Hành lang kinh tế sẽ đón dòng đầu tư từ ASEAN
Dù đến cuối năm nay Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mới chính thức có hiệu lực, tuy nhiên chủ đề: “Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào?” rất "nóng" trên các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm khoa học từ đầu năm đến nay.
Tại tọa đàm khoa học “Các cộng đồng ASEAN năm 2015 và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập” do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) tổ chức mới đây tại TPHCM, TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao) đã chia sẻ nhiều phân tích cũng như dự báo xung quanh chủ đề trên.
Khi nghiên cứu về cơ hội của Việt Nam khi AEC có hiệu lực vào cuối năm nay, TS Trần Việt Thái cho rằng các hành lang kinh tế sẽ giúp Việt Nam đón đầu được xu hướng đầu tư của khu vực AEC vào trong nước. Các hành lang này song hành với quá trình nâng cấp các hành lang kinh tế dọc theo các trục giao thông.
Dẫn chứng cụ thể, TS Thái cho biết hiện nay hành lang kinh tếĐông-Tây có thể sẽlà điểm đón đầu tư cho miền Trung và Nam Bộ, trong đó có các hành lang kinh tế Thanh Hóa-Na Mèo; Quảng Trị-Lao Bảo; Quảng Nam-Cao nguyên Boloven (Lào); TPHCM-Tây Ninh...
Theo TS. Thái, hiện nay ngoài Thái Lan thì Việt Nam là thành viên duy nhất của GMS (Greater Mekong Subregion) tham gia vào cả 3 hành lang kinh tế, bao gồm hành lang kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây và khu vực phía Nam. Trong đó, với hành lang kinh tế Bắc-Nam hiện nay thì Việt Nam có lợi thế đặc biệt do tận dụng được các trục giao thông quốc gia, như: Quốc lộ Bắc-Nam (quốc lộ 1A), đường cao tốc Bắc-Nam; đường sắt Bắc-Nam; đường Hồ Chí Minh và đường bộ ven biển Bắc-Nam. Trong khi đó, hành lang kinh tế phía Bắc cũng đã mở rộng theo các tuyến giao thông thuận lợi như Hà Nội-Lạng Sơn, Hà Nội-Cao Bằng, Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh…
Trong những năm gần đây, Việt Nam đầu tư mạnh cho phát triển hạ tầng giao thông để mở đường cho giao lưu, liên kết vùng kinh tế. Điển hình như các dự án cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn (đã hoàn thành FS); dự án cao tốc Hạ Long-Móng Cái; dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành; dự án cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây. TS. Thái cho biết, hiện nay dự án đường Luangprabang-Thanh Hóa cũng đang xúc tiến, với dự kiến vốn vay ADB là 75 triệu USD và đang trong giai đoạn chuẩn bị. Trong khi đó, một dự án khác là Vũng Áng-Tân Ấp-Mụ Gia Spurline cũng đã hoàn thành FS và dự kiến đưa vào kế hoạch chiến lược ASEAN-Hàn Quốc.
“Tôi cho rằng, ưu tiên trước hết là xác định và đưa vào các kế hoạch đầu tư phát triển của các bộ, ngành và các địa phương, kể cả kế hoạch đầu tư trung hạn những dự án ưu tiên phát triển trên các hành lang kinh tế GMS tại Việt Nam. Sau đó, mới là các giải pháp về xúc tiến đầu tư khu vực tư nhân trong và ngoài nước hay cung cấp dịch công cho các hành lang kinh tế này”, TS Thái phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, AEC sẽ là nơi để nâng cao vị thế Việt Nam, với ý nghĩa là một cửa ngõ của ASEAN với thế giới, thu hút sự quan tâm của các đối tác Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đó là chưa kể, Việt Nam có lợi thế về gia công, sản xuất nhờ nguồn lao động dồi dào; có lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó, đầu tư từ các nước ASEAN vào các lĩnh vực như du lịch, sản xuất của Việt Nam sẽ tăng nhanh và hiện thực hóa tiềm năng đầu tư của Việt Nam.
“Khi AEC có hiệu lực thì doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp cận được thị trường nhờ Hiệp định FTA với các thị trường lớn khác; cắt giảm được chi phí giao dịch nhờ cắt giảm thuế quan và gỡ bỏ các rào cản thương mại; thuận lợi về đầu tư và nguồn lao động (thuê mướn lao động)…Trong khi đó, người dân Việt Nam sẽ đi lại tự do trong các nước thành viên ASEAN; lao động có tay nghề cao được tự do tìm việc làm trong các nước ASEAN; bằng cấp của nhau được công nhận; các chương trình riêng cho phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật…” (TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược).