Hải Phòng: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA


Hiệp định EVFTA đã và đang mang lại những tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa và phát triển kinh tế của TP.Hải Phòng.

Hiệp định EVFTA mang lại các triển vọng đối với hoạt động kinh tế của Hải Phòng. Ảnh: TTXVN
Hiệp định EVFTA mang lại các triển vọng đối với hoạt động kinh tế của Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Trong năm qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, Sở Công Thương Hải Phòng đã triển khai, thực hiện các hoạt động, chương trình quan trọng. Bà Phạm Thị Minh Hoa - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Đầu tư và hợp tác quốc tế (Sở Công Thương TP. Hải Phòng) chia sẻ vấn đề này với Báo Công Thương.

Thưa bà, thời gian qua, Sở Công Thương TP. Hải Phòng đã triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng Hiệp định EVFTA cụ thể ra sao?

Nhận thức được tác động quan trọng của các FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA đối với hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế của địa phương, ngoài năng lực và sự chủ động của doanh nghiệp, Sở Công Thương TP. Hải Phòng đã tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn, hỗ trợ tiếp cận thông tin thị trường. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực thi Hiệp định EVFTA, như: Tổ chức Hội thảo hướng dẫn thực thi cam kết về logistics; Tọa đàm hệ sinh thái phát triển ngành da giày; Chương trình đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực hội nhập quốc tế, xuất nhập khẩu và logistics…

Đáng chú ý, trong năm 2023, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA được chú trọng, đẩy mạnh. Trong đó, công tác tuyên truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh quận, huyện, xã, phường, thị trấn, cũng như trên cổng thông tin điện tử của các Sở, ngành và địa phương được thực hiện thường xuyên, liên tục, mang lại hiệu quả tích cực. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tra cứu thông tin trực tuyến về các Hiệp định thương mại tự do nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng từ Cổng thông tin FTA (FTAP) của Bộ Công Thương và UBND thành phố (fta.haiphong.vn).

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hải Phòng còn đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối, liên kết các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước. Theo đó, đã có hơn 30 Hội nghị, Chương trình kết nối trực tiếp và trực tuyến từ Cục, Vụ của các Bộ, ngành, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được tổ chức nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu; hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng, khai thác triệt để các thị trường, nhất là các chuỗi cung ứng nhằm mang lại những giá trị không chỉ cho chính các doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố.

Nhờ sự tích cực triển khai các hoạt động trên, 11 tháng năm 2023, các chỉ tiêu kinh tế cơ bản của thành phố đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, bao gồm chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 13,07%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 5,53%; sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 150,19 triệu tấn, tăng 0,6%; thu hút đầu tư nước ngoài FDI ước đạt gần 3,26 tỷ USD.

Trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA, theo bà, sự liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp và các tổ chức, cũng như cơ quan chức năng đang ở mức độ như thế nào?

Trước hết, cần phải khẳng định rằng sự liên kết giữa doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời hội nhập để tạo nên sức mạnh đồng thuận trong mỗi ngành hàng, lĩnh vực cũng như xây dựng nên những thương hiệu về sản phẩm, ngành hàng uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó sự liên kết giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Bộ, ngành trên các lĩnh vực là vô cùng quan trọng, là vai trò không thể thiếu vai trò của cơ quan đầu mối và quản lý, trực tiếp triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Trong năm qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng hiệu quả từ Hiệp định EVFTA để kết nối sản phẩm với thành phố với thị trường quốc tế, với vai trò là cơ quan đầu mối về hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã có sự hỗ trợ TP. Hải Phòng trong tổ chức các hội nghị kết nối, chương trình đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp. Thông qua các hội nghị, các doanh nghiệp trên địa bàn cùng nhau giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thông qua các hoạt động giao thương, kết nối đã góp phần thúc đẩy nhận thức của các doanh nghiệp, bước đầu cùng chung tay, khai thác thế mạnh của nhau, cùng tạo nên những sản phẩm chất lượng, uy tín để xây dựng thương hiệu ngành hàng lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường nội địa và đủ sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã được đưa ra ở rất nhiều diễn đàn, hội thảo nhưng nhìn chung, nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của sự liên kết vẫn còn khiêm tốn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu “mạnh ai người ấy làm” hoặc “làm tất ăn cả”, chỉ quan tâm đến thương hiệu riêng, sản phẩm riêng của mình chứ không thấy rõ được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng. Ngoài ra, các hiệp hội do nguồn lực có hạn, chưa phát huy hết vai trò và năng lực trong quản lý, định hướng, nhất là hiệp hội ở các địa phương chưa tạo dựng được sức mạnh đại diện cho tập thể đủ lực để cạnh tranh.

Từ thực tế đó, nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, Sở Công Thương TP. Hải Phòng có kiến nghị gì đối với Bộ ngành, Chính phủ?

Châu Âu là thị trường khó tính nhưng là phân khúc tiêu dùng đẳng cấp, vì thế, cần tập trung phát triển sản xuất có trọng tâm - trọng điểm, không chỉ cho hàng xuất khẩu châu Âu mà còn phục vụ cả tiêu dùng trong nước và các quốc gia khác trên thế giới.

Theo đó, để việc thực thi Hiệp định EVFTA đạt kết quả, Sở Công Thương TP Hải Phòng có một số đề xuất kiến nghị với Chính phủ, Bộ ngành, Bộ Công Thương:

Thứ nhất, tăng cường hỗ trợ địa phương trong công tác tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, đa dạng các hình thức tuyên truyền, hướng đến xây dựng các nội dung mang tính chuyên đề, cụ thể, sát với thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tham gia Hiệp định EVFTA.

Thứ hai, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, những cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp Hải Phòng ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại.

Thứ ba, hỗ trợ xây dựng nguồn nhân lực am hiểu về các FTA, tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế và FTA tại địa phương nhằm tăng tính hiệu quả thực thi FTA.

Thứ tư, hỗ trợ địa phương xây dựng tổ chức hoạt động kết nối, xúc tiến theo từng khu vực từng lĩnh vực, từng ngành hàng, qua đó giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, góp phần vào việc hình thành chuỗi cung ứng.

Xin cảm ơn bà!

Theo Báo Công Thương