Hàng tồn kho - Nỗi lo trước thềm năm mới

Theo giaothongvantai.com.vn

(Tài chính) Chỉ số dự cảm mà Viện Phát triển Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) mới thu thập được cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp khá lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014, nhưng cũng chưa thoát được những ám ảnh về hàng loạt vấn đề như thị trường tiêu thụ yếu ớt, hàng tồn kho còn nhiều, thiếu vốn vay...

Hàng tồn kho - Nỗi lo trước thềm năm mới
Các doanh nghiệp cần tập trung giải quyết hàng tồn kho. Nguồn: internet
Lo “bí” thị trường

Trong cảnh nơm nớp lo “ế” sẽ kéo dài trong năm sau, chị Huyền, chuyên đầu tư cho thuê kho bãi, nhà xưởng, bãi trông giữ xe ôtô… ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, năm 2013 chị bị “âm” vì một số nhà xưởng khách đã không thuê từ giữa năm 2013 đến nay vẫn chưa tìm được doanh nghiệp thuê mới.

Mất khá nhiều tiền để quảng cáo trên mạng, phương tiện truyền thông mà vẫn không hiệu quả, cực chẳng đã, chị đành quảng cáo ngay trên kính sau chiếc xe ôtô bình dân của mình và cũng ghi cụ thể mức giá chịu lỗ… để mong tìm được khách. “Năm 2014 mà vẫn ế thế này thì tôi đến chuyển nghề khác mất, không trụ nổi”, chị Huyền than thở. 
"Doanh nghiệp có thể đổ bể ngay cả khi có lãi, nếu không quản trị dòng tiền tốt. Giải pháp tốt để tránh bị doanh nghiệp khác chiếm dụng vốn dài hạn là chiết khấu giá bán hàng tồn kho, chiết khấu thanh toán cho đối tác… để thu dòng tiền nhanh chóng”.
 
Bà Đoàn Thị Quyên, Viện Phát triển doanh nghiệp

Một trường hợp khác, ông Nguyễn Hồng Khoái - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn phát triển doanh nghiệp Hà Nội cho rằng: “Tôi cảm nhận rằng tình hình sản xuất kinh doanh năm sau vẫn khó khăn, khó tìm được thị trường, khó tiếp cận vốn lãi suất thấp, giá thành sản xuất tiếp tục chịu tác động của các yếu tố tăng giá đầu vào…”.

Ông Tạ Đình Xuyên - Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhận định, năm 2013 kinh tế có dấu hiệu ấm lên, hàng tồn kho giảm, nhưng việc giảm cũng một phần do doanh nghiệp chủ động tiết giảm sản xuất, chứ không hoàn toàn do tiêu thụ tăng.

“Triển vọng sản xuất kinh doanh năm 2014 tốt hơn, nhưng hiện doanh nghiệp vẫn đang trong vòng xoáy tồn kho, thị trường, sản xuất, tín dụng, vốn… Nếu cứ đẩy mạnh sản xuất mà không tiêu thụ được là không ổn. Đặc biệt như thị trường bất động sản, sản phẩm sắt thép, xi măng tồn kho nhiều. Nhiều doanh nghiệp đã giảm sản xuất 1/3, thậm chí 1/2 sản lượng. Như vậy, vấn đề then chốt, đột phá nhất vẫn là thị trường, giải quyết được đầu ra của sản phẩm”, ông Xuyên khuyến cáo.
 
Khó khăn vẫn tồn tại

Theo ghi nhận những dự cảm của doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014 được Viện Phát triển Doanh nghiệp khảo sát trực tiếp hoặc thông qua mạng internet, có 42,7% doanh nghiệp khá lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh năm tới và dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh, chỉ có 6,7% có thể giảm quy mô kinh doanh và 0,1% có thể sẽ tạm ngừng hoạt động. 

“Tâm trạng ngổn ngang trước khó khăn còn đầy rẫy” là dự cảm chung của các doanh nghiệp được khảo sát. Doanh nghiệp vẫn lo ngại rào cản về thủ tục vay vốn và lãi suất vẫn ở mức cao đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; lo ngại thủ tục thuế còn nhiều phiền hà và mất nhiều loại phí; ám ảnh về hàng tồn kho, giải pháp hỗ trợ thị trường và đầu tư kém hiệu quả...

Viện Khảo sát Doanh nghiệp cho biết, các doanh nghiệp được hỏi cũng đưa ra một số giải pháp để đối đầu với khó khăn trong năm mới, họ sẽ gia tăng xu hướng giảm giá bán, tăng chiết khấu nhằm giải phóng lượng hàng đang tồn đọng... “Doanh nghiệp dự cảm năm tới, lợi nhuận bình quân trên một đơn vị sản phẩm tiếp tục giảm so với năm 2013”, bà Đoàn Thị Quyên - Viện Khảo sát doanh nghiệp cho biết.

Theo ông Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, 3 năm vừa rồi, doanh nghiệp dự cảm, hy vọng dễ vay được vốn, nhưng đều thất vọng. Điều đó khiến doanh nghiệp mất niềm tin hoặc không muốn nữa. Nếu năm 2014-2015 không hạ được lãi suất cho vay, 70% doanh nghiệp sẽ không chịu đựng nổi. Đây cũng là thông điệp mạnh từ dự cảm của các doanh nghiệp”- ông Tiến nói.