Hậu COVID-19: Khơi thông thị trường, tái cấu trúc doanh nghiệp
Sau hơn 3 tuần tạm gián đoạn do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, đây là thời điểm nhanh chóng khôi phục chuỗi sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề. Khôi phục kinh tế phải song hành cùng công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã có được kinh nghiệm chống dịch quý báu, nhất là các biện pháp kiểm soát dân cư về nước từ vùng dịch bệnh; khoanh vùng, tầm soát và cách ly những trường hợp nghi ngờ. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tử vong, số ca hồi phục ngày một nhiều. Đây chính là cơ sở để Chính phủ quyết định chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế - xã hội.
Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội
Việc cần làm trước tiên là tập trung các biện pháp khơi thông thị trường và kích cầu tiêu dùng trong nước. Cho phép mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, đồng thời kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài về nước, để tạo sự an tâm cho người dân tham gia các hoạt động kinh tế mà không sợ lây nhiễm dịch bệnh. Nhất là khởi động lại các hoạt động dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ để tạo việc làm cho nhóm người lao động thu nhập thấp.
Cạnh đó, kết nối lại giao thương với các nước nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) sản xuất xuất khẩu. Hiện nay, Chính phủ nhiều nước đang triển khai các gói kích thích kinh tế, trong đó ưu tiên hàng đầu là kích cầu tiêu dùng. Khi tiêu dùng ở các nước được khôi phục thì nhu cầu đặt hàng sản xuất đối với DN xuất khẩu của Việt Nam sẽ khôi phục trở lại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhiều DN bắt đầu khó cầm cự bởi hàng tồn kho lớn, thiếu tiền mặt. Do vậy, cần đẩy mạnh giải ngân các gói kích thích kinh tế hỗ trợ tín dụng, thuế, bảo hiểm… đã được ban hành.
Để đẩy nhanh tiến trình khởi động lại nền kinh tế, cần đặc biệt chú trọng khởi động lại hoạt động của các DN lớn trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, nhất là đối với các DN chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh trong ngành hàng không, hàng hải, cảng, đường sắt... Hoạt động của DN lớn sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho DN nhỏ cung ứng sản phẩm phụ trợ.
Bên cạnh những biện pháp hỗ trợ DN vượt khó, cần đẩy mạnh kích thích tăng trưởng thông qua tăng đầu tư công. Ưu tiên những dự án đầu tư công giữ vai trò kích cầu trong các lĩnh vực tạo công ăn việc làm và đi kèm với thúc đẩy chuyển đổi số. Các dự án đầu tư này sẽ tạo điều kiện cho nhiều DN tham gia và tạo được nhiều công ăn việc làm.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, hành vi mua sắm của khách hàng trong nhiều ngành có thay đổi. Việc hạn chế mua sắm tập trung đã thúc đẩy nhu cầu mua hàng trực tuyến gia tăng và đang trở thành xu hướng phổ biến trong tương lai. Mặt khác, nhiều DN đã triển khai các giải pháp công nghệ khuyến khích nhân viên làm việc từ xa một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Để khôi phục được hoạt động kinh doanh, DN cần tái cấu trúc theo hướng chuyển đổi số trong quản trị sản xuất và phân phối sao cho tương thích với hoàn cảnh mới. DN cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ cung ứng, thiết kế sản phẩm, chào hàng, bán hàng và thanh toán. Những DN nào không chuyển đổi số sẽ rất khó hợp tác làm ăn với những DN đang đi theo xu hướng này. Chuyển đổi số là đặc trưng cốt lõi của DN sau thời gian diễn ra dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, Chính phủ các nước sẽ không thể thả lỏng đường biên giới như trước. Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam vừa được Nga cấp phép xuất khẩu thịt gà chế biến sang nước này.ác biện pháp phòng vệ sẽ được thắt chặt hơn trước thông qua áp đặt các tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường, sức khỏe của người dân đối với các hàng hóa nhập khẩu. Những DN sản xuất hàng hóa không đạt tiêu chuẩn tiến bộ sẽ rất khó tìm thị trường tiêu thụ. Đây là điểm cần lưu ý khi DN triển khai các chiến lược tái cấu trúc trong tương lai.