Hà Nội: Vẫn còn các điểm "nóng" về hàng giả, hàng nhập lậu

Theo baohaiquan.vn

Năm 2015, công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tuy nhiên, các tụ điểm tập kết hàng nhập lậu, hàng giả vẫn còn tồn tại, một số điểm nóng về tình trạng tàng trữ, bán công khai hàng hóa không rõ nguồn gốc vẫn còn diễn ra.

Trong năm 2015, mặc dù lực lượng Quản lý thị trường đã tích cực kiểm tra, xử lý vi phạm kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu đối với nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh nhưng hiện nay, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tồn tại một số điểm nóng về tình trạng bày bán, tàng trữ, bán công khai hàng lậu, hàng giả (chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp), một số khu vực vẫn còn kinh doanh, tiêu thụ thuốc lá điếu như phố Hàng Hành, Nguyễn Siêu…

Đơn cử như địa bàn Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) từ lâu được cơ quan chức năng xác định là trọng điểm quản lý về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Mặc dù vậy, trên địa bàn xã Ninh Hiệp có 2.000 hộ kinh doanh tại chợ Nành và chợ Phí Điền nhưng số hộ sử dụng hóa đơn, sổ sách rất thấp (theo thống kê năm 2014 chỉ có 41/1.763 hộ), trên 90% các hộ nộp thuế theo hình thức hàng tháng dẫn đến tình trạng kinh doanh, mua bán hàng hóa không có hoặc không lưu giữ hóa đơn theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Phan Thanh Phong - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 8 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu là lợi dụng chính sách ưu đãi của cư dân biên giới, các đối tượng là thương binh để vận chuyển hàng hóa vào các địa bàn giáp ranh như phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn và xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm để tập kết. Sau đó, các đối tượng buôn lậu tiến hành xé lẻ hàng hóa để vận chuyển qua địa bàn nhằm trốn tránh xử lý của cơ quan chức năng”.

Ngoài các điểm nóng về hàng cấm, hàng lậu, hàng giả vẫn còn tồn tại, trong năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường nói riêng và lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội nói chung còn cần quyết liệt chống việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm tại các bến xe trọng điểm từ các tỉnh về Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội: “Tình trạng các đối tượng sử dụng xe khách vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả từ các tỉnh biên giới phía Bắc, các tỉnh miền Trung… về Hà Nội là có thật. Trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát thuộc về lực lượng Quản lý thị trường. Tuy nhiên, kiểm tra xe khách cũng gặp nhiều khó khăn. Xe có khi chở tới 50 người và chỉ có 2-3 khách liên quan tới hàng lậu, nếu không trinh sát kỹ mà vẫn kiểm tra xe, toàn bộ hành khách sẽ bị ảnh hưởng”.

Mặt khác, ông Nguyên Công San cho biết: “Theo quy định, nhà xe chở hàng lậu, hàng giả có giá trị trên 5 triệu đồng sẽ bị thu giữ xe. Tuy nhiên, hầu hết lái xe cứ có khách, có hàng là vận chuyển, khách nộp cước phí đầy đủ là được. Chúng tôi đã có chương trình công tác về phòng chống vận chuyển hàng lậu bằng xe khách. Việc trinh sát, phát hiện vi phạm là bắt buộc song phải có trọng tâm, trọng điểm, không thể làm tràn lan được”.

Do vậy,để đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm 2016, theoông Chu Xuân Kiên - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội,đơn vị sẽ tăng cường công tác phối hợp và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng; bổ sung kịp thời các văn bản pháp quy. Cụ thể, hiện nay chế tài xử lý hàng giả còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe (Điểm G, khoản 1, Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định mức phạt tối đa đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả là 200 triệu đồng).

Đồng thời, Chi cục đã chỉ đạo các đội Quản lý thị trường phối hợp với chính quyền địa phương, UBND các xã, phường, thị trấn, Ban quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại phát tờ rơi, áp phích và phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để từng bước đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng buôn bán công khai hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả; đồng thời hình thành và phát triển thói quan trong tiêu dùng “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của người dân Thủ đô.