Hiểm họa từ tín dụng đen
Cận Tết Nguyên đán, hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” ngày càng gia tăng. Ẩn sau đó là cạp bẫy “chết người” đối với những người dân thiếu hiểu biết, không lường được hết các hậu quả tiềm ẩn khi tiếp cận “dịch vụ” này.
Hiện nay, các đối tượng, ổ nhóm cho vay đẩy mạnh tiếp cận người dân bằng tờ rơi quảng cáo, tin nhắn với những mời chào cho vay tiền đầy hấp dẫn.
Tuy nhiên khi đã mắc bẫy, nạn nhân không có khả năng chi trả, các đối tượng cho vay lãi dùng nhiều hình thức khác nhau để đòi tiền như ném chất bẩn vào nhà, thuê côn đồ đòi nợ... Một số đối tượng còn liều lĩnh gây ra các vụ bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích hoặc hủy hoại tài sản để ép trả nợ.
Không ít trường hợp sử dụng vũ khí nóng để uy hiếp, thậm chí giết người khi đến yêu cầu người vay trả tiền. Nhiều vụ việc, ổ nhóm đã được lực lượng công an phát hiện và xử lý trong thời gian qua. Điển hình như tháng 6/2016, Công an tỉnh Hải Dương triệt phá ổ nhóm hàng chục đối tượng cho vay nặng lãi do Nguyễn Thế Sang (HKTT tại Hải Phòng, tạm trú tại Hải Dương) cầm đầu.
Trong năm 2016, Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ Đặng Thanh Tuấn (SN 1987, trú tại Hà Nội) cùng 3 đối tượng khác để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tuấn được xác định là đối tượng cầm đầu ổ nhóm chuyên cho vay tiền với lãi suất rất cao. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận thường cho vay với lãi suất 4.000 – 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Trường hợp không tìm được người nợ, Tuấn sai đàn em đến nhà người thân của họ đe dọa, ném chất bẩn vào nhà để gây sức ép…
Công an TP. Hà Nội đã mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, đặc biệt chú trọng triệt phá các ổ nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, cho vay nặng lãi. Siết chặt quản lý, xử lý nghiêm vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Đồng thời, Công an thành phố đã nhiều lần đưa ra lời khuyến cáo người dân.
Theo đó, hoạt động “tín dụng đen” hiện nay có chiều hướng phức tạp, các đối tượng phạm pháp ngày càng thêm những thủ đoạn tinh vi hòng lừa đảo người dân. Trong nhiều vụ việc, lực lượng công an đã làm rõ: Lợi dụng tâm lý cần tiền gấp hoặc đáo hạn vay nợ, các đối tượng không ghi giấy vay nợ tiền mặt mà bắt người dân ký giấy thỏa thuận mua tài sản, hàng hóa với tổng số tiền cao gấp nhiều lần số tiền cho vay với lời giải thích chỉ để làm tin và qua mắt cơ quan chức năng...
Thực tế, sau khi nạn nhân thiếu hiểu biết đã vào tròng, các đối tượng dọa nạt, bắt ép nạn nhân và gia đình phải trả đúng theo giấy tờ mua tài sản, hàng hóa như đã cam kết. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tiền gốc vay nợ chỉ từ vài triệu đồng đã "biến" thành số nợ hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Để ngăn chặn những vụ việc đau lòng như trên, người có nhu cầu vay tiền nên tìm đến các tổ chức tín dụng như ngân hàng... Và cương quyết không dễ dãi ký giấy vay nợ để rồi mắc bẫy của các đối tượng chuyên hoạt động theo kiểu “tín dụng đen".