Hàn Quốc dự kiến nâng kim ngạch thương mại với Việt Nam lên 100 tỉ USD vào năm 2023
Ngày 27/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Doanh nghiệp (DN) và Hội nhập phối hợp cùng Ủy ban hỗ trợ kinh tế Hàn - Việt (KVECC) và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình Tọa đàm kinh tế với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc” nhằm tạo cơ hội giao thương, quảng bá hình ảnh cho DN hai nước.
Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp hội DNVVN Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có sự tham dự của TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc; GS. Hà Tôn Vinh - Chuyên gia Tư vấn cao cấp vùng châu Á của Ngân hàng Thế giới WB; ông Kwon Jae Heang - Chủ tịch Ủy ban Hỗ trợ kinh tế Hàn - Việt (KVECC) kiêm Trưởng đại diện Tổ chức Đa văn hóa Hàn Quốc...
Tọa đàm được tổ chức trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022) - mốc son quan trọng và ý nghĩa trong mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc. Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã và đang trở thành một trong những mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và quan trọng nhất tại khu vực châu Á nói chung và Đông Á nói riêng.
Hiện nay, Hàn Quốc đang giữ vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam; là đối tác ODA, du lịch, lao động lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba (sau Mỹ và Trung Quốc) với kim ngạch thương mại song phương đạt 78,1 tỷ USD trong năm 2021; Hàn Quốc dự kiến nâng kim ngạch thương mại với Việt Nam lên 100 tỷ USD vào năm 2023.
Ngược lại, Việt Nam là trọng tâm trong chính sách hướng Nam của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN khi kim ngạch thương mại của hai nước chiếm hơn 40% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 7/2022, Hàn Quốc có hơn 1.900 dự án với tổng vốn hơn 5,36 tỷ USD, xếp thứ nhất về số lượng dự án và thứ tư về số vốn đầu tư trên 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Điều cốt lõi có thể quyết định thành công trong hợp tác Việt - Hàn thời gian tới, không phải là các DN lớn mà chính là các DNVVN. Chứ không phải là tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc mang cả hệ sinh thái của họ vào Việt Nam.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Hải Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam cho biết, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phát triển, làn sóng đầu tư từ nước ngoài, nhất là Hàn Quốc vào Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh, DNVVN là lực lượng đóng góp rất lớn cho sự phát triển bền vững nên cần có sự hỗ trợ, quyết tâm lớn của cộng đồng DN, các hiệp hội, Chính phủ, các Bộ, ngành.
“Thêm nữa, cần tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật từ Hàn Quốc về Việt Nam trong các ngành công nghiệp ô tô, dệt may, hóa chất, cơ khí – chế tạo và linh kiện của Việt Nam.... để nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Nguyễn Hải Tùng nhấn mạnh.
Lý giải về việc đầu tư vào Việt Nam, bà Chunmi Hwang - Giám đốc Công ty Tư vấn xuất nhập khẩu KB-HUB khẳng định: "Trong xu hướng đầu tư tại các quốc gia Đông Nam Á thì Việt Nam là quốc gia đầu tiên chúng tôi nghĩ đến. Các DN Hàn Quốc rất mong muốn được đầu tư vào thị trường Việt Nam bởi đây là đất nước non trẻ nhưng tiềm năng rất lớn. Ở Việt Nam có thể hỗ trợ xây dựng nhà máy cho các DN Hàn Quốc và nguồn lao động dồi dào với chi phí phải chăng".
Tuy nhiên, GS. Hà Tôn Vinh, cho rằng: Việt Nam nhân công rẻ, nhưng đây không phải là thế mạnh mãi mãi. “Có một lúc nào đó, các DN đầu tư nước ngoài, như Hàn Quốc thấy nhân công Việt Nam không còn rẻ, tay nghề Việt Nam không thể phát triển nữa, họ sẽ tìm nơi khác như Banglades, Lào… Lúc đó, chúng ta sẽ mất thế mạnh của mình".
Ông Kwon Jae Heang - Chủ tịch KVECC kiêm Trưởng đại diện Tổ chức Đa văn hóa Hàn Quốc nhấn mạnh, Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau. "Thông qua Đại sứ quán, chúng tôi đã tìm hiểu những chính sách ở cả hai nước, sau đó, đưa lên những đề án tới cơ quan liên quan để xem xét có chính sách nào thuận lợi cho DN Việt Nam vào Hàn Quốc" Chủ tịch KVECC khẳng định.