND Thành phố trong năm 2022.
Về nghị quyết chuyên đề, HĐND TP sẽ xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thành phố; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; quy định định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách năm 2022 của TP. Hà Nội...
Năm 2022, UBND Thành phố tiếp tục lựa chọn chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, đồng thời, đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu (với 5 nhóm chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 nhóm chỉ tiêu văn hóa xã hội và 4 nhóm chỉ tiêu về đô thị, nông thôn, môi trường). Thành phố phấn đấu GRDP tăng 7-7,5%, GRDP/người khoảng 139-141 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 10%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%...
Để cụ thể hóa các mục tiêu đó, UBND TP sẽ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Trong đó, sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, trọng tâm là thực hiện công khai, minh bạch các thông tin quản lý, điều hành, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của Thành phố, triển khai đồng bộ, thông suốt hệ thống văn phòng điện tử từ cấp Thành phố đến các cấp cơ sở gắn với lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, từng bước hình thành chính quyền số, phát triển đô thị thông minh.
Cùng với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Thành phố sẽ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển văn hóa, xã hội; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ. Đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; đẩy mạnh giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.
Tiếp tục tăng cường quản lý và phát triển đô thị; khai thác hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường. Đảm bảo quốc phòng địa phương, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại…