Hải quan Việt Nam: Dấu ấn năm 2023 và định hướng năm 2024
Năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức từ trong và ngoài nước ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo toàn Ngành nỗ lực vượt khó, quyết tâm hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, ngành Hải quan tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao năm 2024.
Dấu ấn nỗ lực vượt khó
Trong năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, chiến sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, xung đột giữa lực lượng Hamas của Palestine và Israel lan rộng ở Trung Đông cùng với những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh năng lượng, giá cả hàng hóa, các chính sách về tiền tệ, lãi suất… đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động xuất nhập khẩu. Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn do chịu tác động từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế nội tại bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn.
Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo xuyên suốt, kịp thời của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã phát động phong trào thi đua: “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo, thi đua xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp”. Theo đó, toàn Ngành Hải quan đã quyết tâm thi đua, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ được giao, bám sát tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Lấy cải cách, hiện đại hóa làm trọng tâm
Chú trọng công tác cải cách hành chính (CCHC), Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Nổi bật là Quyết định số 123/QĐ-TCHQ về chỉ tiêu CCHC, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, với 10 nhóm chỉ tiêu cụ thể; Ban hành Kế hoạch rà soát thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ của Tổng cục Hải quan giai đoạn 2022-2025; Thực hiện cắt giảm đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.
Với mục tiêu lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan như Ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023; Phát động chương trình tháng hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 để hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia và Ngày Chuyển đổi số Bộ Tài chính.
Triển khai Đề án cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh theo chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình cửa khẩu thông minh theo “Đề án triển khai thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh với Quảng Tây - Trung Quốc”. Đồng thời, Tổng cục báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ về chủ trương tăng cường hợp tác với Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) về Sáng kiến An ninh Container của Việt Nam nhằm rút ngắn thời gian thông quan các container xuất khẩu của Việt Nam tại các cảng biển Hoa Kỳ, góp phần tạo thuận lợi thương mại.
Hệ thống thông quan điện tử được Chính phủ Nhật bản tài trợ và bàn giao cho Tổng cục Hải quan đưa vào sử dụng từ năm 2014. Đây là một trong những hệ thống cối lõi của Hải quan Việt Nam, đóng vai trò quan trọng bậc nhất đối với hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Sau hơn 9 năm hoạt động (2014-2023), trong những năm gần đây, tần suất phần cứng và phần mềm ứng dụng xảy ra sự cố ngày càng tăng ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của hệ thống. Với lý do đó, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ về việc triển khai xây dựng hệ thống mới thay thế hệ thống VNACCS/VCIS gặp nhiều sự cố ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của hệ thống. Đồng thời, với yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực Hải quan, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan”. Việc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và hoàn thiện bài toán yêu cầu nghiệp vụ thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh.
Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Đến nay, đã có 250 TTHC của 13 Bộ, ngành kết nối với sự tham gia của 67 nghìn doanh nghiệp; kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN…
Nhằm hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan, Tổng cục Hải quan đã chủ động đẩy mạnh hiện đại hóa bằng việc đầu tư mua sắm trang thiết bị đồng bộ, hiện đại như: tăng cường trang bị các trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát hàng hoá, đặc biệt đối trong việc phòng chống buôn bán ma tuý; Xây dựng hệ thống barie điện tử; Xây dựng chủ trương đầu tư báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt mua sắm 19 máy soi hành lý và 19 máy soi container di động; Tăng cường sử dụng hệ thống seal định vị điện tử để niêm phong, giám sát hải quan với tổng số lượt seal định vị điện tử sử dụng trong năm 2023 là 129.180 lượt. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã điều chuyển máy soi container di động giữa các Cục Hải quan nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phù hợp với lượng hàng hóa di chuyển và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Từ những kết quả đạt được, năm 2023 Tổng cục Hải quan tiếp tục xếp thứ nhất và là năm thứ 07 liên tiếp được Bộ Tài chính xếp hạng đứng đầu trong số các đơn vị khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ về Chỉ số cải cách hành chính, đồng thời góp phần tăng điểm số Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ Tài chính.
Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế về Hải quan
Năm 2023, các hoạt động hợp tác đa phương cũng như song phương được nối lại và thúc đẩy mạnh mẽ trên cơ sở các đề xuất chủ động của Hải quan Việt Nam và từ phía các đối tác nước ngoài, mang lại hiệu quả rõ nét và mở ra những cơ hội hợp tác ở tầm cao mới.
Trong hoạt động hợp tác song phương, Tổng cục Hải quan tiếp tục đàm phán, ký kết và triển khai các thỏa thuận quốc tế về lĩnh vực hải quan với các nước, như: Thỏa thuận với Hải quan Hà Lan về việc thực hiện Hiệp định cấp Nhà nước về hợp tác và hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan; Biên bản làm việc giữa Tổng cục Hải quan và Hải quan Thái Lan. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các cam kết trong ASEAN, WCO, APEC, GMS theo lộ trình hợp tác đa phương.
Trong năm 2023, công tác hợp tác quốc tế về hải quan cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ thông qua việc phối hợp với WCO đăng cai tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 của WCO thành công với chủ đề “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới và nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp”. Đây là sự kiện quốc tế lớn của WCO và là một trong sự kiện quốc tế lớn nhất từ trước đến nay đối với Hải quan Việt Nam.
Công tác tổ chức Hội nghị đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, ghi nhận và đánh giá cao của WCO, các Bộ, ngành và đại biểu hải quan quốc tế và cộng đồng DN công nghệ. Thành công của Hội nghị đã góp phần nâng cao vị thế của Hải quan Việt Nam, vị thế của Hải quan Việt Nam và khẳng định vai trò tích cực, trách nhiệm của Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với WCO.
Tạo thuận lợi thương mại gắn với chống thất thu ngân sách
Năm 2023, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 là 425.000 tỷ đồng. Nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu thu NSNN được giao, Tổng cục Hải quan đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu. Đến nay, đã có 47 ngân hàng thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp thu với cơ quan hải quan, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu thuế điện tử và thông quan 24/7.
Tuy nhiên, năm 2023, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu NSNN của cơ quan Hải quan. Kết quả thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 369.093 tỷ đồng, bằng 86,8% chỉ tiêu pháp lệnh (giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước). Kết quả này đã thể hiện sự nỗ lực của ngành Hải quan trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên bằng việc triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ thuế (giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế cho từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, thường xuyên theo dõi, rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu để xử lý theo quy định),… kết quả thu hồi và xử lý nợ thuế đến nay đạt 905,8 tỷ đồng. Trong đó, một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố có kết quả thu hồi nợ thuế tốt như: TP. Hồ Chí Minh 683 tỷ đồng, Hà Nội 74 tỷ đồng, Bình Dương 36 tỷ đồng.
Để chống thất thu ngân sách, ngành Hải quan đã triển khai hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan. Trong năm 2023, toàn Ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 2.181 cuộc (giảm 24% so với cùng kỳ 2022), trong đó có 893 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 1.288 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 1.081,62 tỷ đồng (tăng 63% so với cùng kỳ 2022), đã thực thu vào NSNN số tiền là 966,28 tỷ đồng (tăng 115% so với cùng kỳ 2022). Một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố có số thu vào NSNN qua công tác kiểm tra sau thông quan tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Long An, Lạng Sơn…
Tổng cục Hải quan cũng đã triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2023 đạt kết quả. Công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các tồn tại, thiếu sót của đơn vị được kiểm tra, dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành Hải quan; tăng cường công tác kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Kết quả, toàn Ngành đã thực hiện 113 cuộc thanh tra chuyên ngành, ban hành kết luận 108 cuộc, ban hành 03 quyết định đình chỉ thanh tra đối với 03 cuộc, đang thực hiện 02 cuộc. Tổng số tiền kiến nghị truy thu là 336,691 tỷ đồng.
Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới trong năm 2023 diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường; tập trung vào việc: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Trước tình hình trên, với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; Kế hoạch kiểm soát hải quan trong toàn ngành năm 2023...
Trong năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 15.966 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 12.475 tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 40 vụ, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022 và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 497 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới trong năm 2023 cũng có chiều hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Để tăng cường công tác đấu tranh phòng chống ma túy, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các văn bản cảnh báo nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng. Trong năm 2023, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 263 vụ/303 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 121 vụ. Tang vật thu được trên 2,8 tấn ma túy các loại.
Ở phạm vi khu vực, Chiến dịch Con Rồng Mê Kông do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến chính thức triển khai từ năm 2018 và đã thực hiện được 05 giai đoạn. Đến nay, Chiến dịch đã thực hiện hết giai đoạn V từ ngày 15/4/2023 đến ngày 16/11/2023 với sự tham gia của 25 cơ quan Hải quan, các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức quốc tế. Tổng số vụ bắt giữ được các nước thành viên báo cáo trong giai đoạn V là 1.715 vụ, tăng 111% so với Chiến dịch giai đoạn IV.
Đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Trong năm 2024, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030, Kế hoạch chuyển đổi số của Ngành, đồng thời triển khai thực hiện các Nghị quyết về điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, hướng tới mục tiêu tổng quát xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã đề ra phương hướng, giải pháp để triển khai nhiệm vụ sau:
Hoàn thiện cơ chế chính sách
Năm 2024, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý trên cơ sở rà soát sửa đổi, bổ sung toàn diện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình thủ tục hải quan đáp ứng yêu cầu mô hình hải quan thông minh, số hóa các nghiệp vụ hải quan. Tiến hành rà soát hệ thống pháp luật hải quan để xác định các văn bản cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đáp ứng yêu cầu quản lý Ngành và hoàn thiện quản lý hệ thống pháp luật Hải quan. Tập trung nguồn lực xây dựng và hoàn thiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục, là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh và cải cách hành chính trong lĩnh vực Hải quan, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Hải quan. Trong đó, tập trung hoàn thiện các Nghị định trình Chính phủ như: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu...
Cải cách hành chính, hiện đại hóa
Ngành Hải quan tiếp tục cải cách, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực Hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCHC, cải cách TTHC. Nghiên cứu, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, TTHC thuộc phạm vi quản lý được giao.
Toàn ngành Hải Quan triển khai Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đảm bảo chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực Hải quan. Trong đó trọng tâm là Dự án “Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan”. Tiếp tục đẩy phối hợp các bộ, ngành thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại...
Đảm bảo thu ngân sách nhà nước, chống thất thu thuế
Ngành Hải quan tiếp tục cải cách, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực Hải quan liên quan đến thủ tục Hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử 24/7, thí điểm nộp thuế qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đảm bảo cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện.
Tổng cục Hải quan chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc công tác quản lý thu NSNN ngay từ đầu năm 2024; tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu; nghiên cứu, triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu NSNN; chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế đến thu NSNN. Đồng thời, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp, đưa ra biện pháp xử lý theo đúng quy định.
Phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong năm 2024 được dự báo tiếp tục tiềm ẩn, diễn biến phức tạp. Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị tiếp tục áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, trọng tâm vào các mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao...; kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, đối tượng, phương tiện xuất nhập cảnh. Cùng với đó, tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma tuý trên tất cả các khâu, các tuyến, các địa bàn; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng; ứng dụng khoa học công nghệ; áp dụng quản lý rủi ro, xác định trọng điểm trong đấu tranh chống buôn lậu.
Trong công tác kiểm tra sau thông quan, Tổng cục tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo hoạt động này trong toàn Ngành. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chuyên đề, các kế hoạch định hướng, kế hoạch chi tiết đã phê duyệt; Đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan, tập trung vào các doanh nghiệp có rủi ro cao, mặt hàng trọng điểm có giá trị lớn, thuế suất cao, chuyên đề về sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu khi thực hiện hiệp định EVFTA…; Thực hiện tốt công tác quản lý doanh nghiệp ưu tiên. Đồng thời, triển khai nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện và hoàn thành kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ năm 2024 theo phê duyệt của Bộ Tài chính.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Trong hợp tác song phương, ngành Hải quan tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất với các chương trình hợp tác cụ thể về trao đổi thông tin nghiệp vụ hải quan, phối hợp điều tra chống buôn lậu và giao lưu thương mại, triển khai thương mại điện tử.
Đối với hợp tác đa phương, đảm bảo tiến độ thực hiện các cam kết trong ASEAN; Tiếp tục thể hiện vai trò thành viên tích cực trong APEC thông qua việc tham gia đồng chủ trì các dự án hiện đang thực hiện và dự án “Các giải pháp công nghệ triển khai hải quan xanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương” do Hải quan Peru chủ trì khởi động vào năm 2024 đồng thời Tổng cục Hải quan sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan ASEAN dự kiến tổ chức vào tháng 6/2024.