Hành trang cho nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập
(Tài chính) 2015 có thể nói là năm bước ngoặt đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng trước cánh cửa hội nhập quốc tế sâu rộng. Vấn đề đặt ra là nông nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì để khẳng định vị thế trong “sân chơi” khốc liệt này.
Nền tảng vững chắc
Sau gần 30 năm đổi mới và phát triển, nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình là một ngành kinh tế cung cấp sinh kế cho 9,53 triệu hộ dân nông thôn và 68,2% dân số (60 triệu người), đóng góp 18%-22% GDP cho nền kinh tế và 23%-35% giá trị xuất khẩu với mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài cùng cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực.
Trong bối cảnh chung của nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế, nông nghiệp vẫn là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu giai đoạn 2010 - 2013. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 3,3%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra và cao hơn nhiều so với năm 2013. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 31 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013, tiếp tục là lĩnh vực tạo ra giá trị thặng dư cao với 9,5 tỷ USD. Trong đó, có 10 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Đó là những kết quả khả quan đánh dấu sự hồi phục và tăng trưởng trở lại của nông nghiệp, đồng thời góp phần củng cố niềm tin cho toàn ngành vượt qua những thách thức có thể gặp phải trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Đánh giá về ngành nông nghiệp bước sang năm 2015, khi cánh cửa hội nhập rộng mở, GS.,NGND. Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm chương trình đưa tiến bộ Kế hoạch đầu tư vào hộ nông dân khẳng định: “Tôi vẫn lạc quan về tình hình nông nghiệp nước ta”. Ông Dũng chia sẻ, tuy còn không ít khó khăn nhưng những bứt phá về nông nghiệp trong năm qua cho thấy một cái nhìn lạc quan và tin tưởng về ngành này. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về các mặt hàng như: gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm gỗ và các sản phẩm thủy sản…
Những thách thức đặt ra
Trước bối cảnh hội nhập sâu rộng trong năm 2015, nông sản Việt sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt khi những quy định về cắt giảm thuế suất của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ tham gia như TPP, FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Cộng đồng kinh tế ASEAN... chính thức được áp dụng. Thêm vào đó, thực tế sản xuất với quy mô nhỏ lẻ; tình trạng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn mang tính tự phát, sản xuất chủ yếu theo tín hiệu thị trường ngắn hạn cộng thêm trình độ sản xuất công nghiệp chế biến còn thấp so với các nước và các yếu tố tác động khách quan như khí hậu, dịch bệnh… cũng là những thách thức đặt ra cho toàn ngành nông nghiệp đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trước mắt.
Nông nghiệp với vai trò rất lớn trong nền kinh tế nhưng hiện vẫn chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã từng đặt ra câu hỏi: "Mặc dù đóng góp tới 20% GDP của cả nước và có hơn 60% lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, người nông dân hoàn toàn có thể sản xuất ra bất cứ sản phẩm gì nếu có thị trường, nhưng tại sao chỉ có 0,5% doanh nghiệp (3.000 doanh nghiệp nông nghiệp/tổng số 700.000 doanh nghiệp cả nước) đầu tư vào lĩnh vực này?".
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện nay vẫn còn yếu và dễ chịu ảnh hưởng từ những biến động nhỏ trên thị trường. Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 - doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu điều nhân chia sẻ: “Có những khó khăn tiềm ẩn, năm vừa rồi, tỷ giá đồng USD tăng lên rất cao so với các đồng tiền mạnh khác như đồng Euro, đồng Úc, đồng Nhật, kể cả đồng Cannada. Đây là lý do tác động trực tiếp làm cho giá thành nhập khẩu hạt điều của Việt Nam hay của Ấn Độ về các nước tiêu thụ lớn bị đội lên thành giá cao”.
Bởi vậy, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cảnh báo, nếu nông sản trong nước không nhanh chóng tìm cách vượt qua khó khăn, đối mặt với thách thức để nâng giá trị sản xuất thì tình trạng được mùa mất giá như thời gian qua rất dễ xảy ra và nông nghiệp sẽ dễ bị “tổn thương” khi gặp những tác động bất lợi từ thị trường dù là nhỏ nhất.
Sẵn sàng hội nhập
Để hoàn thành mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng hướng đến xuất khẩu 32 tỷ USD trong năm 2015 và có những bước đi chắc chắn vào thị trường chung đòi hỏi toàn ngành nông nghiệp phải chủ động hội nhập và nắm bắt được cơ hội mà nó mang lại nhằm mở rộng quan hệ thương mại với các thị trường tiềm năng cũng như thu hút các làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu.
Để làm được điều này, trước hết, các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về chất lượng, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã phải đa dạng, giá thành hợp lý, đồng thời cũng phải đảm bảo khâu cung ứng kịp thời cho nhà nhập khẩu… Theo đó, nhiều nhà khoa học cho rằng nông nghiệp Việt Nam cần phát triển trên cơ sở thực hiện một nền nông nghiệp đa chức năng và phải đầu tư nhiều hơn trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp cũng như nâng cao năng lực cho nông dân để họ có thể tự tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng từng chia sẻ: “Giải pháp quan trọng nhất để tiếp tục duy trì tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm 2015 và những năm tiếp theo đó là thực hiện toàn diện và sâu sắc hơn chủ trương về tái cơ cấu ngành. Tập trung cao độ nỗ lực vào những sản phẩm nông sản có thị trường và có lợi thế của Việt Nam. Đồng thời gắn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới”. Tái cơ cấu nông nghiệp trước hết là chuyển từ sản phẩm có giá trị thấp và tiềm năng thị trường thấp sang sản phẩm có giá trị cao và tiềm năng thị trường cao. Đồng thời, cần tiến hành quy hoạch vùng chuyên canh và giám sát thực hiện quy hoạch đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế.