Hạ trần lãi suất không có nghĩa doanh nghiệp được bơm nhiều vốn hơn
Việc hạ trần lãi suất huy động vốn từ 5,5% xuống 5% cần có độ trễ, cần một thời gian đủ để các ngân hàng hạ trần lãi suất cho vay, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng.
Ngày 18/11/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 2415/QĐ-NHNN và Quyết định số 2416/QĐ-NHNN quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND và mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng.
Về hai quyết định này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng: “Việc hạ trần lãi suất huy động vốn từ 5,5% xuống 5% cần có độ trễ, cần một thời gian đủ để các ngân hàng hạ trần lãi suất cho vay”.
Phóng viên: Ông bình luận thế nào về quyết định hạ lãi suất của NHNN?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi hoan nghênh vì nó hỗ trợ cho các ngân hàng hạ trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay. Hiện nay, tính thanh khoản của hầu hết ngân hàng đang cao, chỉ một vài ngân hàng khát vốn. Do đó, ngân hàng không cần tăng lãi suất để huy động vốn ngắn hạn.
Tuy nhiên, Thông tư 41/2016/TT-NHNN Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới, nên các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất của kỳ hạn trung và dài hạn, nhằm hấp thụ vốn cho trung và dài hạn. Để đáp ứng quy định tỷ lệ an toàn vốn 48% của Thông tư 41, các ngân hàng có thể sẽ phải chuyển đổi hoặc phát hành các loại nợ thứ cấp với lãi suất cao để bổ sung vào vốn cấp hai.
Tại thời điểm này, quyết định này của NHNN có thể tác động đến mặt bằng lãi suất huy động, từ đó sẽ giảm lãi suất cho vay. Hiện nay, một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên, nhưng lãi suất vẫn còn cao, nên cần một thời gian để chuyển từ lãi suất huy động sang giảm lãi suất cho vay.
Thêm nữa, theo xu hướng toàn cầu, nhiều ngân hàng quốc gia đã hạ lãi suất, đẩy một lượng tiền vào lưu thông nhằm hỗ trợ xuất khẩu và kinh tế, NHNN Việt Nam không ngoại lệ, đang áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ.
Quyết định này của NHNN liên quan gì đến việc hầu hết ngân hàng thương mại đã nới kịch trần hạn mức tín dụng?
Theo tôi, với các ngân hàng đã nới hết room thì không cần huy động nhiều vốn với chi phí cao để cho vay. Mặc dù chu kỳ vay trong nền kinh tế những tháng cuối năm sẽ rất lớn nên có thể dẫn tới việc hạ lãi suất tiền huy động.
Nhưng việc hạ trần hai loại lãi suất này sẽ tác động thế nào đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp?
Hạ trần hai loại lãi suất này không có nghĩa doanh nghiệp được bơm nhiều vốn hơn. Thế nhưng, việc trần lãi suất huy động hạ xuống, kéo lãi suất cho vay cũng hạ xuống, có thể tác động tích cực đến những doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng.
Một điểm mà doanh nghiệp cần lưu ý, đó là cần có phương án kinh doanh cụ thể vì trần lãi suất cho vay có thể tiếp tục hạ. Để tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp phải có những kế hoạch kinh doanh khác nhau, phù hợp với lãi suất cho vay hạ 0,5% hay lãi suất cho vay hạ xuống 1%, từ đó chủ động tính được doanh thu và lợi nhuận.
Theo ông, thị trường tiền tệ cuối năm chịu tác động gì từ hai quyết định này của NHNN?
Trước hết, thị trường chứng khoán có thể sẽ tăng do lãi suất giảm. Bởi vì giá cổ phiếu, giá chứng khoán bao giờ cũng đi ngược chiều với lãi suất và lãi suất hạ thì giá cổ phiếu tăng, và ngược lại. Hạ lãi suất cũng sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, tín dụng bất động sản đang bị siết lại. Tại các ngân hàng, tỷ lệ cho vay ngắn hạn đã xuống tới 40% trong năm 2019 và hệ số rủi ro tín dụng kinh doanh bất động sản đang ở mức 200%, trong khi NHNN khuyến cáo các ngân hàng cẩn trọng trong cho vay bất động sản.
Về mặt quản lý nhà nước, điều hành của NHNN lần này là phù hợp với xu thế toàn cầu, phù hợp với tình hình kinh doanh và tài chính ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng có thanh khoản tốt. Tuy nhiên, theo tôi, NHNN nên sớm bỏ trần lãi suất, dỡ bỏ những quy định hành chính để thị trường vận động đúng theo quy luật cung cầu. NHNN cũng nên cho phép các ngân hàng phá sản, biện pháp này sẽ giúp điều chỉnh hành vi của thị trường.
Cảm ơn ông!