Hệ sinh thái tiêu dùng, tại sao không?
Phải có một doanh nghiệp đủ lớn kết nối nhà cung ứng hàng hóa, dịch vụ và hoạt động thanh toán, cho vay tiêu dùng thành một hệ sinh thái khép kín mới tạo ra chi phí thấp cho người tiêu dùng.
Manh nha một số hệ sinh thái
Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ví điện tử MoMo cho biết, giấc mơ về một hệ sinh thái dịch vụ tài chính tiêu dùng của ban lãnh đạo công ty đã bắt đầu thực hiện từ năm 2015, bằng việc hợp tác với đối tác đầu tiên là nhà cho vay tiêu dùng Home Credit.
Trong suốt quá trình hợp tác Home Credit đã có nhiều thay đổi trong phương thức kinh doanh cho vay tài chính thông qua các hoạt động đổi mới công nghệ.
“Nếu trước đây logo của Home Credit là một chiếc tủ lạnh - một vật dụng đã là giấc mơ của nhiều gia đình Việt Nam, thì nay logo của họ đã thay thế bằng nụ cười. Ví điện tử MoMo hiện có 11 triệu khách hàng ban lãnh đạo công ty luôn đặt câu hỏi làm thế nào có thể sử dụng công nghệ phổ biến dịch vụ tài chính tổng quát ở Việt Nam”, ông Diệp nói.
Easy Credit một thương hiệu tài chính tiêu dùng của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) mới tham gia thị trường cũng có mong muốn tạo ra hệ sinh thái tiêu dùng trên nền tảng công nghệ kết hợp thu hộ tiền điện từ các khách hàng ngành điện lực.
Ông Bùi Xuân Dũng - Tổng giám đốc EVN Finance cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn rất rộng cho các nhà đầu tư vào mảng này khai thác nếu biết làm đa dạng tiện ích sản phẩm cho vay.
Hợp tác để giảm chi phí cho người tiêu dùng
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, tính đến cuối tháng 9/2018 dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 18,2% tổng dư nợ toàn hệ thống. Không phủ nhận tài chính tiêu dùng đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng của người dân, giúp quay vòng vốn sản xuất, kinh doanh và giảm nguy cơ tín dụng phi chính thức.
Các số liệu thống kê cho thấy, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng tăng trưởng khoảng 30% trong những 5 năm qua, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ước tính thị trường tài chính tiêu dùng tương đương khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.
Hiện cả nước có 16 công ty tài chính tiêu dùng, vốn điều lệ của các công ty tài chính có quy mô lớn bao gồm: FE Credit 7.328 tỷ đồng, EVN Finance 2.500 tỷ đồng, HDSaison 1.100 tỷ đồng… Trên thị trường hiện nay những công ty tài chính vốn điều lệ chỉ khoảng 500 - 600 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu hàng ngàn tỷ đồng, điều này mới cho thấy quy mô kinh doanh của những công ty này không nhỏ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, công ty tài chính tiêu dùng thì nhiều nhưng thị trường lại rất phân tán do chưa có công ty nào đủ lớn để tạo ra một hệ sinh thái từ bán hàng đến cho vay tiêu dùng và thanh toán trực tuyến như quy trình khép kín của các nhà thương mại điện tử: Alibaba, Tensent, Amazon… Từ đó, làm cho lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính trên thị trường Việt Nam vẫn còn cao.
Một phần do các công ty tài chính hiện không được huy động vốn ngắn hạn từ dân cư mà chỉ được huy động vốn trung dài hạn thông qua phát hành tín phiếu, trái phiếu cho các tổ chức kinh tế.
Trong khi đó hệ thống trung gian thanh toán hiện nay cũng có đến trên 20 đơn vị, nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở việc liên kết với các ngân hàng để người dùng kết nối tài khoản vào để thanh toán những món nhỏ lẻ như tiền điện, tiền nước, cước phí viễn thông, truyền hình, bảo hiểm… Nhằm khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt, đa phần các công ty sử dụng chiêu khuyến mãi bằng hoàn tiền vào tài khoản, tặng quà, tích điểm để đổi lấy các ưu đãi khi thanh toán.
Trước đó, một số công ty tài chính đã liên kết với các điểm bán hàng điện tử điện máy để cho ra lãi suất 0% khi khách hàng mua hàng trả góp. Theo đó, các nhà bán lẻ hàng hóa chia sẻ lợi ích với các nhà cho vay tiêu dùng và ngược lại các nhà cho vay tiêu dùng áp dụng lãi suất 0% để tăng doanh số bán hàng hóa cho các nhà bán lẻ.
Ông Branislav Vargic – Giám đốc vận hành Home Credit Việt Nam cho biết, gần đây chúng tôi quyết định hợp tác nhiều hơn với các đối tác tài chính công nghệ để tạo ra hệ sinh thái tích hợp, nhằm mang đến những lợi ích tối ưu cho khách hàng, giúp họ có được sự tiện lợi và nhanh chóng tiếp cận các dịch vụ tài chính tiêu dùng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Diệp, tin rằng công nghệ không thể thiếu trong sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng và sẽ làm thay đổi bức tranh ngành tài chính Việt Nam trong thời gian tới.
Bởi kỷ nguyên công nghệ số đang làm thay đổi rất nhiều phương thức kinh doanh truyền thống, công nghệ đã làm mới mọi quy tắc kinh doanh, tối ưu hóa triệt để cách thức vận hành trong kinh doanh đặc biệt là lĩnh vực tài chính.