Hải quan quyết liệt chống tệ sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng
Trong những năm vừa qua, kỷ cương kỷ luật hành chính trong hệ thống Hải quan đã có nhiều chuyển biến đáng kể, góp phần ngăn ngừa những sai phạm và nâng cao hiệu qua công việc. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục cải thiện và đẩy lùi các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ công chức...
Xây dựng lực lượng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan Hải quan. Với đặc thù là người “gác cửa nền kinh tế đất nước” - công chức Hải quan làm việc trong môi trường đầy thử thách, đòi hỏi phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trong sáng, liêm chính, giàu nghị lực và quyết tâm. Hiểu thật rõ và sâu sắc điều đó, Tổng cục Hải quan đã rất chú trọng và quan tâm đến công tác xây dựng lực lượng để có được lực lượng “trong sạch, vững mạnh”.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục cải thiện và đẩy lùi các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ công chức như: Thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; Xây dựng và ban hành thực hiện chế độ định mức tiêu chuẩn; Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử; Thực hiện luân chuyển cán bộ công chức phòng ngừa tham nhũng; Cải cách hành chính, áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý; Đổi mới phương thức thanh toán, trả lương qua tài khoản; Đẩy mạnh cải cách hành chính.
Đặc biệt, cuối năm 2014, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 3749/QĐ-TCHQ ngày 15/12/2014 về kế hoạch phòng chống tệ phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của ngành Hải quan, với 12 giải pháp cụ thể gồm: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống; Cải cách thủ tục hành chính; Chú trọng công tác đào tạo; Hiện đại hóa trang thiết bị giám sát; Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ; Sử dụng hiệu quả trang thiết bị; Nâng cao hiệu quả kiểm soát, chống buôn lậu; Đẩy mạnh thanh, kiểm tra; Tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ công chức ở các đơn vị thừa hành; Giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo; Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; Đo sự hài lòng của doanh nghiệp.
Trong những năm vừa qua, kỷ cương kỷ luật hành chính trong hệ thống Hải quan đã có nhiều chuyển biến đáng kể, góp phần ngăn ngừa những sai phạm và nâng cao hiệu qua công việc. Các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật của cán bộ công chức bị phát hiện trong thời gian qua đều được lãnh đạo Hải quan các cấp tiến hành xem xét, xử lý, kỷ luật kịp thời, đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Tổng cục Hải quan chỉ đạo tập trung phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm, theo dõi chặt chẽ việc xử lý về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu ở những đơn vị có cán bộ công chức vi phạm. Đặc biệt, không chỉ phát hiện, xử lý sai phạm qua công tác quản lý nội bộ như thanh tra, kiểm tra, tổ chức cán bộ…
Tổng cục Hải quan cũng hết sức chú trọng thông tin phản ánh tiêu cực, sai phạm, phiền hà, sách nhiễu, thu tiền trái quy định của cán bộ công chức từ các cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng. Với trường hợp có thông tin từ các đơn vị trên, Tổng cục Hải quan sẽ kiểm tra, nếu thông tin chính xác sẽ lập tức xử lý nghiêm minh thông qua điều chuyển hoặc đình chỉ công tác với cán bộ công chức trực tiếp vi phạm và người đứng đầu đơn vị, trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì buộc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm của cán bộ công chức, hàng năm, Tổng cục Hải quan và các đơn vị thuộc, trực thuộc đều xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra nội bộ, kiểm tra phòng chống tham nhũng ngay từ đầu năm để triển khai thực hiện. Công tác thanh, kiểm tra được đẩy mạnh thực hiện ở các bộ phận trực tiếp làm thủ tục, bộ phận giám sát (kho bãi ở cảng biển, sân bay, xác nhận thực xuất…), kiểm tra thực tế hàng hóa…; thanh, kiểm tra hiệu quả sử dụng các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý hải quan; thanh, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại… Và ngay với các đơn vị trực tiếp thực hiện thanh, kiểm tra cũng sẽ được giám sát, kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên để ngăn chặn vi phạm.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi tiêu cực, sách nhiễu của cán bộ công chức Hải quan trong việc làm thủ tục hải quan; thành lập đường dây nóng chống tiêu cực, chỉ đạo hoạt động của lực lượng đặc nhiệm; tăng cường công tác chống buôn lậu, công tác bảo vệ nội bộ, công tác kiểm tra sau thông quan và công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ.
Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan luôn mong muốn sự phối hợp, vào cuộc của hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan báo chí và nhân dân cả nước trong phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng góp phần để xây dựng cơ quan và lực lượng Hải quan ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi tiêu cực, sách nhiễu của cán bộ công chức Hải quan trong việc làm thủ tục hải quan; thành lập đường dây nóng chống tiêu cực, chỉ đạo hoạt động của lực lượng đặc nhiệm; tăng cường công tác chống buôn lậu, công tác bảo vệ nội bộ, kiểm tra sau thông quan và công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ.