Hậu 'khai tử": "Bàn cờ' dự án BT sẽ ra sao?
Từ ngày 01/01/2021 sẽ không còn bất cứ dự án nào được đầu tư bằng hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) được thực hiện. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù bị khai tử, nhưng số phận dự án BT tồn đọng trước đó vẫn phải giải quyết và càng phải được đẩy nhanh tốc độ xử lý, nhất là trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, tránh để lợi ích chỉ rơi vào một nhóm.
Hơn 20 năm hình thức đầu tư dự án BT được áp dụng tại Việt Nam, qua kết quả rà soát của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), rất nhiều dự án bộc lộ những bất cập.
Chưa xây dựng đã bán đất đối ứng
Đơn cử như dự án của Công ty Phúc Sơn (Khánh Hoà) được ví như điển hình của sự biến tướng trong hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Đó là cả 3 dự án BT giao cho Phúc Sơn đều không đấu giá, sau 4 năm xây dựng các dự án mà Phúc Sơn thực hiện vẫn dở dang, chưa hoàn thành dự án đã bán đất đối ứng…
Tại Hà Nội, thương vụ đổi 3,7km bao quanh công viên Chu Văn An lấy quỹ đất đối ứng khủng 90ha của Tập đoàn Bitexco cũng có nhiều điểm “bất thường”, tổng dự toán cho tuyến đường 3,7km là hơn 2.754 tỷ đồng, trong khi đó, quỹ đất mà Bitexco nhận được lên tới 90ha.
Mặc dù con đường BT năm 2020 mới hoàn thiện nhưng những dãy biệt thự, liền kề và shophouse tại dự án The Manor Central Park từ khu đất đối ứng đã được rao bán từ năm 2017, nghĩa là dự án BT chưa hoàn thành, nhưng đất đối ứng đã bán gần xong.
Trước đó, Bitexco trả lời báo chí rằng, đất đối ứng thành phố chỉ giao 14,6ha cho tuyến đường 3,7km với tổng dự toán là 2.754 tỷ đồng thì có nghĩa, mức giá cho tài sản công đối ứng là khoảng 18 triệu đồng/m2. Trong khi đó, mức giá hiện tại mà doanh nghiệp này rao bán là từ 110 - 150 triệu đồng/m2 (gấp khoảng 7 lần so với mức định giá).
Hoặc mới đây, dư luận Hải Phòng "dậy sóng" bởi dự án BT cải tạo 2 chung cũ lấy 7 lô đất vàng của Công ty Hoàng Huy. Theo đó, UBND TP. Hải Phòng đã chỉ định thầu cho CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy triển khai 2 dự án cải tạo chung cư cũ có tổng số vốn đầu tư 1.668,4 tỷ đồng. Đổi lại, Hải Phòng giao cho doanh nghiệp này 7 lô đất trên địa bàn, tương đương với khoảng 99ha đất sạch. Nếu theo giá trị sổ sách năm 2018, 7 lô đất vàng có giá trị là 1.913 tỷ đồng, tức cao hơn so với tổng dự toán xây dựng 2 chung cư cũ. Và nếu tính theo giá trị thị trường, với mức chung gấp 3 lần, tổng giá trị lô đất ước tính gần 6.000 tỷ đồng, tương đương với mức chênh lệch là khoảng 4.000 tỷ đồng.
Cần giải quyết tồn đọng
Theo một số chuyên gia, sau 20 năm số lượng dự án BT tồn đọng bất cập vẫn còn rất nhiều. Thanh tra và xử lý triệt để là điều tiên quyết mà các cơ quan chức năng cần hướng tới.
Theo PGS., TS. Ngô Trí Long phân tích, lẽ ra những dự án BT cần phải được giải quyết từ sớm bằng việc đấu giá quỹ đất và tiến hành đấu thầu các công trình. Việc phân nhóm các dự án BT để đưa ra dứt điểm các phương án giải pháp không chỉ đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn giảm thiểu tối đa những thất thoát mà hình thức BT đã diễn ra.
Còn PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, công thức của BT là “đổi đất lấy hạ tầng” nhưng thực tế không có “cuộc đổi chác” nào là ngang giá. Vấn đề định giá ở dự án BT Nhà nước đang thiệt cả hai đầu, còn chủ đầu tư thì lợi cả đôi đường.
Thông qua kiểm toán mới thấy rằng hầu như tất cả dự án đều bị đẩy giá lên nhiều lần so với giá trị thực. Còn giá trị đất đối ứng thì đa phần là không theo đấu giá, không định giá được theo giá trị thực tế trên thị trường, đặc biệt là khi mảnh đất đó ở vị trí “đắc địa”, dẫn tới việc những mảnh đất "vàng" bị rơi vào tay các chủ đầu tư.
Từ năm 2016 đến năm 2019, KTNN đã chỉ ra sai phạm 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỷ đồng, có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lớn từ 27% đến 29% giá trị được kiểm toán.
Mới đây nhất, trong báo cáo kết quả kiểm toán tổng hợp năm 2019 gửi Quốc hội, KTNN cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của 29 dự án BT thuộc diện kiểm toán năm 2019. Theo đó, hầu hết các dự án đều chỉ định thầu, chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư. Đơn cử như Bắc Ninh có tới 72/83 dự án do nhà đầu tư đề xuất. Còn tại Hà Nội đều xác định tổng mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế triển khai.
Trước những bất cập, thất thoát ngày càng lộ rõ, nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng và chuyên gia đặt vấn đề nên dừng lại hay tiếp tục dự án BT. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP và loại bỏ dự án BT ra khỏi Luật này.
Theo đó, kể từ thời điểm luật này có hiệu lực (01/01/2021), sẽ không còn bất cứ dự án nào được đầu tư bằng hình thức BT. Thậm chí, điều 101 của Luật này cũng quy định, các hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020.