Hiện tượng bán lẻ nổi bật nhất năm 2022


“Shrinkflation” nghĩa là lạm phát giảm kích thước. Thời lạm phát, thay vì tăng giá thì công ty đi giảm kích thước sản phẩm để giữ nguyên giá.

Trong năm 2022, không có gì ngạc nhiên khi “shrinkflation” trở thành xu hướng
Trong năm 2022, không có gì ngạc nhiên khi “shrinkflation” trở thành xu hướng

Thuật ngữ này lần đầu tiên được nhà kinh tế học Pippa Malmgren của Anh đưa ra vào năm 2013. Tuy nhiên năm nay, shrinkflation đạt đến “tầm cao” mới khi hồi tháng 6, các lượt tìm kiếm “shrinkflation” tăng cấp 5 lần, theo thống kê từ Google Trends. Đến tháng 9, Merriam-Webster chính thức thêm “shrinkflation” vào từ điển.

Nhiều người cho rằng “shrinkflation” là phiên bản nâng cấp của cụm từ giảm kích thước (downsizing). Ông Edward Dworsky, một luật sư và nhà hoạt động vì người tiêu dùng, từng viết về “giảm kích thước - giữ giá bán” trong nhiều thập niên qua, tuy nhiên chỉ đến năm 2021 ông mới sử dụng thuật ngữ “shrinkflation”. Sự thay đổi này đến từ việc bản thân từ “shrinkflation” thu hút được sự chú ý của truyền thông.

Trong năm 2022, không có gì ngạc nhiên khi “shrinkflation” trở thành xu hướng. Hàng loạt thương hiệu thi nhau giảm kích thước sản phẩm, từ Gatorade cho đến Charmin hay Pizza 4Ps. Nếu trong thời kỳ trước, quá trình lạm phát kích thước diễn ra “âm thầm” và thương hiệu nghĩ rằng người tiêu dùng không chú ý, thì bây giờ người tiêu dùng đang chú ý và có những động thái rõ rệt.

Chẳng hạn trên TikTok, các video có hashtag #shrinkflation thu hút hon 296 triệu lượt xem. Hoặc chủ đề “shrinkflation” trên Reddit cũng có hơn 44,900 thành viên.

Một điều đáng lo ngại cho các thương hiệu là theo một báo cáo hồi tháng 8 của công ty nghiên cứu thị trường Morning Consult, thì gần một nửa (48%) người được hỏi nói rằng sẽ chọn thương hiệu khác nếu phát hiện thương hiệu đang sử dụng biện pháp giữ giá bán và giảm kích thước.

Theo bà Emily Moquin, một chuyên gia phân tích F&B ở Morning Consult, tác giả bài báo cáo, thì kết quả khảo sát này cũng chưa đủ sức làm “lay chuyển” thương hiệu. Bà cho rằng trước khi bước vào con đường giữ giá giảm kích thước, thì các thương hiệu chắc chắn đang ở thế kẹt. Khi đó họ có hai lựa chọn: hoặc tăng giá hoặc giữ giá giảm kích thước. Và với hai phương án chẳng mấy vui vẻ này, thì ý tưởng giữ giá giảm kích thước đôi khi lại tốt hơn.

Hiện tượng “shrinkflation” đang phát triển không biên giới. Ở Phi Lip Pin, chính phủ hồi tháng 8 thông báo sẽ điều tra xem các doanh nghiệp, bao gồm cả nhà hàng và quán cà phê, có đang thực hiện hành động giảm khẩu phần nhưng giữ nguyên giá hay không. Còn ở Na Uy, lạm phát giảm kích thước tràn lan đến nỗi Hội Đồng Ngôn Ngữ Na Uy chọn “shrinkflation” làm từ ngữ của năm. Dĩ nhiên có một chút khác biệt, vì họ không chọn chữ tiếng Anh “shrinkflation”, mà dùng từ tiếng Na Uy là “krympflasjon”.

Một điều thú vị khác về “shrinkflation” là mặc dù Merriam-Webster đưa từ này vào từ điển, nhưng họ lại chọn từ “gaslighting” (thao túng tâm lý - hành vi dẫn dắt sai lệch suy nghĩ, tâm lý của người khác để có lợi cho mình) làm từ của năm. Trước hành động này, cây viết Scott Hollifield trên trang Independent Tribune phản đối, nói rằng “shrinkflation” xứng đáng trở thành từ của năm hơn. Ông cũng chỉ ra một sự kết nối đầy mỉa mai giữa “shrinkflation” và “gaslighting”, đó là định nghĩa shrinkflation là hành động các doanh nghiệp đang thao túng tâm lý khách hàng!

Theo Quân Bảo/diendandoanhnghiep.vn