Hai vấn đề lớn đối với tăng trưởng kinh tế
Sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng về tăng trưởng kinh tế; quy mô GDP năm 2015 so với trước đổi mới đã cao gấp 6,33 lần, tăng bình quân 6,57%/năm.
Do tổng GDP tăng cao, trong khi dân số tăng chậm lại, nên GDP bình quân đầu người tăng khá. Nếu tính theo giá so sánh, năm 2015 so với năm 1985 đã cao gấp gần 4,12 lần, hay tăng 4,83%/năm. Nếu tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thì GDP bình quân đầu người còn tăng với tốc độ cao hơn (tăng 7,51%/năm).
GDP do nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tạo ra năm 2014 cao gấp gần 2,82 lần năm 1985, tăng gần 3,64%/năm. Đổi mới bắt đầu từ nông nghiệp đã góp phần chuyển nước ta từ độc canh lúa, thiếu lương thực sang nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản… đứng thứ hạng cao trên thế giới.
GDP do nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tạo ra năm 2014 cao gấp 10,14 lần năm 1985, tăng gần 8,32%/năm. GDP do nhóm ngành dịch vụ tạo ra năm 2014 cao gấp gần 8,21 lần năm 1985, trung bình tăng 7,53%/năm.
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, cả về cơ cấu nhóm ngành kinh tế và cơ cấu thành phần kinh tế.
Trước hết là cơ cấu nhóm ngành kinh tế. Chúng ta đã từng bước chuyển từ nước nông nghiệp sang nước công nghiệp, khi tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 22,67% năm 1990 lên 38,5% năm 2014. Chuyển dần từ tập trung cho phát triển kinh tế thực (nông nghiệp, công nghiệp) sang tăng trưởng dịch vụ, tỷ trọng dịch vụ hiện đạt cao nhất (43,38%).
Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu thành phần kinh tế đạt được kết quả tích cực. Năm 1986, nền kinh tế chủ yếu là quốc doanh tập thể, thì đến nay, cơ cấu thành phần kinh tế đã có sự thay đổi lớn, với hơn nửa triệu doanh nghiệp tư nhân, tạo ra hàng chục triệu việc làm.
Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn có những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.
Tăng trưởng kinh tế từ năm 2010 đã chậm lại, rơi xuống “đáy” vào năm 2009. Tăng trưởng chậm lại đã tác động tiêu cực đến việc thực hiện tái cơ cấu, 3 đột phá chiến lược, đến việc thực hiện mục tiêu tổng quát đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tăng trưởng chậm lại làm xuất hiện nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ tụt hậu xa hơn. Mặc dù GDP bình quân đầu người tính bằng USD của Việt Nam liên tục tăng, nhưng chênh lệch với các nước trong khu vực vẫn lớn, cả tính theo tỷ giá, cả về sức mua tương đương. Do vậy, Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn.
Chất lượng tăng trưởng còn thấp, thể hiện ở hiệu quả đầu tư và năng suất lao động. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) còn cao, bình quân thời kỳ 1996 - 2000 là 4,8 lần, thời kỳ 2001 - 2005 là 5,2 lần, thời kỳ 2006 - 2013 là 5,5 lần. Mà hệ số ICOR càng cao tức là đầu tư không hiệu quả.
Năng suất lao động năm 2014 của cả nước mới đạt 74,3 triệu đồng/người, tương đương với 3.528,5 USD, trong đó của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản mới đạt 28,9 triệu đồng, tương đương với 1.372,5 USD. Tốc độ tăng năng suất lao động cũng chậm lại, bình quân thời kỳ 1991 - 2005 đạt 4,54%, đến thời kỳ 2006 - 2014 chỉ còn tăng 3,54%. Tỷ trọng của năng suất tổng hợp (TFP) đối với tốc độ tăng GDP còn thấp, hiện đạt khoảng 28%, trong khi các nước Đông Nam Á đạt trên 40%.
Như vậy, có hai vấn đề lớn đối với tăng trưởng kinh tế hiện nay, đó là phục hồi tốc độ tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng.