Hé lộ những tiêu chí “lọc” nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam
Nhà đầu tư nước ngoài phải được chờ đón là nhà đầu tư từng đầu tư thành công ở một dự án tương tự có hợp đồng tương tự ở nước mà họ không mang quốc tịch, không có kiện tụng.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đã có 120 bộ hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư tại 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong khi đó, các dự án cao tốc sử dụng vốn đầu tư công là Cam Lộ - La Sơn (đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) và Cao Bồ - Mai Sơn (nằm trên tỉnh Nam Định và Ninh Bình) sẽ khởi công trong tháng 8. Dự án đường dẫn hai đầu cầu Mỹ Thuận 2 khởi công cuối năm 2019.
"Từ nay đến tháng 12, toàn bộ gói thầu của ba dự án đầu tư công sẽ được khởi công, riêng phần cầu chính Mỹ Thuận 2 sẽ bắt đầu vào quý I năm sau", Bộ trưởng Thể nói.
Nhà đầu tư Hàn Quốc nhiều hơn Trung Quốc
Cụ thể, với 8 dự án cao tốc Bắc Nam được đầu tư theo hình thức PPP, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện các bước tiếp theo. 8 dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai.
Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án này 104.070 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Vụ Đối tác công tư – PPP, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến nay, các Ban Quản lý dự án đã phát hành 120 bộ hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư tại 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP. Trong đó, có 26 nhà đầu tư trong nước và 14 nhà đầu tư đến từ: Hàn Quốc, Pháp, Anh, Hồng Kông, Trung Quốc,… mua hồ sơ sơ tuyển.
Cho ý kiến về việc lựa chọn nhà thầu nước ngoài, ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Quan điểm của Bộ là nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước đáp ứng tiêu chí, tư cách hợp lý theo quy định về đấu thầu, có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm, giải pháp khả thi đều được tham gia.”
Trước những lo ngại chất lượng xây dựng các dự án cao tốc khi để nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện, ông Nguyễn Đăng Trương cho biết sẽ có những quy định để đảm bảo chất lượng. Cụ thể, nhà đầu tư Trung Quốc muốn đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phải chứng minh đã thành công với những dự án tương tự tại một nước khác.
“Doanh nghiệp ngoại phải có dự án đầu tư tương tự đã thành công ở nước mà họ không mang quốc tịch. Các dự án đó phải không có kiện tụng, tranh chấp; đảm bảo chất lượng và tiến độ. Khi đó, chúng ta mới tiến hành lựa chọn các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Đăng Trương chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, hiện nay nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang quan tâm đến dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn phía đông. Theo thống kê không chính thức, số lượng nhà đầu tư Hàn Quốc hay Nhật Bản thậm chí còn cao hơn đến từ Trung Quốc.
4.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng bước đầu
Với công tác đấu thầu dự án cao tốc Bắc Nam theo hình thức đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án lựa chọn những gói thầu phù hợp, kể cả gói thầu xây lắp để tổ chức đầu thầu qua mạng, đảm bảo tỷ lệ gói thầu qua mạng trên 50%.
Đề cập đến chất lượng hồ sơ thiết kế kỹ thuật của các dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, trước khi trình Bộ phê duyệt, các ban quản lý dự án phải thành lập hội đồng thẩm tra, thẩm định hồ sơ của tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra.
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông tham mưu văn bản quản lý các dự án cao tốc Bắc Nam một cách thống nhất, ràng buộc trách nhiệm của giám đốc ban dự án và những người liên quan đến triển khai dự án.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu mời các lực lượng thanh tra, kiểm toán hỗ trợ dự án ngay từ đầu nhằm giám sát, đảm bảo dự án tuân thủ đúng quy định.
Để giải phóng mặt bằng đạt tiến độ, Bộ trưởng Thể giao nhiệm vụ cho các thứ trưởng cùng ban quản lý dự án trực tiếp làm việc với địa phương để đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, Bộ đã bố trí hơn 4.000 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện chi trả đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư.