“Hãm phanh” tỷ giá và những nỗi lo
Đà tăng của tỷ giá đã bị hãm lại sau tín hiệu điều hành từ NHNN. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, động thái này có thể gây tổn thất cho dự trữ ngoại tệ và khiến áp lực tỷ giá bị “dồn nén”.
Tỷ giá tại các ngân hàng cũng lập tức quay đầu giảm mạnh khoảng 100 đồng xuống quanh 23.460 đồng/USD (mua vào) và 23.660 đồng/USD (bán ra) sau tín hiệu điều hành tỷ giá của NHNN
“Phanh gấp” đà tăng tỷ giá
Tỷ giá trong nước liên tục tăng khá mạnh trong hai tuần gần đây, cả tỷ giá điều hành lẫn tỷ giá thực. Đầu phiên giao dịch ngày 24/3, NHNN tăng tiếp tỷ giá trung tâm thêm 1 đồng lên 23.260 đồng/USD. So với trước đó hai tuần (ngày 10/3), tỷ giá trung tâm đã tăng tới 70 đồng, tương đương tăng 0,3%. Còn so với cuối năm 2019, tỷ giá trung tâm đã tăng 105 đồng, tương đương tăng hơn 0,45%.
Tỷ giá giao dịch thực tại các nhà băng cũng liên tục tăng theo tỷ giá trung tâm. Đặc biệt, trong phiên giao dịch sáng ngày 24/3, các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh tỷ giá thêm 100 đồng, đưa giá mua vào đồng bạc xanh lên quanh 23.550 – 23.560 đồng/USD và giá bán ra lên quanh 23.730 – 23.750 đồng/USD. So với ngày 10/3, giá mua vào USD của các ngân hàng đã tăng 450 đồng, tương đương tăng 1,95%; trong khi giá bán ra tăng 500 đồng, tương đương tăng 2,1%. Đó cũng là mức tăng của tỷ giá thực so với thời điểm cuối năm 2019.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng bật tăng rất mạnh trong sáng 24/3, giao dịch ở mức 23.850 đồng/USD (mua vào) và 23.950 đồng/USD (bán ra), tăng 250 đồng so với một ngày trước đó và cao hơn giá mua – bán của các ngân hàng tương ứng 300 đồng và 200 đồng.
Tuy nhiên, đà tăng của tỷ giá trong nước đã bị chặn lại sau khi Sở giao dịch NHNN giảm mạnh giá bán ra ngoại tệ tới 258 đồng vào đầu giờ chiều 24/3, xuống còn 23.650 đồng/USD, thậm chí còn thấp hơn giá bán ra của các ngân hàng thời điểm đó.
Theo các chuyên gia, đó là một tín hiệu điều hành mạnh mẽ phát đi từ NHNN, cho thấy cơ quan này quyết tâm duy trì ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. “Động thái này như một lời khẳng định nhà điều hành sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp nhằm ổn định thị trường ngoại tệ”, một chuyên gia bình luận.
Chưa dừng lại ở đó, NHNN tiếp tục phát đi tín hiệu thể hiện quyết tâm của mình bằng cách giảm mạnh tỷ giá trung tâm tới 10 đồng xuống còn 23.250 đồng/USD vào đầu phiên giao dịch ngày 25/3. Giá bán ra đồng bạc xanh tại Sở Giao dịch NHNN cũng giảm 10 đồng xuống còn 23.650 đồng/USD, trong khi giá mua vào vẫn giữ nguyên ở mức 23.175 đồng/USD.
Tỷ giá tại các ngân hàng cũng lập tức quay đầu giảm mạnh khoảng 100 đồng xuống quanh 23.460 đồng/USD (mua vào) và 23.660 đồng/USD (bán ra) và duy trì ổn định ở mức này trong phiên giao dịch ngày 25/3.
Mặc dù vậy, khoảng cách giữa giá bán ra và giá mua vào ngoại tệ vẫn được duy trì trong khoảng 190 - 200 đồng/USD cho thấy tâm lý lo ngại rủi ro của các nhà băng vẫn chưa được xóa bỏ.
Lo áp lực dồn tích
Theo các chuyên gia, đà tăng của tỷ giá trong nước chủ yếu do sức ép từ đồng USD trên thị trường thế giới. Chỉ số USD – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác –liên tục tăng mạnh từ mức đáy 1 năm là 94,89 điểm thiết lập ngày 9/3 lên 103 điểm vào ngày 20/3, cao nhất trong 3 năm vừa qua. Mặc dù đã giảm nhẹ trong mấy phiến gần đây, song hiện chỉ số đồng USD vẫn đang đứng ở mức rất cao, xoay quanh 101,5 điểm, tăng 5,25% so với đầu năm. Thậm chí, nhiều dự báo cho thấy, đồng bạc xanh có thể lên mức 105 điểm trong ngắn hạn.
Dù không phủ nhận nỗ lực ổn định tỷ giá là cần thiết để duy trì ổn định vĩ mô, song không ít chuyên gia lo ngại việc “phanh gấp” đà tăng của tỷ giá có thể khiến áp lực bị dồn nén.
“Trong bối cảnh đồng USD trên thị trường vẫn đang đứng ở mức rất cao và được dự báo có thể còn tăng mạnh, việc duy trì ổn định tỷ giá có thể khiến áp lực bị dồn nén. Điều đó khiến cho cái giá phải trả để duy trì ổn định tỷ giá cũng ngày càng lớn”, một chuyên gia cho biết.
Cái giá ở đây, theo vị chuyên gia trên, chính là phải chấp nhận hao hụt kho dự trữ ngoại hối khi phải bán ra ngoại tệ để can thiệp tỷ giá. Điều này đã được chứng minh trong các đợt căng thẳng tỷ giá hồi giữa năm 2018 khi NHNN đã phải bán ra một lượng không nhỏ ngoại tệ để can thiệp thị trường nhằm duy trì ổn định tỷ giá.
Chưa hết, tỷ giá ổn định trong khi đồng USD mạnh lên cũng vô hình chung đẩy VND tăng giá so với nhiều đồng tiền khác, trong đó có đồng tiền của nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam, từ đó gây tác động bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. Song nỗi lo lớn nhất của giới chuyên gia đó là tỷ giá bị dồn nén quá mạnh, đến khi không níu giữ được nữa thì nó có thể bung ra mạnh hơn.
Bởi vậy, lời khuyên của vị chuyên gia nói trên là cần điều hành linh hoạt tỷ giá theo sát diễn biến của thị trường ngoại tệ và biến động của đồng USD trên thị trường thế giới, chỉ can thiệp khi tỷ giá biến động mạnh quá mức gây tác động đến tâm lý, hoặc khi cung – cầu có những biến động bất thường.
“Điều quan trọng nhất là ổn định thị trường ngoại tệ, điều này khác với ổn định tỷ giá. Việc tỷ giá tăng theo sát với diễn biến đồng USD cũng là hoàn toàn bình thường, miễn là cung – cầu ngoại tệ không có đột biến, thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng vẫn đảm bảo, tức thị trường ngoại tệ vẫn ổn định, thông suốt”, vị chuyên gia trên nói.