Hệ lụy từ biến động tỷ giá

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Việc đồng NDT bị phá giá khi thương chiến Mỹ – Trung leo thang như hiện nay dẫn đến gây sức ép lên tỷ giá USD/VND đang để lại hệ lụy không nhỏ cho xuất khẩu.

Biến động tỷ giá thêm áp lực cạnh tranh. Nguồn: Internet
Biến động tỷ giá thêm áp lực cạnh tranh. Nguồn: Internet

Tính riêng 4 tháng đầu năm nay – trong quãng thời gian diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu (XK) sang thị trường Trung Quốc đạt 10,4 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước (đứng thứ ba sau thị trường Mỹ và EU).

Tuy nhiên, trong thời gian này, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,3 tỷ USD, tăng đến 18,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Thêm áp lực cạnh tranh

XK hàng hóa của Việt Nam được cho là đang được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung khi có thêm các đơn hàng từ phía Mỹ chuyển dịch sang, nhưng việc sụt giảm XK vào thị trường Trung Quốc là điều đáng bàn, nhất là việc nước này liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT), đã suy yếu tới mức 6,9 NDT/USD như hồi tuần qua.

Theo lưu ý mới đây từ Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep), đồng NDT liên tục bị phá giá và mất giá nhiều hơn so với mức mất giá của đồng VND trước đồng USD sẽ tạo ra chênh lệch mất giá rất lớn giữa đồng NDT so với VND.

"Vì thế, giá trị của VND so với NDT tăng lên. Trong trường hợp này, giá hàng hóa XK từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng thủy sản, sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho XK của Việt Nam", chuyên gia phân tích của Vasep nhận định.

Vasep cũng đưa ra trường hợp nước cạnh tranh XK lớn nhất của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc (nhất là mặt hàng tôm) là Ấn Độ, đang có nguồn cung tôm giá rẻ hơn (nhờ lợi thế giá thành thấp hơn), trong khi đồng Rupee cũng bị phá giá sâu so với USD, nên chênh lệch mất giá với NDT ít hơn so với VND. Do vậy, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh XK sang Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị áp lực cạnh tranh mạnh hơn.

Còn theo một doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng dệt may, việc phá giá đồng NDT sẽ làm hàng may mặc của Trung Quốc rẻ hơn trên các thị trường khác, chiếm ưu thế cạnh tranh về giá so với hàng may mặc XK từ Việt Nam và việc này có thể ảnh hưởng đến thị phần của XK dệt may.

Nói về thương chiến Mỹ – Trung leo thang tác động đến tỷ giá, theo Ts. Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, đồng NDT xuống giá nhanh kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hiện rõ. Chính nỗi lo ngại về sự leo thang của chiến tranh thương mại đã gây ảnh hưởng lên tỷ giá, trước nhất là về tâm lý các nhà đầu tư có dấu hiệu tháo chạy khỏi đồng NDT.

Trước sự phản ứng của thị trường khiến đồng NDT mất giá, người ta nghi ngại rằng việc Trung Quốc chủ động để đồng NDT xuống giá như một biện pháp để đối phó lại việc Mỹ áp thuế đối với hàng XK từ Trung Quốc. Thuế trừng phạt làm hàng Trung Quốc vào Mỹ đắt lên thì ngược lại NDT mất giá sẽ làm giá hàng giảm xuống.

he-luy-tu-bien-dong-ty-gia-JPG-3430-1558

Đồng NDT phá giá, nông sản xuất sang Trung Quốc gặp bất lợi 

Coi chừng bất lợi

Ông Thành cho rằng tỷ giá USD/VND chịu ảnh hưởng là từ những diễn biến trên thế giới và trong khu vực, cụ thể là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và sự xuống giá của NDT.

Theo giới chuyên gia, đối với Việt Nam, việc Trung Quốc phá giá mạnh đồng NDT sẽ tác động tương đối lớn đến quan hệ xuất nhập khẩu giữa hai nước, trong đó rủi ro nhập siêu có thể tăng mạnh hơn và ngược lại, XK gặp khó khăn hơn. Thêm nữa, áp lực cạnh tranh từ hàng hóa Trung Quốc đối với hàng hóa Việt Nam tại các thị trường XK chính sẽ tăng lên.

Hiện nay, hàng hóa XK của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là nhóm hàng nguyên liệu thô, nông sản – lâm sản – thủy hải sản, là nhóm mặt hàng có giá trị gia tăng không cao.

Từ việc biến động tỷ giá, một số lượng đáng kể DN XK sang thị trường Trung Quốc chắc chắn bị ảnh hưởng, sẽ làm giảm doanh số XK nói chung.

Nhận định về tác động phá giá đồng NDT, giới chuyên gia cho rằng nhóm ngành ảnh hưởng bất lợi trong hoạt động thương mại là nhóm sản phẩm tiêu dùng, sắt thép, phân bón (cạnh tranh với hàng nhập từ Trung Quốc) và nhóm nông lâm thủy sản, khoáng sản, cao su XK sang Trung Quốc.

Ngược lại, một số ngành gia công XK có thể được hưởng lợi do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm như dệt may, da giày hoặc giá nhập giảm như kinh doanh xe tải.

Bên cạnh đó, một rủi ro lớn khác sau quá trình biến động tỷ giá do ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ – Trung là việc hàng Trung Quốc chuyển tải (transshipment) qua Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt.

Hoạt động này có thể là nhập – xuất đơn giản, hay phức tạp hơn là có chế biến giả tạo thông qua DN nội địa hay FDI ở Việt Nam. Transshipment nếu không được kiểm soát và ngăn chặn cũng có thể trở thành cớ để Mỹ trừng phạt Việt Nam.

Mới đây, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường xử lý vi phạm với các hàng hóa giả mạo nhãn mác hàng Việt Nam.

Theo phản ánh, hiện có tình trạng nhiều đầu nậu đặt DN Trung Quốc trực tiếp gắn nhãn mác Việt Nam ngay tại Trung Quốc, sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ để hưởng lợi nhuận lớn.