Hạn mức trả tiền bảo hiểm - nhìn từ phía người gửi tiền và tổ chức tín dụng

PH.

Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm cho thấy, nhiều khả năng hạn mức này sẽ được nâng lên trong tương lai gần. Mức chi trả tối đa dự kiến tăng lên 125 triệu đồng đối với mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm như nội dung dự thảo. Từ hạn mức trả tiền bảo hiểm 75 triệu đồng thực hiện từ năm 2017, nay theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền BHTG đã được đưa ra lấy ý kiến, hạn mức này dự kiến được nâng lên thêm 50 triệu đồng nữa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Việc tăng hạn mức BHTG thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng, cũng như tạo niềm tin cho người dân vào các tổ chức nhận tiền gửi. Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền. Vậy dưới góc độ của người gửi tiền cũng như các tổ chức tham gia BHTG, có thể thấy được lợi ích của việc này như sau:

Từ phía người gửi tiền

Tăng hạn mức để bảo vệ người gửi tiền được tốt hơn, tạo niềm tin vào hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước, hạn mức 125 triệu đồng có thể bảo hiểm toàn bộ cho 90-94% số người gửi tiền trong hệ thống ngân hàng, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiệm cận gần mức theo khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm quốc tế (IADI) là trong khoảng 90-95%. Đối tượng thụ hưởng đầu tiên chính là những người gửi tiền.

Từ phía các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi

Các tổ chức tín dụng cũng được thuận lợi trong hoạt động huy động vốn. Hạn mức trả tiền bảo hiểm đủ lớn sẽ góp phần duy trì niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng, từ đó khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng huy động vốn của toàn hệ thống. Bên cạnh các yếu tố về kỳ hạn hay lãi suất của từng ngân hàng, việc hạn mức BHTG cao cũng giúp người dân tự tin hơn khi thực hiện quyết định gửi tiền, qua đó đưa nguồn tiền nhàn rỗi vào lưu chuyển vốn, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Trong điều kiện hệ thống ngân hàng đang hoạt động ổn định, không đứng trước bất cứ nguy cơ đáng kể nào, hạn mức BHTG được điều chỉnh tăng hợp lý sẽ không gây ra những đồn đoán thất thiệt liên quan tới hoạt động ngân hàng.

Về phía Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Tất nhiên không thể không nhắc tới Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - tổ chức thực thi chính sách BHTG. Hạn mức trả tiền bảo hiểm được nâng lên cũng góp phần nâng hình ảnh và vị thế của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đối với công chúng. Đây là một cách truyền thông tới công chúng hiệu quả, thể hiện năng lực tài chính vững mạnh, là nền tảng quan trọng giúp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.

Như vậy, có thể thấy, việc tăng hạn mức BHTG đem lại lợi ích không nhỏ cho các bên có liên quan. Hạn mức BHTG cao hơn, trước hết là sự bảo đảm tốt hơn, sự cam kết mạnh mẽ hơn của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và tổ chức BHTG trong khả năng của mình để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Nếu đa số người gửi tiền đã được bảo vệ toàn bộ trong phạm vi hạn mức, nguy cơ bị mất tiền gửi khi một vài tổ chức tín dụng nhỏ lẻ đổ vỡ càng được tối thiểu hóa, từ đó hạn chế nguy cơ người gửi tiền rút tiền hàng loạt khi có những biến động trong hoạt động ngân hàng.

Do đó, chủ trương tăng hạn mức BHTG của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới là hoàn toàn hợp lý, là một bước tiến gần hơn với thông lệ quốc tế về BHTG và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Việt Nam. Tuy nhiên, về dài hạn, vấn đề đặt ra đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không chỉ đơn thuần là nâng dần hạn mức trả tiền bảo hiểm, mà đã đến lúc trao thêm quyền hạn cho tổ chức này để ngày càng đảm nhận tốt hơn vai trò, trọng trách bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng và nền kinh tế như khuyến nghị của thông lệ quốc tế về BHTG.