Hàng nghìn hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất bị “treo” do chờ bảng giá mới


Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), một số địa phương không kịp thời ban hành quyết định điều chỉnh giá đất khiến hàng nghìn hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sang nhượng, cấp chứng nhận bị “treo” không được giải quyết thuế với lý do chờ bảng giá mới.

Việc thi hành Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 gặp nhiều vướng mắc.
Việc thi hành Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 gặp nhiều vướng mắc.

Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 có nhiều quy định mới, có tác động trực tiếp đến hoạt động của nhiều đối tượng, từ người dân đến doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, các văn bản quy định chi tiết các luật này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành đồng thời với các luật.

Trên tinh thần đó, các tỉnh, thành cũng đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức, phối hợp thực hiện triển khai thi hành luật. Nhiều địa phương cũng đã nhanh chóng tổ chức, lên kế hoạch tổ chức các hội nghị quán triệt, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về các quy định mới của pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, VARS cho rằng, sau hơn 1 tháng triển khai, công tác thi hành luật vẫn còn nhiều vướng mắc. Hầu hết văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương chưa được ban hành, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các luật khi nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương.

Nhiều cán bộ chuyên trách chưa nắm luật, chưa được tham gia các chương trình phổ biến, tập huấn về các quy định mới. Một số địa phương sử dụng bảng giá đất điều chỉnh tăng cao đột biến, chênh lệch rất lớn so với bảng giá đất hiện hành, dẫn đến sự phản ứng của người dân, doanh nghiệp.

“Thực tế ghi nhận một số địa phương không kịp thời ban hành quyết định điều chỉnh giá đất khiến hàng nghìn hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sang nhượng, cấp chứng nhận bị “treo”, không được giải quyết thuế với lý do chờ bảng giá mới. Cơ quan thuế hiện chưa có quy định hướng dẫn thực hiện.

Việc chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cũng là nguyên nhân chính gây ra vướng mắc cho công tác triển khai nhà ở xã hội tại nhiều địa phương”, VARS cho biết.

Cũng theo VARS, sau hơn 1 tháng triển khai Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024, nhiều địa phương vẫn gặp vướng mắc trong việc xác nhận thực trạng nhà ở và điều kiện về thu nhập. Các cơ quan trực tiếp thực thi pháp lý với người dân chưa có căn cứ hướng dẫn thực hiện.

Cùng đó, theo quy định hiện hành, Ngân hàng chính sách xã hội sẽ tiếp nhận hồ sơ vay mua, thuê mua nhà ở xã hội khi có hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, đang tồn tại tình trạng hợp đồng mua bán nhà ở xã hội thực hiện xong nhưng tới Ngân hàng Chính sách xã hội vay thì nhận được câu trả lời là “chưa có vốn, do chưa được cấp từ nguồn”. Khi nào ngân hàng nhận được nguồn vốn cấp sẽ giải quyết cho các hồ sơ này.

Hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho đất không giấy tờ - một thay đổi tích cực của Luật Đất đai 2024 cũng đang gặp vướng mắc.

Theo đó, Luật Đất đai 2024 quy định, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền thì được cấp sổ đỏ. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ chuyển từ văn phòng đăng ký đất đai sang phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện. Trong khi phòng tài nguyên và môi trường chưa có văn bản hướng dẫn từ cơ quan trung ương và tỉnh, chưa kịp cập nhật cơ sở dữ liệu khiến nhiều hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu bị tạm dừng.

Các địa phương cũng chưa ban hành các tiêu chí quyết định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để làm căn cứ phát triển các khu đô thị, khu dân cư.

Trước tình trạng trên, VARS cho rằng, các địa phương cần khẩn trương tổ chức các hội nghị phổ biến, tập huấn về các quy định mới của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật kinh doanh bất động sản để các cơ quan chuyên ngành, cán bộ chuyên trách hiểu đúng, đủ. Đồng thời lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các quy định này.

Qua đó, tham mưu cho địa phương và cơ quan cấp trên chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền, sớm giải quyết vướng mắc cho người dân. Cần công bố công khai các thủ tục hành chính trên cổng thông tin dịch vụ công của Chính phủ, cổng thông tin điện tử của địa phương, niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật để nhân dân, doanh nghiệp biết thực hiện và giám sát việc thực hiện.

Theo Hoài Anh/doanhnghiepvn.vn