Đáng chú ý PwC khối Châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Việt Nam cam kết đầu tư trên 3 tỷ USD trong vòng 5 năm tới nhằm nâng cao tối ưu năng lực để hỗ trợ các khách hàng trong khu vực.

Các cam kết ban đầu bao gồm việc thành lập các Trung tâm Nghiên cứu và Chia sẻ Kiến thức (Centres of Excellence) về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) và các Học viện Xây dựng Kỹ năng lãnh đạo mới, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới nổi và tăng đầu tư nâng cao chất lượng kiểm toán.

Chiến lược “Hệ Cân bằng Mới” được PwC xây dựng dựa trên phân tích về các xu hướng toàn cầu cũng như đúc kết từ hàng ngàn cuộc trao đổi thực tế với khách hàng và các bên liên quan xuyên suốt hành trình hơn một thập kỷ không ngừng phát triển của PwC với tăng trưởng doanh thu bền vững và liên tục tái đầu tư.

Chiến lược tập trung vào hai nhu cầu có tính kết nối mà các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong những năm tới, bao gồm xây dựng niềm tin và mang lại những kết quả bền vững trong môi trường nhiều biến động, nơi mức độ cạnh tranh và các nguy cơ đứt gãy ngày một lớn, song hành với kỳ vọng tăng cao từ phía xã hội.

Các lĩnh vực đầu tư trọng tâm

Mô hình đa ngành của PwC là nền tảng cho chiến lược “Hệ Cân bằng Mới”, mô hình này đồng thời cho phép PwC đầu tư ở quy mô lớn kết hợp với các năng lực cần thiết để mang lại tác động và kết quả chất lượng cho khách hàng, các bên liên quan và xã hội.

Các công ty PwC sẽ đầu tư 12 tỷ đô la Mỹ trong 5 năm tới, tạo ra hơn 100.000 việc làm mới trong mạng lưới các công ty thành viên của PwC, cũng như tiếp tục phát triển kỹ năng cho các lãnh đạo và đội ngũ nhân viên PwC.

Các lĩnh vực đầu tư được tập trung bao gồm việc mở rộng các Trung tâm Nghiên cứu và chia sẻ thông tin (Centres of Excellence) cho các chuyên gia về các chủ đề chính liên quan đến các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), bao gồm rủi ro khí hậu và chuỗi cung ứng, cũng như thành lập một Học viện ESG toàn cầu cho phép tất cả các lãnh đạo và nhân viên của PwC áp dụng những nguyên tắc ESG cơ bản trong công việc hàng ngày.

PwC sẽ tiếp tục đầu tư để nâng cao hơn nữa chất lượng xuyên suốt các lĩnh vực kinh doanh. Khoản đầu tư sẽ bao gồm 1 tỷ đô la Mỹ dành riêng cho việc đẩy nhanh triển khai công nghệ để tăng cường tự động hóa trong việc thực hiện các khung chất lượng kiểm toán, cũng như xây dựng mô hình hiệu quả cho các cuộc kiểm toán trong tương lai.

Bên cạnh đó, PwC cho biết sẽ tiếp tục chiến lược được lấy con người là trọng tâm và công nghệ là động lực. Chiến lược sẽ tiếp tục nhanh chóng mở rộng việc ứng dụng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, liên kết công nghệ, thực tế ảo và các công nghệ mới nổi khác để mang đến hiểu biết chuyên sâu và tăng cường lợi thế cạnh tranh cho khách hàng.

Tăng cường năng lực và sự hiện diện tại Châu Á Thái Bình Dương

Chiến lược Hệ Cân bằng Mới đồng thời thúc đẩy phát triển PwC tại Châu Á Thái Bình Dương, với các khoản đầu tư trị giá 3 tỷ đô la Mỹ trong 5 năm tới để nâng cao đáng kể khả năng hỗ trợ khách hàng trong khu vực. Đây là một phần trong tham vọng mở rộng quy mô khu vực gấp hai lần vào năm 2026 và giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường. PwC tại Châu Á Thái Bình Dương có kế hoạch mở rộng quy mô trong một số lĩnh vực quan trọng bao gồm ESG, chuyển đổi số, M&A và năng lực tạo giá trị thương vụ, cung cấp dịch vụ đảm bảo vượt lên các báo cáo tài chính thông thường cũng như củng cố các trung tâm giao hàng trong khu vực.

Tham gia trong chiến lược Hệ Cân bằng Mới, PwC Việt Nam đang công bố các kế hoạch đề ra nhằm đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan và khách hàng trên thị trường. Tại Việt Nam, các cam kết của PwC bao gồm: Tiếp tục đầu tư chiến lược vào các giải pháp kỹ thuật số để thúc đẩy số hóa các hoạt động kinh doanh.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết tổ chức này đang chuẩn bị ra mắt PwC Marketplace, nền tảng kinh doanh Doanh nghiệp tới Doanh nghiệp (B2B) cung cấp cho khách hàng một loạt giải pháp doanh nghiệp và đào tạo về công nghệ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Đồng thời nâng cao năng lực trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, khởi nghiệp và doanh nghiệp tư nhân.

“Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thích ứng linh hoạt trước những gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, có những sự thay đổi vẫn đang diễn ra, và đang định hình lại nền kinh tế. Thách thức đối với các doanh nghiệp là cần thay đổi nhanh chóng và toàn diện hơn để thu hút vốn, nhân tài và khách hàng. Yếu tố thành công phụ thuộc lớn vào những dịch chuyển mang tính nền tảng trong việc tư duy lại tổ chức doanh nghiệp để làm sao xây dựng niềm tin với các bên liên quan, và đáp ứng những kỳ vọng ngày một lớn của công chúng đối với các tổ chức, doanh nghiệp”, bà Vân nhấn mạnh.