Hướng đến cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành
Nhằm tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN), đảm bảo cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục KTCN theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đang triển khai nhiều giải pháp.
Nhiều hạn chế đặt ra…
Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và KTCN nhiều, phạm vi quản lý về kiểm tra rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra, còn có sự chồng chéo trong quản lý KTCN.
Bên cạnh đó, việc KTCN thực hiện chủ yếu bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro; chưa đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu thông tin, công nhận kết quả KTCN. Đồng thời nguồn lực thực hiện KTCN đối với hàng hóa XNK tại cửa khẩu còn thiếu và yếu.
Trong khi đó, tại hầu hết các cửa khẩu quốc tế hiện nay đều chưa có đại diện của các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng. Việc kiểm tra hàng hóa XNK phải gửi về phòng thí nghiệm trong nội địa, có nhiều trường hợp gửi về Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.
Đánh giá thực trạng KTCN đối với hàng hóa XNK, ông Đỗ Văn Quang, Cục trưởng Cục Kiểm định Hải quan cho biết, cơ quan KTCN (trừ Kiểm dịch) chưa bố trí được lực lượng, phương tiện kiểm tra tại cửa khẩu, kết quả kiểm tra chậm dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa XNK. Đặc biệt, một số DN XNK chưa xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc thực hiện các quy định về quản lý, KTCN đối với hàng hóa XNK.
Hầu hết các cửa khẩu quốc tế hiện nay đều chưa có đại diện của các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng.Nguồn: PV. |
Ông Nguyễn Anh Quân, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh thương mại tổng hợp A&Q (chuyên kinh doanh NK mặt hàng rau củ quả tươi qua cửa khẩu Tân Thanh) cho biết, đối với một số mặt hàng phải chịu sự quản lý KTCN của các cơ quan khác, do DN không có trụ sở tại tỉnh Lạng Sơn nên mất rất nhiều thời gian đi lại để hoàn tất các thủ tục, có khi mất đến 3 tuần mới nhận được kết quả KTCN, sau đó mới nộp được cho cơ quan Hải quan để làm thủ tục thông quan hàng hóa. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho DN, hàng hóa hư hỏng, chi phí tăng cao, mất nhiều thời gian.
Theo khảo sát số liệu tại hồ sơ hải quan liên quan đến 2 mặt hàng là nông sản và phân bón đã thông quan năm 2017 cho thấy, nông sản NK, gần như 100% không thực hiện phân tích tại phòng kiểm nghiệm của cơ quan KTCN, chỉ kiểm tra hồ sơ theo phương pháp kiểm tra thông thường và cấp giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm ngay trong ngày mở tờ khai hải quan.
Ông Đỗ Văn Quang lý giải, mặc dù theo quy định tại Thông tư 12/2015/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật NK, với hình thức kiểm tra thông thường, tỷ lệ lấy mẫu kiểm nghiệm là 10% theo mức độ rủi ro hàng hóa, 30% lấy mẫu kiểm nghiệm với hình thức kiểm tra chặt. Trong đó, nếu lô hàng có kết quả không đạt, cơ quan KTCN sẽ xử lý theo các cách như: Chuyển đổi mục đích sử dụng, tiêu hủy, tái xuất, khắc phục lỗi ghi nhãn. Như vậy quy định pháp lý có lấy mẫu kiểm nghiệm, tuy nhiên, thực tế hầu như 100% hồ sơ hải quan hàng hóa đã thông quan phải KTCN không thể hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm theo quy định.
Với mặt hàng phân bón theo quy định tại Nghị định 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, phải kiểm tra chất lượng trước thông quan. Tuy nhiên, khảo sát thực tế trung bình phải 7 ngày làm việc mới có kết quả kiểm tra chất lượng, trên thông báo kết quả kiểm tra chất lượng chỉ ghi đạt, không thể hiện số liệu cũng như phương pháp thử nghiệm.
Hầu hết các cửa khẩu quốc tế hiện nay đều chưa có đại diện của các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng. Nguồn: PV. |
Như vậy, câu hỏi đặt ra liệu các mặt hàng nông sản, phân bón NK có được lấy mẫu phân tích, thử nghiệm chất lượng tại phòng thí nghiệm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định theo mức độ rủi ro hàng hóa quy định hay không?
Hải quan sẽ thí điểm KTCN đối với một số mặt hàng
Mặc dù theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) không có chức năng quản lý chuyên ngành hàng hóa XNK nhưng lại là đơn vị đầu tiên tiếp xúc với hàng hóa XNK và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hải quan.
Trên thế giới, theo xu thế hải quan hiện đại như Hải quan Nhật Bản, Hàn Quốc… bên cạnh nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan, cơ quan Hải quan còn tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh cộng đồng thông qua việc kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa NK kém chất lượng và nguy hiểm.
Nhằm đưa Hải quan Việt Nam bắt kịp với hải quan các nước tiên tiến trên thế giới trong vai trò bảo vệ an ninh quốc gia, một trong những giải pháp để tạo điều kiện cho hoạt động XNK hàng hóa tại cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí cho DN, Tổng cục Hải quan đang gấp rút hoàn thiện Đề án thí điểm KTCN hàng hóa XNK tại cơ quan Hải quan.
Đề án thí điểm KTCN hàng hóa XNK tại cơ quan Hải quan đưa ra hướng cải cách mới cho công tác KTCN hiện nay, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để cơ quan Hải quan tham gia vào công tác quản lý chuyên ngành.
Cũng theo ông Đỗ Văn Quang, nhằm cải cách đột phá để thay đổi cách thức KTCN việc cơ quan Hải quan tham gia thí điểm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm mặt hàng nông sản NK và kiểm tra chất lượng mặt hàng phân bón khoáng sẽ thúc đẩy tính công khai, minh bạch trong công tác KTCN của các bộ quản lý chuyên ngành, qua đó góp phần tích cực, thúc đẩy việc cải cách KTCN của các bộ quản lý chuyên ngành. Đồng thời, khẳng định vai trò phòng thí nghiệm hải quan hiện đại.
Hoạt động kiểm định chất lượng hàng hóa tại Cục Kiểm định Hải quan. Nguồn: PV. |
Đặc biệt, Đề án thí điểm KTCN hàng hóa XNK tại cơ quan Hải quan cũng đặt tiền đề hướng dến phương án Bộ Tài chính phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành áp dụng quản lý rủi ro về KTCN đối với hàng hóa XNK. Cụ thể là cơ quan Hải quan sẽ kiểm định hàng hóa XNK theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của bộ quản lý chuyên ngành. Những mặt hàng cơ quan Hải quan đã kiểm định thì bộ quản lý chuyên ngành không cần thiết phải kiểm tra nữa và kết quả kiểm tra của cơ quan Hải quan dùng để thông quan hàng hóa. Cơ quan Hải quan sẽ xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý chuyên ngành những mặt hàng mà cơ quan Hải quan thực hiện kiểm định.
Ông Nguyễn Anh Quân, Giám đốc công ty TNHH Kinh doanh thương mại tổng hợp A&Q cho rằng, nếu cơ quan Hải quan là đầu mối trong việc kiểm định hàng hóa ngay tại cửa khẩu sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động kinh doanh, tăng tính cạnh tranh của DN trên thị trường. Đặc biệt, nếu cơ quan Hải quan được chỉ định là cơ quan kiểm định thì sẽ đối trọng với các cơ quan kiểm định khác, từ đó nhằm nâng cao hiệu quả của công tác kiểm định hàng hóa ngay tại cửa khẩu. DN sẽ không phải mất thời gian chờ đợi, hàng hóa được thông quan nhanh, chi phí cũng sẽ được giảm bớt là điều mà cộng đồng DN mong muốn lâu nay.
Theo dự thảo Đề án thí điểm KTCN hàng hóa XNK tại cơ quan Hải quan sẽ thực hiện thí điểm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản NK tại Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) và mặt hàng phân bón khoáng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Cục Hải quan Lào Cai) và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV 1 (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) với thời gian thực hiện thí điểm là 1 năm.
Theo đó, để tránh xáo trộn việc kiểm tra cơ quan Hải quan sẽ chỉ thực hiện KTCN trên tỷ lệ lấy mẫu kiểm nghiệm là 10% với hình thức kiểm tra thông thường và 30% với hình thức kiểm tra chặt tại Thông tư 12/2015/TT-BTC đối với mặt hàng nông sản. Đối với mặt hàng phân bón khoáng, Cục Kiểm định Hải quan đóng vai trò như cơ quan KTCN, lấy mẫu, thực hiện kiểm nghiệm và thông báo kết quả.
Thời gian trả kết quả sau 5 ngày kể từ ngày lấy mẫu; kết quả được trả trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và là căn cứ để thông quan hàng hóa.