Hải quan – Doanh nghiệp: Kết nối, chia sẻ, đồng hành

PV.

Tổng cục Hải quan vừa tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Hải quan - Doanh nghiệp: Kết nối - Chia sẻ - Đồng hành”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tham dự chỉ đạo; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chủ trì buổi tọa đàm.

Trong những năm qua Bộ Tài chính luôn sát sao chỉ đạo Tổng cục Hải quan thúc đẩy thiết lập mối quan hệ hợp tác với hiệp hội DN, DN xây dựng lực lượng nòng cốt trong phát triển quan hệ đối tác.
Trong những năm qua Bộ Tài chính luôn sát sao chỉ đạo Tổng cục Hải quan thúc đẩy thiết lập mối quan hệ hợp tác với hiệp hội DN, DN xây dựng lực lượng nòng cốt trong phát triển quan hệ đối tác.

Buổi Tọa đàm đã thu hút hơn 60 đại diện đến từ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp (DN) lớn, DN có hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), tích cực đóng góp ý kiến cho cơ quan Hải quan trong xây dựng pháp luật, thực thi và giám sát thực thi pháp luật của cơ quan Hải quan. Cùng tham dự là Cục trưởng một số đơn vị Hải quan địa phương lớn và Cục trưởng, Vụ trưởng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá, với châm lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, hợp tác, đồng hành, cơ quan Hải quan các cấp thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại với DN dưới nhiều hình thức khác nhau, thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN.

 “Các cuộc đối thoại từng bước được chuyển biến về cách thức tổ chức, nội dung đối thoại, để thực sự trở thành công cụ hữu ích trong việc giải quyết các bất đồng giữa các bên”.

Nhấn mạnh điều trên, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: Cùng với việc tăng cường quan hệ đối tác với cộng đồng DN, trong những năm qua Bộ Tài chính luôn sát sao chỉ đạo Tổng cục Hải quan thúc đẩy thiết lập mối quan hệ hợp tác với hiệp hội DN, DN xây dựng lực lượng nòng cốt trong phát triển quan hệ đối tác.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu và cơ quan hải quan đã khái quát bức tranh tổng thể về các hoạt động cải cách hiện đại hóa hải quan và những điều chỉnh về biện pháp quản lý hải quan nhằm tạo thuận lợi cho DN.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết, hoạt động cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan được thể hiện ở nhiều lĩnh vực từ việc áp dụng hệ thống công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ đến cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho DN và cơ quan Hải quan.

Đặc biệt, trong việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan Hải quan các cấp đều có hệ thống kiểm soát công vụ từ Trung tâm chỉ huy ở Tổng cục Hải quan đến cục hải quan các tỉnh, thành phố; bên canh đó cơ quan Hải quan có hệ thống quy chế giám sát cán bộ công chức trong thực thi công vụ.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cũng đề nghị cộng đồng DN chia sẻ, ủng hộ, góp ý cho cơ quan Hải quan các cấp. Tổng cục Hải quan sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp của DN và tiếp tục cải cách hiện đại hóa để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK, đầu tư tại Việt Nam.
Hải quan – Doanh nghiệp: Kết nối, chia sẻ, đồng hành - Ảnh 1
Tổng cục Hải quan sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp của DN và tiếp tục cải cách hiện đại hóa để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK, đầu tư tại Việt Nam.
Buổi Tọa đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến của đại diện DN, hiệp hội doanh nghiệp, đánh giá cao tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho DN từ Tổng cục Hải quan đến cơ quan Hải quan các cấp. Các giải pháp cải cách của cơ quan hải quan thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm tiếp xúc trực tiếp với DN đã hỗ trợ DN trong việc giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Tuy nhiên, đại diện DN, hiện hội DN cũng đưa ra nhiều ý kiến để cơ quan Hải quan tiếp tục hỗ trợ hơn nữa cho cộng đồng DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tiếp thu, thu nhận và giải đáp những ý kiến của DN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cũng đã nêu lên 6 hoạt động mà cơ quan Hải quan triển khai để có thể tiếp tục Kết nối - Chia sẻ - Đồng hành với cộng đồng DN, cụ thể:

- Tiếp tục lắng nghe tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN và các cơ quan hữu quan để tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành nhằm hoàn thiện và đưa vào thực hiện các văn bản pháp luật về thủ tục hải quan theo hướng tạo thuận lợi cho thương mại;

- Sẽ xây dựng và ban hành các quy trình nghiệp vụ hải quan phù hợp quy định mới tại các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng minh bạch, cụ thể hóa trách nhiệm của công chức hải quan và DN có thể giám sát được công chức hải quan khi thực hiện nhiệm vụ.

- Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, luân chuyển cán bộ hợp lý theo quy trình nghiệp vụ hải quan mới để đảm bảo tính thông suốt, đẩy nhanh thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ và thông quan hàng hóa.

- Tiếp tục kiến nghị và phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành thông qua việc mở rộng các thủ tục thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia; Rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng rộng rãi quản lý rủi ro trong kiểm tra và thực hiện công nhận lẫn nhau kết quả kiểm tra chuyên ngành sản phẩm nhập khẩu với các nước.

- Tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan với DN, thay đổi từ tư duy cơ quan hải quan là người quản lý còn DN là người bị quản lý sang tư duy hải quan và DN hợp tác để cùng thực hiện tốt các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan.

- Tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi quản lý nhà nước về hải quan.