Lịch sử tín dụng thấp:
Sẽ bất lợi cho người tiêu dùng khi vay tiêu dùng
Những khách hàng thường xuyên thanh toán trễ hạn các khoản nợ, lãi… có thể bị hạ điểm đánh giá tín dụng cá nhân. Theo đó, trong tương lai có thể họ sẽ không được hưởng những ưu đãi về lãi suất, hay hạn mức tín dụng dành cho khách hàng tốt, khi vay vốn tại các tổ chức tài chính.
Tầm quan trọng của điểm tín dụng
Vay tiêu dùng, vay trả góp, chi tiêu qua thẻ tín dụng hay vay mua nhà… là những nhu cầu vay phổ biến của mọi gia đình và cá nhân.
Tuy nhiên, có thể khách hàng cá nhân chưa biết rằng, bất kể mọi tình huống vay mượn và chi trả của mình đều được ghi nhận thành điểm tín dụng và lưu trong cơ sở dữ liệu của hệ thống Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia (CIC).
Cơ sở dữ liệu này sẽ được các tổ chức cho vay sử dụng, xem xét đồng ý hay từ chối hồ sơ vay của khách hàng trong tương lai, cũng như tỷ lệ lãi suất, hạn mức tín dụng… cho hồ sơ khách hàng.
Do đó, để trở thành người tiêu dùng thông thái, trước khi quyết định vay vốn, khách hàng cá nhân cần hiểu rõ về điểm tín dụng của mình cũng như tạo dựng cho mình một lịch sử tín dụng tốt, có như vậy mới có thể lấy điểm trong mắt các tổ chức tín dụng (TCTD).
Trên thực tế, điểm tín dụng giúp các TCTD có cái nhìn toàn diện về tình hình tài chính, khả năng thanh toán cũng như nắm rõ nguyên nhân chậm thanh toán của khách hàng (nếu có). Từ đó, đưa ra những nhận xét, đánh giá về khả năng trả nợ của khách hàng, để có thể đưa ra những quyết định đúng trong cho vay cũng như áp dụng tỷ lệ lãi suất vay phù hợp.
Thông tin tín dụng của khách hàng càng đầy đủ và chi tiết thì TCTD lại càng dễ đánh giá mức độ rủi ro của khoản vay và có thể quyết định cho vay ngay cả khi khách hàng đã từng có khoản vay chậm thanh toán.
Ngược lại, nếu thông tin ít và thiếu minh bạch sẽ làm mức độ rủi ro tăng cao, khiến TCTD ngần ngại trong việc cho vay.
Ông Cao Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc CIC chia sẻ: CIC chấm điểm tín dụng theo chuẩn quốc tế, do đó, nếu được chấm điểm và xếp hạng tín dụng cao, khách hàng cá nhân có thể chứng minh năng lực tài chính khi đi du học, hay tuyển dụng nhân sự.
Ngược lại, khách hàng có nợ xấu, điểm tín dụng thấp, các tổ chức cấp tín dụng sẽ thẩm định kỹ hơn, với điều kiện cấp tín dụng chặt chẽ hơn và theo đó, lãi suất cũng sẽ cao hơn nhằm hạn chế rủi ro.
Nhiều khách hàng do sơ xuất trong quá trình thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc bảo lãnh cho người thân, dẫn đến trả nợ không đúng hạn, bị chuyển thành nợ xấu. Tuy đây là số tiền rất nhỏ và đã chi trả xong nhưng lịch sử nợ xấu vẫn được lưu lại trên CIC trong suốt thời gian 5 năm.
“Bản thân sinh viên vay theo các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cũng nên có trách nhiệm với khoản vay, bởi đây là cách tốt nhất để giữ uy tín và bảo vệ mình sau này”, ông Cao Văn Bình khuyến cáo.
Hạn chế lưu lại “vết đen”
Vay tiêu dùng được xem như là “chiếc phao” đắc lực cho những người đang có nhu cầu mua sắm, phục vụ mục đích học tập, kinh doanh nhỏ, du lịch, y tế… song lại chưa đủ khả năng tài chính để chi trả.
Tuy nhiên, trước khi quyết định vay tín chấp, khách hàng cá nhân cần tìm hiểu kỹ dịch vụ, xem xét tình hình tài chính và mức thu nhập của mình, chỉ ký hợp đồng khi đảm bảo được khả năng thanh toán trong tương lai. Điều quan trọng là khách hàng phải có trách nhiệm với khoản vay và có ý thức về việc trả nợ.
Bởi vì, lịch sử tín dụng của người vay sẽ liên tục được ghi nhận và cập nhật trên hệ thống CIC. Các TCTD đều tham khảo lịch sử tín dụng này để quyết định cho vay. Vì thế, chỉ cần lưu lại một “vết đen” trong hệ thống CIC, trong tương lai khách hàng cá nhân sẽ khó có khả năng được duyệt vay thêm lần nữa.
Trong trường hợp thanh toán trễ hạn, khách hàng cũng sẽ phải chịu phí phạt, thậm chí bị khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong trường hợp này, khách hàng phải thanh toán toàn bộ tiền nợ gốc, nợ lãi, nợ phạt một lần.
Ngoài ra, khách hàng còn phải chịu tiền án phí và lệ phí thi hành án nếu không chấp hành bản án của tòa và vụ việc được đưa sang cơ quan thi hành án.
Trong những trường hợp đặc biệt, khi có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bên cho vay.
Vì vậy, khách hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng tài chính, cũng như kế hoạch chi tiêu và khả năng chi trả của mình trước khi quyết định ký hợp đồng vay, để tránh rơi vào tình trạng không thanh toán được khoản vay và bị phạt vi phạm hợp đồng, thậm chí là bị khởi kiện ra tòa.