Hải quan Bình Dương: Gặp vướng trong xử lý phế liệu gia công

Hữu Hoàng

(Tài chính) Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp thực hiện theo loại hình gia công đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có văn bản gửi đến Cục Hải quan Bình Dương đề nghị hướng dẫn việc xử lý phế liệu phát sinh trong quá trình thực hiên hợp đồng gia công.

Cục Hải quan Bình Dương hướng dẫn việc xử lý phế liệu phát sinh trong quá trình thực hiên hợp đồng gia công. Nguồn: internet
Cục Hải quan Bình Dương hướng dẫn việc xử lý phế liệu phát sinh trong quá trình thực hiên hợp đồng gia công. Nguồn: internet

Căn cứ các quy định hiện hành, Cục Hải quan Bình Dương đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện như:

Về chính sách thuế
: Căn cứ điểm d, khoản 4, điều 101 và điểm d3, khoản 5, điều 113 Thông tư 194/2010/TT-BTC “Phần tỷ lệ phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức tiêu hao thu được trong quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu (ví dụ: vỏ lạc trong quá trình gia công lạc vỏ thành lạc nhân) không phải chịu thuế nhập khẩu. Trường hợp còn giá trị thương mại, người nộp thuế bán, tiêu thụ phần phế liệu, phế phẩm này trên thị trường thì cũng không phải chịu thuế nhập khẩu nhưng phải kê khai, nộp các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng quy định”.

Về hình thức xử lý: Căn cứ theo quy định tại khoản 1, điều 23 Thông tư 117/2011/TT-BTC có 5 hình thức xử lý (tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công): Bán tại thị trường Việt Nam, xuất khẩu trả ra nước ngoài, chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại Việt Nam, biếu tặng tại Việt Nam, tiêu hủy tại Việt Nam.

Về thời gian xử lý: Căn cứ hướng dẫn tại Mục 19 Công văn 962/TCHQ-GSQL ngày 01/3/2012 “các hình thức nêu tại điểm a, d khoản 1, điều 23 Thông tư 117/2011/TT-BTC chỉ được xử lý sau khi thanh khoản hợp đồng gia công”.

Như vậy, căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên, chỉ sau khi kết thúc hợp đồng gia công (sau khi thanh khoản) thì doanh nghiệp mới được xử lý phế liệu, phế phẩm, phế thải phát sinh trong quá trình thực hiện hđgc và thực hiện các thủ tục hải quan tương ứng với hình thức xử lý và không phân biệt phế liệu, phế phẩm, phế thải, đó có nằm trong hay nằm ngoài định mức đã khai báo.

Tuy nhiên theo quy định tại Công văn số 4566/TCHQ-GSQL ngày 08/8/2013 Tổng cục Hải quan hướng dẫn “quy định tại điểm a, khoản 2, điều 23 Thông tư 117/2011/TT-BTC chỉ áp dụng đối với trường hợp phế liệu, phế phẩm nằm ngoài định mức sử dụng”. Như vậy căn cứ theo hướng dẫn này thì phế phẩm, phế liệu nằm trong định mức sẽ không thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 23 thông tư 117/2011/TT-BTC và các hướng dẫn có liên quan khác?

Để thực hiện đúng theo quy định, vừa qua Cục Hải quan Bình Dương đã gửi Công văn đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn rõ: trường hợp phế phẩm, phế liệu, phế thải nằm trong định mức đã khai báo thì khi xử lý (bán nội địa, tiêu hủy...) doanh nghiệp có cần phải khai báo với cơ quan Hải quan hay không? Nếu có thì hình thức khai báo như thế nào? Và có quy định thời gian xử lý như mục 19 công văn số 962/TCHQ-GSQL ngày 01/3/2012 hay không?

Bên cạnh đó với những vướng mắc trên và nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp gia công giải quyết kịp thời các phế phẩm, phế liệu phát sinh trong quá trình sản xuất, hạn chế chi phí kho bãi, ảnh hưởng môi trường. Trước mắt, Cục Hải quan Bình Dương đã có đề xuất với Tổng cục Hải quan như: đối với phế liệu, phế phẩm, phế thải nằm trong định mức đã khai báo, khi xử lý doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm xác định số lượng, hình thức xử lý, cũng như thời gian xử lý. Không cần khai báo với cơ quan Hải quan khi xử lý, nhưng phải có trách nhiệm giải trình, chứng minh khi hải quan có yêu cầu.