“Hiện thực hóa” mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Một trong những mục tiêu trọng tâm được ngành Tài chính đặt ra trong năm 2019 đó là triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi.
Theo đại diện Bộ Tài chính, quy mô và phạm vi của TTCK Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Tính đến cuối năm 2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, tương đương với 72% GDP năm 2018. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng so với năm 2017, với mức tăng 29%, từ 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2017 lên 6.500 tỷ đồng/phiên năm 2018.
Tính đến ngày 31/1/2019, thị trường có 755 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên hai Sở Giao dịch Chứng khoán và 804 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Giá trị đăng ký giao dịch trên thị trường này đạt hơn 1.235 nghìn tỷ đồng tăng 26% so với cuối năm 2017. Thị trường chứng khoán phái sinh sau hơn 1 năm hoạt động duy trì tốc độ tăng trưởng tốt và đều đặn với khối lượng giao dịch bình quân năm 2018 đạt hơn 79 nghìn hợp đồng/phiên, gấp 7,2 lần so với 2017...
Năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trên TTCK Việt Nam. Giá trị mua ròng trên thị trường cổ phiếu đạt mức lớn nhất từ trước đến nay với nhiều phiên mua ròng có giá trị cao đột biến (hơn 100 triệu USD). Tính chung cả năm, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn như Vinhomes, Techcombank, Novaland...
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2019, cơ quan quản lý sẽ thúc đẩy triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng Frontier Market (thị trường cận biên) lên hạng Emerging Market (thị trường mới nổi) trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, Việt Nam cũng đang có nhiều thuận lợi trong việc nâng hạng thị trường. Việc duy trì ổn định các cân đối vĩ mô đang được Chính phủ thực hiện tốt trong nhiêu năm qua, giúp tạo niềm tin cho cộng đồng đầu tư quốc tế. Nền tảng công nghệ và cơ sở hạ tầng dần được cải thiện với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý thị trường. Sự ra mắt thị trường phái sinh đã cung cấp cho nhà đầu tư công cụ cần thiết để phòng ngừa rủi ro. Quá trình nới room ngoại và thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp niêm yết cũng đang được đẩy nhanh để gia tăng hơn nữa quy mô đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài...
Được biết, trong đợt rà soát vào tháng 9/2018, TTCK Việt Nam đã được FTSE đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi thứ cấp (secondary emerging) trong vòng ít nhất 1 năm. Dự kiến, sau khoảng thời gian theo dõi, FTSE sẽ xem xét để đưa ra quyết định nâng hạng, và trong trường hợp sớm nhất việc này sẽ được thực hiện vào tháng 9/2020.
Theo nhận định của các chuyên gia, nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng thì sẽ có chỉ số FTSE Vietnam Index, chỉ số này sẽ nằm trong hệ thống của chỉ số FTSE Emerging Markets Index, và tất nhiên các quỹ ETF dù muốn hay không cũng sẽ phải phân bổ vốn vào cho thị trường nước ta. Theo dự đoán, nếu ước tính tổng số vốn mà các ETF đưa thị trường mới nổi thứ cấp vào khoảng 6,1 tỷ USD, và tỷ trọng của FTSE Vietnam Index vào khoảng 0,3%, thì số vốn mà các ETF có thể đổ vào TTCK Việt Nam gần 200 triệu USD. Tất nhiên, đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng, nhưng giá trị vô hình và lớn nhất đó là thương hiệu của TTCK Việt Nam được củng cố, thu hút thêm nhiều dòng vốn cả ngắn lẫn dài hạn.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh các giải pháp giúp nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, Việt Nam sẽ tập trung vào các giải pháp như: tăng quy mô đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc gia tăng số lượng các công ty có vốn hóa lớn, thúc đẩy và tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn; Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính...