Hệ sinh thái - nền tảng của sự sống
Nếu không có sự thay đổi trong cách con người đối xử với thiên nhiên, đại dịch trong tương lai sẽ xảy ra thường xuyên, làm hại nhiều người và gây thiệt hại tồi tệ hơn cho nền kinh tế toàn cầu so với đại dịch COVID-19.
Theo Ủy ban Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc, hệ sinh thái trên trái đất - nền tảng của sự sống, đang bị suy thoái trầm trọng. Việc tiêu thụ động vật hoang dã, phá hủy môi trường sống đã khiến các bệnh truyền nhiễm có nhiều khả năng lây sang người.
Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học với tốc độ rất nhanh. Thực tế cho thấy chúng ta sẽ phải hứng chịu hậu quả khôn lường nếu mất đi sự cân bằng giữa mối quan hệ con người và tự nhiên; trong đó, dịch bệnh COVID-19 hiện nay, cũng là hệ quả của sự mất đi cân bằng sinh thái.
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đang bị thu hẹp dần. Diện tích rừng tự nhiên đã giảm từ 12 triệu hécta (năm 1945) còn 2,8 triệu hécta (năm 2017) và có 80% trong số này ở mức duy trì kém.
Đối với hệ sinh thái biển và ven biển, lượng san hô cứng cũng đang giảm dần. Số liệu thống kê cho thấy có tới 63,5% rạn san hô đang trong tình trạng xấu (với độ che phủ dưới 25%). Bên cạnh đó, số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Thậm chí, nhiều loài hoang dã có giá trị bị suy giảm hoàn toàn về số lượng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao; các nguồn gen hoang dã cũng đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát nhiều.
Nếu không có sự thay đổi trong cách con người đối xử với thiên nhiên, đại dịch trong tương lai sẽ xảy ra thường xuyên, làm hại nhiều người và gây thiệt hại tồi tệ hơn cho nền kinh tế toàn cầu so với đại dịch COVID-19.
Năm 2021, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã lựa chọn chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới (5/6) là “Phục hồi hệ sinh thái” nhằm tập hợp sự đoàn kết của các quốc gia cùng tham gia bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Đây cũng là sự kiện khởi động cho Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái (2021-2030).
Hưởng ứng sự kiện trên, Việt Nam đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần có những phân tích để làm cơ sở hoàn thiện thực hiện những chủ trương lớn và phải có nhận thức bảo tồn để phát triển, phát triển dựa vào bảo tồn; hành động phải mang tính thực tiễn cao và phải có lộ trình điều kiện để thực thi.
Bên cạnh đó, các cơ quan cần nâng cao hơn nữa tính thực tiễn của các quy hoạch về bảo tồn. Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người làm trong lĩnh vực môi trường ngoài tri thức, tình yêu với môi trường cần có ứng xử, trách nhiệm truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến với người dân để giải quyết mối quan hệ con người với tự nhiên.