Hải quan chống buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm văn hóa

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Ăn cắp và buôn bán các di sản văn hóa là một trong những loại tội phạm xuất hiện từ lâu trên thế giới và ngày nay vẫn là một hiện tượng phổ biến ở nhiều quốc gia.

Đồ vật cổ của người Maya do Hải quan thu giữ. Nguồn: baohaiquan.vn
Đồ vật cổ của người Maya do Hải quan thu giữ. Nguồn: baohaiquan.vn

Đã có nhiều sáng kiến được các tổ chức quốc tế đưa ra nhằm  ngăn chặn loại tội phạm này. Một chương trình có tên gọi ARCHEO do Văn phòng tình báo hải quan khu vực Tây Âu (RILO) xây dựng với mục tiêu tăng cường kiến thức cho các nhân viên Hải quan về lĩnh vực này, đặc biệt là đối với với các nhân viên kiểm soát hải quan và tình báo hải quan. Mục đích chính của chương trình là giúp cơ quan Hải quan tác nghiệp chống lại loại tội phạm quốc tế này. 

Hàng năm, có hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật biến mất khỏi các bảo tàng, phòng trưng bày, nhà thờ, dinh thự tư hoặc các địa điểm công cộng. Các sản phẩm văn hóa như vũ khí cổ, tranh vẽ, tiền xu, đồng hồ, các đồ lễ tôn giáo… thường nằm trong danh sách những sản phẩm văn hóa và cổ vật bị đánh cắp. Hành vi ăn trộm các sản phẩm có giá trị văn hóa cao và được làm ra từ các thế hệ trước đang tăng dần do mức lợi nhuận cao.

Có thể nói, trong những thập kỷ gần đây, loại tội phạm này dường như đã lây lan như một thứ bệnh dịch. Với quy mô và khả năng sinh lợi của loại tội phạm này, chưa có thể xác định được những thiệt hại về kinh tế đối với các quốc gia cả về mặt tài chính và tinh thần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì đây là loại hình buôn bán bất hợp pháp lớn nhất trên thế giới, với trị giá lợi nhuận lên đến nhiều tỷ USD và đương nhiên có sức hút rất lớn đối với các tổ chức tội phạm.

Các hoạt động tội phạm liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật thường gắn với hành vi vận chuyển qua biên giới. Dù là các tác phẩm nghệ thuật hay đồ cổ bị đánh cắp hay buôn lậu thì cũng đều được đưa ra nước ngoài để bán lấy giá cao hơn trong nước.

Trong chiến dịch mới được các cơ quan Hải quan của Liên minh Châu Âu (EU) phát động, đã phát hiện nhiều thủ đoạn hoạt động  tinh vi để vận chuyển các đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật dưới hình thức xuất khẩu, nhập khẩu hoặc quá cảnh EU. Các tác phẩm bị đánh cắp có thể được bán đấu giá trên thị trường chợ đen ở EU nhưng đích đến cuối cùng thường là Hoa Kỳ hoặc Nga, những nơi vốn được coi là thiên đường cho các đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp.

Thủ đoạn mà bọn tội phạm sử dụng để qua mặt cơ quan Hải quan là không khai báo hàng hóa hoặc cất giấu chúng xen lẫn hàng hóa khác được khai báo chính thức. Ngoài ra, các sản phẩm còn được cất giấu dưới lớp vỏ ngụy trang tinh vi, nhất là đối với các bức tranh cổ được ngụy trang dưới hình thức tranh sao chép để có thể xin giấy phép xuất khẩu của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Ngoài ra, giấy tờ chứng thực cũng có thể bị làm giả hoặc thậm chí bọn tội phạm còn dùng hóa chất làm phai màu sắc tranh hòng trốn tránh sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng. Hải quan EU đã công bố những thủ đoạn mà bọn tội phạm thường lợi dụng để vận chuyển các sản phẩm nghệ thuật. Việc làm giả chứng từ, nhất là liên quan đến xuất xứ hay giá trị của hàng hóa thường được sử dụng. Bọn tội phạm cũng thường làm giả chứng nhận đảm bảo tác phẩm không nằm trong danh sách đồ vật bị đánh cắp.

Một tác phẩm nghệ thuật có thể bị làm giả lịch sử ra đời, xuất xứ và quá trình sở hữu và các thông tin đó có thể được một nhà khảo cổ hoặc sưu tầm chứng thực. Ngoài lý do bảo vệ các di sản văn hóa, việc ngăn chặn nạn chảy máu các sản phẩm văn hóa còn liên quan đến hai nhiệm vụ khác của cơ quan Hải quan, đó là: chống rửa tiền và chống trốn thuế.

Hiện nay, Hải quan các quốc gia thành viên EU như Pháp, Hy Lạp, Italia và Nga đã có những biện pháp thực hiện kế hoạch bảo vệ di sản văn hóa theo phát động của EU. Tuy nhiên, việc bảo vệ các di sản văn hóa lại gặp phải nhiều vướng mắc về ngoại giao. Cụ thể như thủ tục phức tạp để đòi lại các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp trong các cuộc chiến tranh thế giới vẫn tồn tại với những tranh cãi giữa nhiều quốc gia. Hoặc trong năm 2003, sau cuộc chiến tại Irac, đã có hơn 15.000 đồ vật bị nghi ngờ là đã bị đánh cắp khỏi bảo tàng quốc gia Irac.

Trách nhiệm tiên phong trong đấu tranh chống lại nạn buôn lậu này được giao cho các cơ quan Hải quan của EU. Hàng loạt sáng kiến, biện pháp được EU đưa ra nhằm ngăn chặn và đấu tranh chống lại các đường dây buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm văn hóa mà tiêu biểu là chương trình ARCHEO.

Bên cạnh cộng đồng Hải quan EU, còn có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như UNESCO, Hội đồng Bảo tàng Thế giới (ICOM), INTERPOL và WCO. Các công nghệ và quản lý dữ liệu đã được sử dụng để phục vụ chương trình này như cơ sở dữ liệu các hàng hóa bị đánh cắp của INTERPOL, cơ sở dữ liệu về pháp luật quốc gia của UNESCO, cơ sở dữ liệu HEREIN của Hội đồng Châu Âu (EC).

Nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức, ICOM đã đưa ra danh sách đỏ bao gồm các loại hoặc các dạng tác phẩm cần được bảo vệ. Danh sách này cảnh báo các cơ quan, tổ chức chuyên môn về các sản phẩm có thể đang trong tình trạng thương mại bất hợp pháp và được cơ quan Hải quan sử dụng trong quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu..

Ngoài ra, còn có các công cụ khác khuyến nghị dành cho các thị trường thương mại, Quy tắc ứng xử dành cho các thương nhân giao dịch các sản phẩm văn hóa hoặc đặc thù hơn là những khuyến nghị về giao dịch thương mại trực tuyến (như hướng dẫn “Các hoạt động cơ bản liên quan đến các sản phẩm văn hóa được rao bán trên Internet”). Cuối cùng, các công cụ kỹ thuật còn gồm các chứng từ tiêu chuẩn như chứng nhận xuất khẩu sản phẩm văn hóa (theo mẫu của UNESCO-WCO) và tiêu chuẩn mã nhận dạng sản phẩm- là một chuẩn mực kỹ thuật mô tả thông tin tài sản văn hóa.

Các cơ quan Hải quan châu Âu đã huy động nguồn lực mạnh tham gia chương trình chống buôn lậu các sản phẩm văn hóa. Tuy nhiên, việc phát hiện dấu vết của các đường dây buôn lậu là rất khó khăn. Nhân viên Hải quan thường thiếu thông tin và kiến thức về các sản phẩm văn hóa cùng với khó khăn trong xác định trị giá sản phẩm, tính xác thực về nguồn gốc sản phẩm.

Chương trình ARCHEO do RILO khu vực Tây Âu của WCO xây dựng hướng tới mục tiêu giúp các nhân viên Hải quan khắc phục các điểm yếu trên. ARCHEO là công cụ vận hành trên nguyên tắc thời gian thực, dùng để trao đổi thông tin và hợp tác  bảo vệ di sản văn hóa giữa các cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng khác của quốc gia, các tổ chức quốc tế. Cũng giống như ứng dụng CENcomm của WCO, ARCHEO vận hành trên Internet và được truy cập bởi một nhóm người sử dụng duy nhất (CUG).

Thông tin truyền qua công cụ này được mã hóa và đảm bảo an ninh. Người sử dụng kết nối với hệ thống thông qua một địa chỉ URL sử dụng quyền đăng nhập, mật khẩu riêng. Mục đích của ARCHEO rất rộng với lượng lớn người sử dụng. Các thông tin chia sẻ trên hệ thống cũng bao gồm các phương thức xử lý hàng vi phạm, nhận dạng sản phẩm, tài liệu đào tạo, các thông tin cơ bản về quy định pháp luật quản lý loại hàng này…

Giá trị gia tăng chính của chương trình là sự kết nối giữa các chuyên gia Hải quan với các chuyên gia văn hóa trên thế giới để có thể cho phép khẳng định bản chất của sản phẩm làm căn cứ đưa ra quyết định xử lý chính xác cuối cùng./.