Quản lý ngân sách nhà nước ở Việt Nam trên con đường hội nhập
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 đã có những sửa đổi mới quan trọng phù hợp với thông lệ quốc tế và công tác quản lý ngân sách ngày càng hiện đại, hiệu quả, bền vững.
Luật Ngân sách nhà nước đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/06/2015 (sau đây gọi tắt là Luật NSNN năm 2015), có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017, thay thế Luật NSNN số 01/2002/QH11.
Với các mục tiêu sửa đổi nhằm để phù hợp với Hiến pháp năm 2013; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý NSNN tạo động lực phát triển; đổi mới phương thức quản lý NSNN phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội đất nước, tăng cường phân cấp quản lý ngân sách; đảm bảo tính thống nhất của NSNN và vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW), phát huy tính chủ động của ngân sách các cấp chính quyền địa phương trong quản lý và sử dụng NSNN.
Phạm vi ngân sách được xác định một cách toàn diện, đầy đủ theo thông lệ quốc tế
Phạm vi thu ngân sách: Thu NSNN bao gồm toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí và các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do Nhà nước đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ. Đối với các khoản phí thu từ hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện thì được phép trích lại một phần hoặc toàn bộ, phần còn lại thực hiện nộp ngân sách theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và pháp luật có liên quan; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết.
Phạm vi chi NSNN: Chi NSNN không bao gồm chi trả nợ gốc và bao gồm khoản chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ và chi từ nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết.
Phạm vi bội chi NSNN: Bội chi NSNN bao gồm bội chi NSTW và bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) cấp tỉnh. Bội chi NSTW được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi NSTW không bao gồm chi trả nợ gốc và tổng thu NSTW. Bội chi NSĐP cấp tỉnh là tổng hợp bội chi ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương, được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách cấp tỉnh không bao gồm chi trả nợ gốc và tổng thu ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương.
Việc xác định phạm vi thu, chi NSNN đã cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế: Bảo đảm nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước phải được phản ánh đầy đủ trong ngân sách nhà nước; số liệu thu, chi và bội chi ngân sách nhà nước của Việt Nam có thể so sánh, đánh giá với số liệu thu, chi, bội chi ngân sách của các nước trên thế giới (vì cùng phạm vi và phương pháp tính toán). Từ đó giúp cho các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu về kinh tế, tài chính - ngân sách của Việt Nam, qua đó có chính sách đầu tư hiệu quả và lâu dài tại Việt Nam.
Đáp ứng yêu cầu nguyên tắc minh bạch trong quản lý tài chính công theo thông quốc tế
Bổ sung những nội dung để bảo đảm quyền quyết định những vấn đề trọng yếu nhất về NSNN của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và đơn vị sử dụng ngân sách trong lĩnh vực NSNN. Trong đó:
Quy định thẩm quyền Quốc hội quyết định Chính sách cơ bản về tài chính - NSNN, như: Quy định mức giới hạn an toàn nợ công; kế hoạch tài chính 5 năm; dự toán NSNN, phân bổ NSTW; bội chi NSNN (bao gồm bội chi NSTW và bội chi NSĐP, chi tiết từng địa phương); tổng mức vay của NSNN, bao gồm vay để bù đắp bội chi NSNN và vay để trả nợ gốc của NSNN; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa NSTW và ngân sách từng địa phương, v.v...
Quy định thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ NSNN; bổ sung dự toán số tăng thu NSNN; phân bổ, sử dụng số tăng thu, số tiết kiệm chi của NSTW, v.v...
Quy định Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mới được ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NSNN.
Việc qui định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước về quản lý NSNN được minh bạch, rõ trách nhiệm các cơ quan, cá nhân trong quản lý NSNN. Đây là một nguyên tắc quan trọng nhất trong báo cáo minh bạch tài khóa của IMF mà các nước trên thế giới đang thực hiện trong quản lý tài chính công.
Ngoài ra, để phát huy hơn nữa hiệu quả của việc công khai và giám sát NSNN của cộng đồng, Luật NSNN năm 2015 đã bổ sung thêm một số quy định về công khai ngân sách nhằm tăng cường minh bạch tài khóa: công khai đề xuất dự toán NSNN Chính phủ trình Quốc hội (Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân đối với ngân sách các cấp chính quyền địa phương); ngoài việc công khai dự toán, quyết toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn, còn thực hiện công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách; việc công khai số liệu phải kèm theo báo cáo thuyết minh; công khai kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; công khai các thủ tục NSNN; giám sát thực hiện NSNN của cộng đồng.
Với việc bổ sung các nội dung công khai, đi kèm là báo cáo thuyết minh giải trình đã giúp cho việc thực hiện công khai của Việt Nam tiếp cận với các tiêu chuẩn về công khai minh bạch của quản lý tài chính công quốc tế (IMF, PEFA, OBI…) ; Qua đó giúp cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức dân sự thực hiện giám sát đối với hoạt động quản lý tài chính công của Chính phủ.
Tăng cường các công cụ quản lý tài chính công hiện đại
Một là: Bổ sung quy định về việc lập kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm được lập hàng năm cho thời gian 3 năm, kể từ năm dự toán ngân sách và 2 năm tiếp theo, theo phương thức cuốn chiếu. Kế hoạch này được lập cùng thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm nhằm định hướng cho công tác lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; định hướng thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn lực cho từng lĩnh vực và từng nhiệm vụ, chế độ, chính sách cho từng lĩnh vực trong trung hạn. Đây là tài liệu Chính phủ trình Quốc hội xem xét cũng với dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để Quốc hội làm căn cứ quyết định dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, Quốc hội không quyết định kế hoạch này.
Hai là: Bổ sung quy định về thực hiện quản lý NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ để gắn trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị sử dụng ngân sách với kết quả và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, tăng cường trách nhiệm giải trình, minh bạch ngân sách và sự giám sát của các cơ quan quản lý.
Ba là: Quy định chặt chẽ và thu hẹp phạm vi các khoản chi được phép chuyển nguồn, ứng trước dự toán ngân sách năm sau nhằm hạn chế tối đã việc chuyển nguồn ngân sách sang năm sau và ứng trước dự toán năm sau. Các quy định mới của Luật NSNN năm 2015 sẽ giúp quản lý NSNN được đầy đủ, công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm, góp phần vào việc sử dụng NSNN được hiệu quả, tiết kiệm.