Hệ thống dữ liệu số ngành Tài chính góp phần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ

Lê Anh

Với phương châm lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Bộ Tài chính không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hệ thống dữ liệu số ngành Tài chính góp phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC) mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý tài chính – ngân sách nhà nước.

Ngành Thuế tăng cường hiện đại hoá trong quản lý, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Ngành Thuế tăng cường hiện đại hoá trong quản lý, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý ở tất cả các lĩnh vực nhằm tiến tới mục tiêu mọi hoạt động nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng lên và phát triển theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã triển khai tại 100% cục thuế và chi cục thuế. Hiện đã có 99,36% số doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế.

Về hóa đơn điện tử, tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là khoảng 7,11 tỷ hóa đơn. Riêng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đến ngày 18/3/2024 có 47.122 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng thành công, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 228,3 triệu hóa đơn. Đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài; số lượng sàn thương mại điện tử gửi dữ liệu cung cấp thông tin đến cơ quan thuế là 357 sàn...

Trong lĩnh vực kiểm soát chi, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến nay 100% TTHC lĩnh vực kho bạc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách đối với nhà cung cấp nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian tổ chức thu.

Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, hướng tới xây dựng mô hình Hải quan thông minh. Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia.

Đến nay, có 250 TTHC của 13 bộ, ngành kết nối với hơn 69,5 nghìn doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng Cơ chế một cửa ASEAN, duy trì kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để trao đổi chính thức tờ khai Hải quan ASEAN theo kế hoạch.

Đặc biệt, luôn là một trong những cơ quan đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành đảm bảo hoạt động ổn định của Hệ thống kết nối chia sẻ Dữ liệu số ngành Tài chính, trục Liên thông văn bản điện tử ngành Tài chính, đã ban hành kế hoạch thuê Dịch vụ nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu dùng chung ngành Tài chính phục vụ Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số. 

Theo TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), công tác cải cách hiện đại hóa các quy trình, nghiệp vụ của Bộ Tài chính đã ngày càng thực chất hơn, hướng tới hiện đại, bao quát đầy đủ các lĩnh vực. Hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành ngày càng đầy đủ, hiện đại, tạo thuận lợi cho công tác quản lý tài chính – ngân sách nhà nước.

Việc triển khai hạ tầng số, nhất là hệ thống dữ liệu số ngành Tài chính đã góp phần cải cách TTHC mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cũng như nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý tài chính – ngân sách nhà nước.

TS. Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh, giải pháp về dữ liệu số tiếp tục nắm vai trò trọng tâm trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý ngành Tài chính, đặc biệt là công tác quản lý thu ngân sách nhà nước. Để đảm bảo nhiệm vụ số hóa dữ liệu trong công tác huy động nguồn lực trong thời gian tới, ngành Tài chính cần tập trung thể chế hóa việc quản trị, thu thập, kết nối, lưu trữ, chia sẻ và phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin về thu ngân sách nhà nước. Ban hành các quy định nhằm giải quyết những bất cập về kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các bộ, cơ quan đã được quy định tại một số nghị định chuyên ngành của Chính phủ cũng như nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn chia sẻ thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia.

Cùng với đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế, hải quan; tăng cường thực hiện việc trao đổi, kết nối và chuyển đổi số đối với các dữ liệu, chứng từ thuộc hồ sơ thuế, hải quan từ Hệ thống một cửa quốc gia với Hệ thống xử lý dữ liệu chuyên ngành.

 

Nhằm đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi cho người dân doanh nghiệp, từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/3/2024 Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 06 quyết định công bố bãi bỏ 40 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 26 TTHC; công bố mới 12 TTHC trong các lĩnh vực quản lý. Như vậy, đến ngày 14/3/2024, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 765 TTHC. Trong đó: lĩnh vực thuế là 235 TTHC; lĩnh vực hải quan là 225 TTHC; lĩnh vực kho bạc nhà nước là 11 TTHC; lĩnh vực dự trữ là 7 TTHC; lĩnh vực chứng khoán là 104 TTHC; lĩnh vực tài chính chung là 183 TTHC.