Hiện đại hóa tài chính công góp phần thực hiện phát triển bền vững

H.Trang

Đó là mục tiêu hướng đến của Dự án Hiện đại hóa tài chính công (EU-PFMO) - Hỗ trợ xây dựng năng lực cho Bộ Tài chính Việt Nam được khởi động chính thức ngày 28/10, do Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội.

Toàn cảnh buổi lễ khởi động  Dự án Hiện đại hóa tài chính công (EU-PFMO) - Hỗ trợ xây dựng năng lực cho Bộ Tài chính Việt Nam.
Toàn cảnh buổi lễ khởi động Dự án Hiện đại hóa tài chính công (EU-PFMO) - Hỗ trợ xây dựng năng lực cho Bộ Tài chính Việt Nam.

Ý nghĩa quan trọng trong hội nhập

Tại buổi lễ khởi động dự án,Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh, việc nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện còn nhỏ bé của Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường cải tiến dịch vụ công đòi hỏi phải có một hệ thống quản lý tài chính toàn diện và có hiệu quả. Trong đó, các vấn đề về thể chế, thực hiện pháp luật cũng như công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đều phải được chú trọng, tăng cường nhằm bảo đảm các nguồn lực được phân bổ, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, được kiểm soát chặt chẽ và công khai minh bạch.

Nhìn nhận về các thách thức mà Việt Nam đang gặp phải, ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước chia sẻ, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bởi vậy, tất yếu phải thực hiện cải cách và có các chính sách cương quyết để hoàn thành mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đảm bảo công bằng xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đồng quan điểm trên, Tham tán Công sứ, Trưởng Ban hợp tác và Phát triển của Phái đoàn Liên hiệp châu Âu Alejandro Montalban Carrasco chia sẻ, cải thiện tài chính công đang ngày càng được đòi hỏi nhiều hơn khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Với việc sẽ tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do mới (FTA) như Hiệp định Thương mại tự do Việt nam – Liên hiệp châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì việc thực hiện các cam kết trong hiệp định là thách thức lớn. Trong đó, đặc biệt là việc cải thiện môi trường đầu tư nhằm hạn chế và xóa bỏ rào cản và trở ngại đối với thương mại và đầu tư quốc tế.

Cải cách hệ thống quản lý tài chính công được đánh giá là một trong những hướng đi quan trọng giúp Việt Nam có thể hoàn thành được 8 mục tiêu tổng quát đề ra trong chương trình hành động ngành Tài chính đến năm 2020.

Cần sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế

Để khắc phục khó khăn và đạt được những mục tiêu đã đề ra, Việt Nam rất cần đến sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đặc biệt là Dự án Hiện đại hóa tài chính công (EU-PFMO) của Liên minh châu Âu EU và sự hợp tác của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ. Theo đó, Dự án sẽ tập trung hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực thực thi của Chính phủ Việt Nam đối với các chính sách kinh tế và xã hội thông qua việc lập và chấp hành ngân sách hiệu quả, tiết kiệm và minh bạch tài chính công.

Sau khi luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) được thông qua ngày 25/6/2015, dự án chính thức hỗ trợ Bộ Tài chính Việt Nam trong việc cải thiện minh bạch ngân sách, phân cấp tài khóa cũng như nâng cao năng lực quản lý tài chính công ở cấp Trung ương và địa phương. Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực triển khai lập kế hoạch tài chính trung hạn như là một phần của công cuộc hiện đại hóa hành chính công quốc gia.

Mục tiêu cụ thể của Dự án là cải thiện quản lý tài chính công của Việt Nam, đảm bảo khuôn khổ pháp lý, tổ chức và quy định trong việc lập và chấp hành ngân sách ở cấp trung ương và địa phương phù hợp hơn với những chuẩn mực quốc tế. Trong đó, tập trung vào 3 vấn đề chính, cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng khuôn khổ thể chế trong việc lập kế hoạch và thực hiện ngân sách nhà nước được cải thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, xây dựng các chính sách và khuôn khổ thể chế tăng cường phân cấp tài khóa và năng lực quản lý quỹ công của chính quyền địa phương, tập trung vào các tỉnh nghèo nhất có đông dân tộc thiểu số.

Thứ ba, lập ngân sách hiệu quả hơn thông qua việc phát triển khuôn khổ thu và chi trung hạn, liên kết chặt chẽ hơn giữa chi tiêu với các ưu tiên chính sách quốc gia.

Ngày 30/12/2014, Hiệp định Tài chính cho Dự án EU-PFMO đã được Chính phủ Việt Nam và EU thông qua. Trong khi Hợp phần 1 của dự án EU-PFMO hỗ trợ xây dựng năng lực cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam thì Hợp phần 2 cung cấp hỗ trợ xây dựng năng lực cho Bộ Tài chính Việt Nam thông qua hỗ trợ kỹ thuật. Thay mặt cho Phái đoàn Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam (DEU), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ triển khai Hợp phần 2 của chương trình này, từ tháng 3/2015 đến tháng 6/2018, trong khuôn khổ của Chương trình “Cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh” được ủy nhiệm bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).