Hiện thực hóa mục tiêu Kho bạc Nhà nước không tiền mặt

PGS., TS. Nguyễn Đình Luận - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH)

2023 - năm thứ hai hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã tiếp tục ghi nhận sự chuyển biến tích cực. Hiện nay, nhiều đơn vị KBNN đã không còn thu, chi tiền mặt mà được thực hiện qua hệ thống ngân hàng thương mại nơi kho bạc mở tài khoản.

Hiện thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN còn rất ít. Ảnh: Thùy Linh.
Hiện thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN còn rất ít. Ảnh: Thùy Linh.

Số thu, chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt tiếp tục giảm

Trong năm 2023, hệ thống KBNN đã nỗ lực hiện đại hóa phương thức thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN); tăng cường trao đổi, phối hợp, kết nối với các đơn vị liên quan, thúc đẩy các kênh thanh toán điện tử nhằm gia tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân. Theo thống kê của KBNN, trong năm 2023, số thu NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chỉ chiếm 0,069% so với tổng thu NSNN (giảm 0,091% so với năm 2022); số chi NSNN bằng tiền mặt chỉ chiếm 0,097% so với tổng chi NSNN (giảm 0,263% so với năm 2022).

Có được kết quả trên, hệ thống KBNN đã tích cực triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp và phối hợp hiệu quả với các đơn vị liên quan. Cụ thể, KBNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN; xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ NSNN qua KBNN (thay thế Thông tư số 62/2020/TT-BTC). Trong đó, mở rộng phạm vi các đối tượng và nội dung cá nhân được sử dụng bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng để giải quyết khó khăn trong việc thanh toán cá nhân qua tài khoản cho các đối tượng hiện chưa được quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 của Chính phủ quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN. Đồng thời, mở rộng phạm vi sử dụng tài khoản thanh toán của các đơn vị giao dịch mở tại ngân hàng thương mại để chi thanh toán cá nhân đối với tất cả các khoản chi mà các đối tượng thụ hưởng có nhu cầu chi trả qua tài khoản…

Song song với đó, KBNN đã thực hiện nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng liên thông. Tiếp tục thực hiện kết nối liên thông giữa các hệ thống, chương trình với cơ quan Thuế, Hải quan, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS) và các hệ thống thanh toán của các ngân hàng thương mại. Trong năm 2023, KBNN tiếp tục mở rộng hạ tầng để triển khai kết nối với 2 ngân hàng mới, gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), nâng tổng số ngân hàng thương mại đang phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử lên 17 ngân hàng.

Thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt

Đến nay, số lượng tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của KBNN tại hệ thống các ngân hàng thương mại là hơn 3.200 tài khoản. KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có giao dịch với KBNN sử dụng các hình thức thu nộp điện tử như qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, qua các ứng dụng điện tử của các ngân hàng thương mại hoặc qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan… từ đó giảm thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN.

Song song với đó, chi qua KBNN bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là một điểm sáng. Theo đó, trong năm qua, KBNN đã triển khai thành công chương trình ứng dụng thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông cho các đơn vị sử dụng ngân sách, góp phần giảm thời gian và chi phí liên quan đến hoạt động giao dịch thanh toán của các đơn vị.

Cụ thể, từ tháng 4/2023, KBNN đã triển khai chương trình ứng dụng thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông. Đến tháng 12/2023, có hơn 39 nghìn đơn vị sử dụng ngân sách đã uỷ quyền để KBNN thực hiện thanh toán số tiền hơn 1.300 nghìn tỷ đồng cho dịch vụ điện, nước và hơn 170 tỷ đồng cho dịch vụ viễn thông trên toàn quốc. Sau khi uỷ quyền cho KBNN, đơn vị sử dụng ngân sách không cần lập hồ sơ thanh toán qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Các hoá đơn của đơn vị sử dụng ngân sách sẽ được KBNN tự động thanh toán ngay sau khi nhận được thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ, qua đó đã giảm đáng kể số lượng hồ sơ giao dịch (ước tính giảm được tổng số 90.684 hồ sơ giao dịch/tháng), giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động. Do ngày thanh toán được ấn định trước, việc triển khai chương trình góp phần tăng hiệu quả cho công tác dự báo ngân quỹ. Đồng thời, các nhà cung cấp phối hợp với KBNN cũng được hưởng lợi từ chương trình do dòng tiền được lưu thông nhanh chóng, chủ động trong xây dựng và thực hiện kế hoạch.

Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, vẫn có những khoản được phép chi tiền mặt qua KBNN như: Thanh toán cá nhân của các đơn vị hưởng lương ngân sách chưa có điều kiện để chuyển khoản được tại các vùng sâu vùng xa; một số khoản chi bằng tiền mặt (chi trả nợ, chi đền bù giải phóng mặt bằng); chi về nghiệp vụ mật của khối an ninh quốc phòng. Hơn nữa, theo quy định, mua sắm hàng hoá dịch vụ dưới 5 triệu đồng được phép thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN. Ngoài ra, với những khoản chi mua sắm hàng hoá ở mức dưới 100 triệu đồng cũng có thể được rút tiền mặt tại kho bạc. Từ 100 triệu đồng trở lên mới thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng. Do đó, trên thực tế, vẫn còn những khoản chi bằng tiền mặt qua KBNN dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 không còn thu, chi bằng tiền mặt tại kho bạc, năm 2024, hệ thống KBNN đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch với KBNN. Một số nhiệm vụ cụ thể, gồm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; tiếp tục mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước của KBNN tại hệ thống ngân hàng thương mại; rà soát mở rộng địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch với KBNN...

 

Mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN đến năm 2025 là tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN, hình thành thói quen của các đơn vị sử dụng ngân sách, người nộp ngân sách nhà nước, các tổ chức và cá nhân khác có giao dịch với KBNN ở khu vực đô thị trong việc thanh toán nói chung và thu, chi ngân sách nhà nước nói riêng bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. KBNN phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ giảm dần tỷ lệ thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN và tiến tới hình thành Kho bạc không có tiền mặt trên cơ sở hiện đại hóa các hình thức thanh toán.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 2/2024