Hé lộ bí quyết cạnh tranh của "ông lớn" dệt may

Hạ Băng

Trong năng suất lao động tổng hợp (TFP), nhóm năng suất kỹ thuật và năng suất công nghệ đã và đang được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và các đơn vị thành viên khai thác tối đa.

Các chuyên gia năng suất, chất lượng khuyến nghị các doanh nghiệp trong ngành dệt may cần đẩy mạnh chuyển đổi số để ngày càng cải thiện TFP.
Các chuyên gia năng suất, chất lượng khuyến nghị các doanh nghiệp trong ngành dệt may cần đẩy mạnh chuyển đổi số để ngày càng cải thiện TFP.

TFP là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, nhờ vào tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động. Như vậy, TFP đại diện cho sự tiến bộ về khoa học - công nghệ, trình độ lao động và quản lý của mỗi doanh nghiệp.

TFP gồm 4 nhóm nội dung gồm: Năng suất kỹ thuật (sự tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực đầu vào để tạo ra lượng sản phẩm đầu ra tối đa); Năng suất công nghệ (ứng dụng công nghệ hiện đại để tối đa hóa sản lượng đầu ra hoặc tối thiểu hóa chi phí đầu vào); Năng suất quản lý (việc sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào như kinh doanh, nhân sự, tài chính, công nghệ thông tin để tạo ra kết quả tốt nhất); Năng suất đổi mới sáng tạo (việc tạo ra và triển khai các ý tưởng sản phẩm mới, quy trình mới… nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và cải thiện năng lực cạnh tranh).

Trong nhóm năng suất đổi mới sáng tạo gồm có: Khả năng tạo ra các sản phẩm mới với tốc độ nhanh nhất, nghiên cứu phát triển (R&D); triển khai với năng suất cao các sản phẩm không truyền thống; khả năng khai thác và xử lý dữ liệu lớn từ quá khứ để tổ chức thực hiện các sản phẩm mới; Khả năng tiếp thu công nghệ mới; quản lý tập trung - giao diện thân thiện với toàn chuỗi cung ứng.

Theo Vinatex, quá trình vận hành của các doanh nghiệp cho thấy, nhóm năng suất kỹ thuật và năng suất công nghệ đã và đang được Vinatex và các đơn vị thành viên khai thác tối đa.

Trong khi đó, nhóm năng suất quản lý và năng suất đổi mới sáng tạo cần phải tiếp tục tìm giải pháp để ứng dụng vào công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp.

Khuyến nghị đẩy mạnh chuyển đổi số để cải thiện TFP

Các chuyên gia năng suất, chất lượng khuyến nghị doanh nghiệp trong ngành dệt may cần đẩy mạnh chuyển đổi số để ngày càng cải thiện TFP, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Đối với các doanh nghiệp có quy mô doanh thu lớn và phức tạp, số lượng nhân viên quản lý cần tương tác lớn, chuỗi cung ứng  phức tạp và yêu cầu rõ ràng về quản lý chất lượng, sau khi tự phát triển Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), đến một giai đoạn nhất định cần tính toán thuê giải pháp quản trị ERP tiên tiến để bắt nhịp với yêu cầu tăng trưởng.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp này cần tiếp cận giải pháp quản trị mới, tiệm cận tiến tới cùng ngôn ngữ quản trị của thế giới; đồng thời cần đánh giá khả năng hấp thụ kỹ năng số của nhân viên, thường xuyên cập nhật kỹ năng số cho đội ngũ nhân viên.

Doanh nghiệp cần tìm kiếm người phụ trách chuyển đổi số là người có vai trò quyết định quan trọng trong quá trình kinh doanh của công ty và phụ trách công nghệ để số hóa.

Đối với các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để tự phát triển, doanh nghiệp sẽ phối hợp cùng Vinatex với các giải pháp mua chung hoặc thuê phát triển chung. Giải pháp này có ưu điểm giá hợp lý và tận dụng được nguồn nhân sự về công nghệ, nhân sự về quản trị nghiệp vụ để phát triển.

Đây là cách thức tiếp cận nhanh nhất để tận dụng được năng lực sẵn có giữa các đơn vị trong công tác chuyển đổi số. Theo đó, cần có người phụ trách công tác chuyển đổi số, có vai trò quyết định quan trọng trong quá trình kinh doanh của công ty...

Theo nhiều chuyên gia, TFP là chìa khóa cạnh tranh của doanh nghiệp. Để cải thiện TFP, khuyến nghị đưa ra cho các doanh nghiệp là cần rà soát, đánh giá mức độ đạt được, tính sẵn sàng, chỉ tiêu đo lường của 4 nhóm nội dung của TFP để xây dựng kế hoạch hành động phù hợp.

Đối với ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần ưu tiên rà soát nhân sự để có giải pháp triển khai; đánh giá mức độ phức tạp và ưu tiên để chuyển đổi số từng hoạt động cụ thể; có giải pháp và cần đầu tư kinh phí thích đáng vào nhân sự cho các vấn đề đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Tìm hiểu các giải pháp quản lý để bổ  sung vào mô hình hiện tại để có thể  triển khai đổi mới sáng tạo; xây dựng chỉ tiêu đo lường và đánh giá hiệu quả đối với từng nhóm nội  dung triển khai...