Hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2013: Những mảng màu "sáng tối"
(Tài chính) Đã hết năm 2013, hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể với không ít những mảng màu tươi hơn nhưng nhìn tổng thể, những mảng màu này vẫn chưa đủ để làm che lấp những mảng màu xám do tích tụ từ những năm trước đây. Vì thế, bức tranh hệ thống ngân hàng Việt nam năm 2013 vẫn là sự đan xen của những mảng màu sáng tối.

Đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, thời gian qua là quãng thời gian khó khăn nhất trong nhiều năm qua. Những điểm nghẽn của nền kinh tế vẫn chưa thông. Thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều bất ổn nội tại.
Song, với những nỗ lực thường xuyên, liên tục, cả hệ thống đã bước đầu vượt qua những khó khăn. Nhờ đó, không những rủi ro của hệ thống giảm bớt với những chuyển biến tích cực như thanh khoản khả quan hơn, lãi suất huy động đã giảm 2-3% và lãi suất cho vay giảm 3-5% - ngang bằng mức 2006, mà quá trình tái cơ cấu và kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng đã có những cải thiện đáng kể.
Những mảng màu sáng
Thứ nhất, quá trình tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ
Được đánh giá là ngành nỗ lực nhất trong "bộ ba" tái cơ cấu nền kinh tế (ngân hàng - doanh nghiệp Nhà nước - đầu tư công)([1]), ngành ngân hàng đã khá chủ động triển khai tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo đúng mục tiêu đã được Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước xác định. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận phương án tái cơ cấu của 24/25 ngân hàng thương mại: phê duyệt phương án tái cơ cấu của 12/25 ngân hàng, phê duyệt phương án tái cơ cấu của 12/25 ngân hàng; tiếp nhận và thẩm định 13/13 phương án tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Không chỉ về vốn mà nhân sự trong ngành ngân hàng cũng có sự xáo trộn lớn. Sự thay đổi nhân sự diễn ra ở mọi cấp, từ cấp thấp, cấp trung cho đến cấp cao. Song nếu nhìn từ góc độ tích cực thì đây là động thái cần thiết để sàng lọc lại đội ngũ nhân sự ngành ngân hàng vốn được tuyển dụng quá nhiều tại thời điểm “ra ngõ gặp ngân hàng” cách đây 6-7 năm. Hơn nữa, môi trường kinh doanh càng khó khăn thì những yêu cầu, đòi hỏi đối với đội ngũ nhân sự sẽ càng cao hơn, không chỉ về trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà cả về kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp, và chỉ qua sàng lọc, ngành ngân hàng sẽ có được đội ngũ lao động tinh hơn để có thể phát triển một cách bền vững.
Một tín hiệu đáng mừng và cũng là dấu hiệu cho thấy những “mảng sáng” trong hoạt động ngân hàng ngày càng rộng hơn là tốc độ mở rộng mạng lưới đã và sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới sau khi kế hoạch mở rộng mạng lưới của các ngân hàng chính thức được “cởi trói”([2]), đồng thời sẽ có sự quản lý chặt chẽ hơn. Điều này không chỉ giúp năng động hóa thị trường lao động ngành ngân hàng mà còn giúp tránh được tình trạng phát triển cục bộ tại một số địa bàn lớn.
Thứ hai, hiệu quả kinh doanh ngân hàng đã được cải thiện đáng kể
Thời gian qua, dù lãi suất huy động liên tục giảm mạnh và không phải lúc nào cũng “kịch trần” nhưng người dân vẫn tiếp tục gửi tiền vào các tổ chức tín dụng với kỳ hạn dài bởi đây vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất so với các kênh đầu tư khác hiện nay. Tính đến cuối tháng 12/2013, tiền gửi VND của dân cư vẫn tăng 15,61% gần bằng mức tăng trưởng 16% năm 2012, trong đó ngoại tệ tăng 13,7%, VND tăng khá cao 15,93% so với năm 2012.
![]() |
Giai đoạn 2011-2012, ngành ngân hàng lao đao vì hậu quả của tình trạng tăng trưởng quá nóng với các điều kiện tín dụng được nới lỏng quá mức trước đó. Hàng loạt các giải pháp đã được đưa ra để hạ nhiệt tín dụng, nhưng cũng bởi thế tổng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2012 đã sụt giảm gần 50% so với năm 2011([3]). Sang năm 2013, các giải pháp tín dụng tiếp tục được điều hành linh hoạt hơn theo hướng “tái tạo” đường cong lãi suất, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Nhờ đó, đến ngày 27/12/2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt trên 11%, gần sát mục tiêu 12%. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng bởi nếu nhìn vào tốc độ tăng tín dụng các tháng năm 2013 thì có thể thấy rằng, tín dụng mới chỉ bắt đầu tăng trưởng dương từ quý II. Cơ cấu tín dụng đã từng bước hợp lý, hiệu quả và an toàn hơn, đã tập trung được vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức hợp lý và các ngân hàng đã bắt đầu có lãi trở lại, ngay cả những ngân hàng nhỏ.
Không chỉ có vậy, hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng đã có những biểu hiện an toàn và hiệu quả hơn. Tính đến cuối tháng 31/10/2013, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động vốn thị trường giảm xuống còn 86,19% so với 98% cuối năm 2012 và trên 100% những năm trước; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) có giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức khá cao với 13,64%, cao hơn nhiều so với quy định tối thiểu 9% mà Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng; thanh khoản đang được cải thiện và khá dồi dào so với giai đoạn trước; vốn điều lệ tăng 6,02%; vốn chủ sở hữu tăng 6,33% và ngày càng tiệm cận tới quy mô vốn điều lệ; tổng tài sản Có tăng 6,66% so với cuối năm 2012.
Thứ ba, xử lý nợ xấu đã đạt được những thành công bước đầu đáng khích lệ
Tăng nợ xấu lại với tốc độ chóng mặt không chỉ ăn mòn lợi nhuận của các ngân hàng mà còn là nguyên nhân căn bản gây nghẽn tín dụng trong suốt thời gian qua. Chưa bao giờ vấn đề nợ xấu lại nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều giai tầng trong xã hội đến như vậy. Đây không chỉ là vấn đề được bàn thảo trong các diễn đàn khoa học mà cả ở các cuộc họp cấp Chính phủ và thậm chí là trên cả chương trình giải trí truyền hình. Tuy chưa thực sự khả quan nhưng theo báo cáo, tỷ lệ nợ xấu tính đến tháng 11/2013 là 4,55% - tiếp tục giảm so với tháng 10 là 4,73%.
![]() |
Tốc độ gia tăng nợ xấu bình quân sau 3 quý cũng giảm đáng kể (2,2%/tháng so với mức 3,91% của năm 2012). Việc xử lý nợ qua VAMC cũng đã có những tiến triển nhất định. tính đến ngày 24/12, VAMC đã mua được gần 32.000 tỷ đồng dư nợ gốc của gần 30 tổ chức tín dụng. Dự kiến, năm 2014 VAMC sẽ mua khoảng 100-150 nghìn tỷ đồng. Hiện nay rất nhiều nhà đầu tư không chỉ trong nước mà quốc tế cũng quan tâm muốn mua lại các khoản nợ này. Nhờ nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như sự quyết liệt của từng tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu, nên tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh từ mức 8,86% tổng dư nợ cuối năm 2012 xuống còn 4,55% đến tháng 11/2013.
Những mảng màu tối
Mặc dù đã vượt qua được những khó khăn bước đầu nhưng chặng đường đổi mới trước mắt của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn rất nhiều chông gai. Môi trường vĩ mô đã được cải thiện rất nhiều nhưng chưa ổn định. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có tăng nhẹ, nhưng vẫn thấp so với khu vực (xếp thứ 70/148 quốc gia). Lạm phát được kiềm chế ở mức 6,81% nhưng chủ yếu là do tổng cầu suy giảm, sức mua của doanh nghiệp và người dân đều ở mức rất thấp.
Tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã dồi dào hơn nhưng vẫn chưa ổn định, nợ xấu đã giảm nhưng còn ở mức cao, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu “tan giá” nhưng vẫn chưa đủ “độ ấm” cần thiết nên thanh khoản còn thấp. Vì thế, những chướng ngại vật phía trước đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tới. Cụ thể:
Một là, tổng cầu suy giảm gây khó khăn cho việc hấp thụ vốn, vì thế các ngân hàng rất khó khăn trong việc mở rộng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng khoản vay.
Tuy tăng trưởng tín dụng từ quý II trở đi đã bắt đầu dương và tăng đều đặn qua các tháng nhưng vẫn không thể đạt được mục tiêu đề ra do khả năng hấp thụ vốn rất thấp nên dù hiện nay, lãi suất cho vay đã giảm rất nhiều, nhưng dòng vốn vẫn chưa thể luân chuyển thông suốt. Một mặt là do nợ xấu tồn đọng, các doanh nghiệp không dễ trả được, kể cả phát mại tài sản bảo đảm, khiến cho các ngân hàng cũng thận trọng hơn.
Một mặt khác là do tình trạng thừa cung thiếu cầu nên các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nên nhu cầu vay vốn cũng giảm đi. Thực tế cho thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ngành cao su quý III/2013 giảm trên 30%, ngành khoáng sản giảm gần 60%, ngành than và thép thì thậm chí là còn lỗ khá lớn([4]). Vì vậy, dù lãi suất đã hạ, nhiều gói ưu đãi được thiết kế, song không thể giải quyết được nên việc mở rộng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng khoản vay vẫn rất khó khăn.
Hai là, nợ xấu vẫn là rào cản đối với hoạt động ngân hàng.
Đây không phải là vấn đề mới và cũng không phải bây giờ mới đề cập tới mà nó đã, đang và vẫn sẽ là vấn đề nổi cộm trong hệ thống ngân hàng. Dù nhìn vào các con số thì có thể thấy rằng nợ xấu đang giảm đi nhưng mức độ giảm thực tế ra sao thì vẫn chưa thể đánh giá được. Đây là vấn đề hết sức phức tạp chứ không đơn thuần là tính toán trên những con số cộng trừ bởi việc xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường, trong khi tiêu thụ hàng hoá còn chậm, năng lực tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn thấp.
Thị trường bất động sản chậm phục hồi, thị trường tài chính trì trệ càng gây khó khăn cho việc bán, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ. Trong khi đó các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản luôn có độ trễ và cần phải có thời gian phát huy tác dụng. Đã vậy, các giải pháp xử lý nợ xấu lại chưa được triển khai đồng bộ mà chủ yếu vẫn là tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu nên đã làm giảm mức độ lành mạnh tài chính, hiệu quả kinh doanh của tổ chức tín dụng trong ngắn hạn. Cơ chế, chính sách xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều rất vướng mắc, phức tạp, chậm được khắc phục, hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ xấu. VAMC đã được thành lập, đã mua nợ, song việc giải quyết số nợ này ra sao là cả một vấn đề.
Tỷ lệ nợ xấu cao, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn lớn lại trong bối cảnh hoạt động kinh doanh ngân hàng khó khăn do lãi suất giảm nhanh, tín dụng khó tăng, chi phí hoạt động cao[5] khiến áp lực lợi nhuận đè nặng lên vai các ngân hàng, cả các ngân hàng ở diện tái cấu trúc cũng như các ngân hàng lớn. Bản thân các ngân hàng, để kiểm soát nợ xấu cũng phải cho vay rất thận trọng. Thế nhưng, nợ xấu từ khoản vay cũ vẫn không ngừng phát sinh, nợ nhóm 2, 3 chuyển sáng nhóm 4, 5 đã kéo theo trích lập dự phòng rủi ro cao lên và lợi nhuận sẽ hẹp dần. Các ngân hàng đều thừa nhận khó đạt các chỉ tiêu kinh doanh dù khi xây dựng kế hoạch đã thận trọng nhưng chi phí dự phòng quá cao (có ngân hàng mà tổng chi phí dự phòng tăng gấp đôi so với cùng kỳ) nên khả năng hoàn thành chỉ tiêu là khá mong manh.
Ba là, khu vực doanh nghiệp nhà nước thực hiện tái cơ cấu chậm, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Hơn 1 năm qua, tiến trình cổ phần hóa vẫn hết sức chậm chạp, năm 2012 cả nước chỉ cổ phần hóa có 13 doanh nghiệp, bằng 14% kế hoạch. 7 tháng đầu năm nay, cũng chỉ có thêm 16 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Việc thoái vốn thì ì ạch vì thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán đều đi xuống. Thoái vốn còn theo tư duy bán để cắt lỗ, chứ không phải là để phân bổ lại nguồn lực.
Vì thế, không những không thực hiện được chức năng là “lực đẩy” cho phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh ngân hàng, bởi đây là đối tượng khách hàng rất lớn của các ngân hàng thương mại, là nơi hấp thụ vốn của nền kinh tế và cũng là nơi tạo ra của cải vật chất cho xã hội nên tháo gỡ nút thắt từ phía doanh nghiệp được coi mà giải pháp quan trọng nhất để cải thiện hoạt động tín dụng.
![]() |
Đối với các doanh nghiệp nhà nước, mặc dù được tập trung nguồn lực nhưng hiệu quả của khu vực này vẫn thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Tái cơ cấu nền kinh tế thông qua cổ phần doanh nghiệp nhà nước là một nhiệm vụ cấp bách trước bối cảnh suy thoái kinh tế gần đây.
Không những thế, cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho những doanh nghiệp này để làm đầu tàu cho nền kinh tế những năm tới. Muốn vậy, các doanh nghiệp này phải được định giá tài sản chính xác dựa trên tính công khai, hiệu quả, có chế độ tài chính phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Việc áp dụng cơ chế kiểm toán độc lập là cần thiết để minh bạch hóa, đảm bảo độ tin cậy từ các thông tin tài chính, kế toán của các doanh nghiệp.
Một số giải pháp đề xuất
Để giải quyết được vấn đề này, rất cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, đó là:
Thứ nhất, các giải pháp đối với các ngân hàng thương mại
Không phủ nhận những kết quả đã đạt được trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng, nhưng rõ ràng, mới dừng lại ở những thay đổi về lượng mà chưa có những biến đổi thực sự về chất. Là chủ thể cung cấp vốn cho các doanh nghiệp và cho nền kinh tế, vì thế, dòng vốn không thể khơi thông nếu bản thân các ngân hàng hoạt động không hiệu quả.
Vì thế, cần các rất cần đẩy nhanh, dứt điểm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đồng thời thắt chặt sở hữu chéo bởi đây là một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng ngân hàng, song để kiểm tra, giám sát các đối tượng sở hữu chéo, các minh tài chính của các cổ đông khi tham gia sở hữu vốn tại các ngân hàng là không đơn giản, nhất là đối với các ngân hàng thương mại chưa niêm yết. Song nếu làm được như vậy sẽ không chỉ tạo ra sự ổn định của hệ thống mà còn đảm bảo không để xảy ra khủng hoảng niềm tin trên thị trường.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên hiện nay, như cho vay nông nghiệp, nông thôn, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay công nghiệp hỗ trợ và xuất khẩu. Bổ sung thêm lĩnh vực ưu tiên đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và cho vay có tác dụng kích cầu thị trường để giảm tồn kho cho doanh nghiệp (như cho vay mua nhà, cho vay xây dựng nông thôn mới...) và các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo vệ môi trường.
Tạo chu trình khép kín cho sự tham gia của vốn tín dụng ngân hàng vào chuỗi liên kết sản xuất - thu mua - tiêu thụ sản phẩm nhằm góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu của hệ thống các ngân hàng (thông qua việc đưa ra các sản phẩm tín dụng như cho vay theo chuỗi của người nuôi, thu mua, chế biến thuỷ sản xuất khẩu, cho vay liên kết giữa chủ đầu tư bất động sản với nhà thầu xây dựng, người cung cấp vật liệu xây dựng và người mua nhà...). Tăng cường kiểm soát mục đích vay vốn và công tác thanh tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng.
Hai là, các giải pháp đối với các doanh nghiệp
Giải phóng hàng tồn kho là phương thuốc hữu dụng tạo “hứng thú” cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh mở rộng sản xuất kinh doanh trở lại. Thực tế cho thấy, chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/10/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm 2012, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất trang phục tăng 7,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 7,4%; dệt tăng 2,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 6,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 13,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 42,3%;
Tuy nhiên vẫn còn những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: Sản xuất đồ uống tăng 165,6%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 54,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 38,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 23,3%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 23,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 19,6%; sản xuất kim loại tăng 18,4%. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2013 là 74%.
Song theo một số chuyên gia kinh tế, mức giảm ấy chủ yếu là vì các doanh nghiệp không sản xuất hoặc giảm sản xuất đi đáng kể. Khi hàng sản xuất mới không tăng thêm, hàng tồn bán được đi chút đỉnh nên mới giúp hàng tồn kho giảm đi như vậy. Hiểu theo nghĩa này thì việc hàng tồn kho giảm đi trong những tháng trở lại đây là điều vừa mừng, vừa lo. Điều đó cho thấy, nếu hàng tồn kho không được giải quyết, doanh nghiệp không có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh – mà đây là kênh chính, do đó chúng ta muốn hướng tín dụng vào thì rõ ràng sẽ rất khó khăn trong những tháng tới.
Để giảm được hàng tồn kho, cần tập trung các giải pháp giúp tăng tổng cầu. Đặc biệt tăng truyền thông củng cố niềm tin. Đồng thời, cần sửa đổi quy định của ngân hàng Nhà nước về hạn chế cho vay tiêu dùng. Bởi lẽ sản xuất và tiêu dùng là hai mặt của quá trình luân chuyển hàng hoá dịch vụ. Nếu chỉ khuyến khích cho vay sản xuất nhưng lại “khoá chặt” cho vay tiêu dùng, chặn đầu ra của sản xuất, thì không kích thích tiêu thụ sản phẩm, không thể giải quyết được nút thắt tồn kho và thanh khoản của nền kinh tế. Bên cạnh các giải pháp tăng cầu cá nhân, cần có các giải pháp tầm cỡ hơn để tăng đầu tư của Chính phủ, tạo hiệu ứng lan tỏa và tăng tổng cầu có khả năng thanh toán. Đó mới là mấu chốt của vấn đề.
Bên cạnh các giải pháp nỗ lực từ phía bản thân ngân hàng và các doanh nghiệp, cần và rất cần có một quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành từ các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải quyết những bất ổn trong hệ thống cũng như nhất quán mục tiêu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xác định rõ ràng lộ trình triển khai để các ngân hàng chủ động xây dựng các phương án một cách hợp lý nhất và khả thi nhất.
Chặng đường phía trước của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung và các ngân hàng nói riêng sẽ vẫn còn nhiều gian nan thử thách khi năm 2014 được dự báo vẫn là một năm vượt khó. Song những dự đoán sáng sủa hơn về kinh tế Mỹ và châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á cộng với những lợi ích từ Hiệp định Đối tác kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra những cơ hội rộng hơn cho Việt Nam sẽ là cơ hội thu hút vốn nước ngoài, từ đó góp phần hâm nóng thị trường nội địa, kích cầu trong nước.
Vẫn biết để làm sáng bức tranh ngân hàng Việt nam trong năm 2014 tươi sáng hơn là rất quan trọng bởi giai đoạn 2013-2014 được coi là giai đoạn bản lề của công cuộc cải cách đổi mới. Tuy nhiên, thành công hay không còn phù thuộc vào các bước chuẩn bị các điều kiện để tạo nên hiệu ứng cộng hưởng và lan tỏa, từ đó tạo ra được những bước ngoặt cần thiết một bài toán không đơn giản. Lời giải đầy đủ cho bài toán này không thể chỉ đến từ bản thân hệ thống ngân hàng./.
[1] Phát biểu của ông Lê Đức Thúy - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Hội thảo về cải cách thị trường tài chính do Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức ngày 14/10/2013
[2] http://doanhnhan.vneconomy.vn/2013102403570612P0C5/xoa-diu-lan-song-sa-thai-nhan-su-ngan-hang.htm
[3] http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/nam-2012-loi-nhuan-toan-nganh-ngan-hang-dat-28600-ty-dong-20130118104615893ca34.chn
[4] Thời báo kinh tế Sài gòn số 46-2013 ra ngày 14/11/2013, trang 53
[5] Chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại VN cao nhất so với các quốc gia trong khu vực. Khảo sát cảu KPMG 33 ngân hàng thương mại, chi phí hoạt động năm 2012 là trên 50%/tổng thu nhập, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 44%, TQ là 40%; Singapore 38%. Nguồn: Thời báo kinh tế sài gòn số 38 ngày 19/9/2013.