Hẹp dần cửa giảm lãi suất cho vay
Những diễn biến trên thị trường tiền tệ, nền kinh tế trong nước và những tác động của nền kinh tế thế giới gần đây cho thấy kỳ vọng giảm lãi suất cho vay trong năm nay ngày càng xa vời.
Theo các chuyên gia, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện nay tương đối dồi dào nhưng cũng không giúp lãi suất cho vay có thể giảm. Nguyên nhân là có nhiều yếu tố bất ổn tác động lên nền kinh tế, nên ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là ổn định nền kinh tế vĩ mô. Nhiều khả năng chính sách tiền tệ sẽ được điều hành theo hướng thận trọng hơn.
Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã định hướng cho các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm nợ xấu để có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, hơn nửa năm trôi qua, mục tiêu này vẫn chưa thực hiện được.
Nhìn vào bối cảnh của nền kinh tế hiện nay, hầu hết các chuyên gia đều nhận định, từ nay đến cuối năm, NHNN giữ được lãi suất cho vay ở mức ổn định đã là sự thành công.
Thời gian qua, thanh khoản ngân hàng dồi dào khiến lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, đặc biệt các kỳ hạn ngắn như qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đã có thời điểm xuống mức rất thấp (dưới 1%/năm).
Chẳng hạn, theo thống kê của công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 9-13/7, lãi suất qua đêm là 1,19%, 1 tuần là 1,40%, 2 tuần là 1,53%, 1 tháng là 1,69%.
Tính đến ngày 11/7, số dư tiền gửi/cho vay trên thị trường tiền tệ là 170.000 tỷ đồng (giảm 39.000 tỷ đồng so với số dư tính đến ngày 4/7, mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay).
Tuy nhiên, từ ngày 16/7, lãi suất liên ngân hàng đã bật tăng mạnh so với hồi đầu tháng.
Số liệu của NHNN cho biết, chỉ sau nửa đầu tháng 7, lãi suất qua đêm tăng 48 điểm cơ bản từ 0,88% lên 1,36%.
Cụ thể, từ ngày 2/7 – 16/7, mức chênh lệch 1 tuần là 41 điểm cơ bản, từ 1,14% lên 1,55%; 2 tuần là 40 điểm, từ 1,2% lên 1,6%; 1 tháng là 53 điểm cơ bản, từ 1,47% lên 2,0%; 3 tháng là 39 điểm cơ bản, từ 2,65% lên 3,04%.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng nên khó có cơ hội để lãi suất cho vay giảm trong thời gian tới, nhất là khi kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá trị VND, ổn định tỷ giá vẫn đang là trọng tâm điều hành của Chính phủ trong giai đoạn hiện tại.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, lãi suất tăng hay giảm không phải là yếu tố thuần túy thị trường. Sự điều hành chính sách tiền tệ của NHNN có tác động mạnh mẽ đến việc giảm/tăng của lãi suất đầu vào/đầu ra.
Trong bối cảnh tỷ giá vẫn đang biến động mạnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, lạm phát trong nước có nguy cơ tăng cao, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay là ổn định nền kinh tế vĩ mô. Nhiều khả năng chính sách tiền tệ sẽ được điều hành theo hướng thận trọng hơn.
Hướng đi này cũng phù hợp với nhận định của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thế giới.
Có khả năng tăng trở lại
Mới đây, nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2018, ông Stephen Schwartz, Giám đốc về xếp hạng quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Fitch, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng chính sách thắt chặt nền kinh tế, NHNN Việt Nam cũng phải cân nhắc.
“Ngân hàng trung ương thực hiện một số biện pháp thắt chặt tiền tệ trong ngắn hạn, thông qua hoạt động thị trường mở hoặc thông qua tăng lãi suất cơ bản, trên cơ sở sự tích lũy gần đây trong thanh khoản của hệ thống ngân hàng kết hợp với tăng trưởng tín dụng nhanh”, ông Stephen Schwartz nói.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định trong thời gian tới, có khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất VND, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải. Đây là một rủi ro mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý, vì lãi suất tăng sẽ thay đổi toàn bộ trạng thái các thị trường hiện nay.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN sẽ giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn. Từ đó, các ngân hàng sẽ phải lựa chọn khách hàng vay kỹ hơn, ưu tiên các khoản vay có biên lợi nhuận cao và điều chỉnh lãi suất cho vay với các khách hàng hiện hữu để phần nào đẩy biên lãi suất lên cao hơn, bù đắp cho sự mất mát từ việc tín dụng bị kìm hãm.
Thực tế, room tín dụng của nhiều ngân hàng hiện đã gần cạn, nhiều ngân hàng đang có nguyện vọng được nới room, nhưng đến nay vẫn chưa có công bố chính thức từ phía NHNN về việc này.
Theo lãnh đạo NHNN, việc nới room tín dụng không phải ngân hàng nào xin điều chỉnh cũng được chấp thuận, mà sẽ có sự xem xét dựa trên nhiều yếu tố như: Việc chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, quy mô tín dụng, khả năng mở rộng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ… của từng ngân hàng.