Hiệu quả tích cực từ triển khai các ứng dụng phần mềm vào quản lý bảo hiểm y tế

Minh Anh - Nhật Minh

Thời gian qua, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua phần mềm để nâng cao hiệu quả quản lý lĩnh vực bảo hiểm y tế. Nhờ đó, hiệu quả từ ứng dụng mang lại là rất thiết thực, vừa giúp nâng cao chất lượng công việc, vừa giúp giảm hàng trăm giờ làm việc của mỗi cán bộ, công chức, viên chức của ngành BHXH Việt Nam.

Đến hết tháng 5/2022, Hệ thống thông tin giám định BHYT lưu trữ, quản lý thông tin hơn 14,58 tỷ bản ghi chi tiết của 875,96 triệu lượt khám chữa bệnh.
Đến hết tháng 5/2022, Hệ thống thông tin giám định BHYT lưu trữ, quản lý thông tin hơn 14,58 tỷ bản ghi chi tiết của 875,96 triệu lượt khám chữa bệnh.

Nhiều lợi ích từ ứng dụng Hệ thống thông tin giám định BHYT

Năm 2016, BHXH Việt Nam đã triển khai xây dựng Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT) kết nối, liên thông dữ liệu với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 102/TB-VPCP.

Ngày 24/6/2016, Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống của BHXH Việt Nam chính thức được khai trương, kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh. Từ tháng 01/2017, Hệ thống được hoàn thiện và chính thức triển khai thực hiện công tác giám định điện tử, đến nay đã mang lại rất nhiều hiệu quả trong quản lý Quỹ BHYT.

Cổng Tiếp nhận dữ liệu đã kết nối, thực hiện liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH với 12.380 cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến xã đến Trung ương trên toàn quốc, được bổ sung chức năng cấp mã thẻ BHYT tạm, tra cứu thông tin thẻ BHYT theo mã số BHXH trên ứng dụng VssID, ứng dụng VNEID/Căn cước công dân gắn chíp, chức năng đề nghị cấp mã tạm vật tư y tế...

Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh đều được cung cấp tài khoản để theo dõi, quản lý khám chữa bệnh và sử dụng Quỹ BHYT.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 5/2022, Hệ thống thông tin giám định BHYT lưu trữ, quản lý thông tin hơn 14,58 tỷ bản ghi chi tiết của 875,96 triệu lượt khám chữa bệnh; tiếp nhận dữ liệu của 168,89 triệu lượt khám chữa bệnh năm 2017; 176,47 triệu lượt khám chữa bệnh năm 2018; 184,19 triệu lượt khám chữa bệnh năm 2019; 167,8 triệu lượt khám chữa bệnh năm 2020; 126,84 triệu lượt khám chữa bệnh năm 2021 và 51,77 triệu lượt khám chữa bệnh trong 5 tháng đầu năm 2022.

Phần mềm Giám định BHYT có 230 chức năng với hơn 300 quy tắc giám định, cung cấp các chức năng thuộc nghiệp vụ của quy trình giám định BHYT, được thực hiện liên thông với một số phần mềm nghiệp vụ khác của Ngành, thường xuyên được cập nhật các quy tắc, chức năng để đáp ứng yêu cầu của công tác giám định.

Đến nay, hầu hết các quy trình có thể tự động hoá trong nghiệp vụ giám định đều đã được thực hiện bằng các chức năng của phần mềm và tự động ghi nhận kết quả trên Hệ thống, qua đó nâng cao chất lượng công việc đồng thời giúp giảm hàng trăm giờ làm việc của mỗi cán bộ giám định.

Qua các chức năng của Hệ thống, cơ quan BHXH đã phát hiện và thu hồi về Quỹ BHYT rất nhiều các trường hợp thanh toán sai quy định (thanh toán dịch vụ nằm trong quy trình kỹ thuật; thanh toán trùng lặp; thanh toán sai ngày giường, sai phân loại phẫu thuật; thanh toán thuốc chỉ định không đúng hướng dẫn sử dụng và điều kiện thanh toán…).

Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID

Bên cạnh ứng dụng công nghệ vào giám định BHYT, ngày 25/11/2020, BHXH Việt Nam đã chính thức triển khai thí điểm sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh BHYT thay cho thẻ BHYT giấy.

Theo đó, người tham gia BHYT do 10 BHXH tỉnh, thành phố khu mực miền Trung - Tây Nguyên cấp thẻ BHYT (gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên - Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum) được dùng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh tại các cơ sở có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.

Tiếp đó, ngày 31/5/2021, BHXH Việt Nam có Công văn số 1493/BHXH-CSYT về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT.

Theo đó, trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế tại Công văn số 4316/BYT-BH ngày 27/5/2021 về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh BHYT, từ ngày 01/6/2021, người bệnh BHYT đến khám chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT giấy tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc.

Thống kê cho thấy, đến hết tháng 6/2022, toàn quốc có trên 26,2 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 673.755 người với 1.212.145 lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để thực hiện khám chữa bệnh BHYT.

Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai sử dụng Căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh BHYT theo Đề án 06, từ ngày 11/2/2022, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua số Chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ số căn cước công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sang cơ sở dữ liệu của BHXH.

Tính đến ngày 29/6/2022, hệ thống đã xác thực cho hơn 47,414 triệu thông tin nhân khẩu (bao gồm cả nhân khẩu có số chứng minh nhân dân và căn cước công dân) có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 35.636.200 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Nhìn chung, trong những năm gần đây, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm, công nghệ vào quản lý lĩnh vực BHXH, BHYT để không chỉ mang lại những lợi ích cho người dùng, mà còn giúp tiết kiệm thời gian cho cán bộ công tác trong ngành BHXH.