Hiệp định RCEP: Mở cửa thị trường qua ứng dụng điện tử
Các cam kết về thương mại điện tử trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tăng cường mở cửa thị trường thông qua ứng dụng điện tử.
Các cam kết về thương mại điện tử của Hiệp định RCEP quy định tại Chương 12 với tổng cộng 17 điều khoản, bao gồm các điều khoản nổi bật trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: An ninh mạng, thuế hải quan, đặt hệ thống máy chủ.
Ngoài ra, các cam kết về thương mại điện tử của RCEP còn có nét tương đồng với Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử, FTA ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) về mức độ cam kết, tuy nhiên bổ sung một vài điều khoản mới mang tính nâng cấp, phù hợp với tốc độ phát triển của các nước thành viên.
Mục tiêu của chương Thương mại điện tử trong Hiệp định RCEP là tăng cường mở cửa thị trường thông qua ứng dụng điện tử; tạo ra môi trường lành mạnh, đáng tin cậy cho người tiêu dùng trực tuyến cũng như tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên về lĩnh vực này. Theo đó, Hiệp định RCEP có 3 nhóm cam kết, gồm: Nhóm liên quan đến tạo thuận lợi hóa; nhóm cam kết liên quan đến thiết lập môi trường thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử; nhóm cam kết liên quan đến thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cụ thể, nhóm cam kết liên quan đến tạo thuận lợi hóa yêu cầu cam kết cụ thể về chính sách của nhà nước đối với các hoạt động thương mại phi giấy tờ bao gồm các điều khoản như chữ ký điện tử, thương mại phi giấy tờ. Quy định này nhằm đảm bảo các hoạt động thương mại thông qua phương tiện điện tử được thực hiện hiệu quả và công bằng.
Về nhóm cam kết liên quan đến thiết lập môi trường thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử gồm 3 vấn đề: Bảo vệ thông tin cá nhân, pháp luật để hoàn thiện khung khổ pháp lý trong nước, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường mạng trước các hành vi lừa đào trong thương mại điện tử. Mục tiêu của cam kết này là tạo dựng và thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng đối với hoạt động thương mại điện tử, tạo tiền đề vững chắc cho thương mại điện tử phát triển.
Đối với nhóm cam kết liên quan đến thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, gồm 2 vấn đề: Các cam kết liên quan đến việc trao đổi dữ liệu cá nhân xuyên biên giới bằng phương tiện điện tử và hệ thống thiết bị máy chủ.
Hai nội dung này được đánh giá là tiền đề để thúc đẩy các giao dịch trực tuyến xuyên biên giới giữa các thành viên tham gia, các điều khoản bao gồm: Lưu chuyển thông tin xuyên biên giới, hệ thống máy chủ, giải quyết tranh chấp. Mục tiêu hướng tới là tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới giữa các quốc gia trong Hiệp định RCEP thông qua các phương tiện điện tử.
Đánh giá về ảnh hưởng của chương Thương mại điện tử đối với kinh tế Việt Nam, theo Bộ Công Thương, các cam kết của lĩnh vực này hướng tới việc cải tiến chuỗi cung ứng, tăng cường hội nhập. Bên cạnh đó, việc thực thi cam kết về thương mại điện tử sẽ thúc đẩy đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài; không áp dụng thuế với dẫn truyền điện tử; không ngăn cản việc chuyển các dữ liệu điện tử qua biên giới nếu là để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh giữa các thành viên RCEP; tiếp nhận chuyển giao khoa học, công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ các quốc gia khác.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp Việt Nam, cam kết về thương mại điện tử sẽ giúp giảm chi phí giao dịch, trải nghiệm thương mại điện tử liền mạch; tham gia hội nhập phát triển kinh doanh; có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng tòan cầu cùng với các đối tác lớn.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp cần lưu ý áp lực cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài; hạn chế về năng lực của ngũ lao động, thiếu hụt lao động hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử; cần nâng cấp một số luật, quy định hiện hành nhằm đáp ứng các cam kết trong hiệp định...