Quỹ Bảo hiểm y tế hàng năm chi trả cao, kịp thời cho người bệnh

Lê Hà

Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) hàng năm chi trả cao, kịp thời cho người bệnh, mặc dù Quỹ còn rất hạn chế, mức đóng trung bình trên dưới 1 triệu/người/năm cho cả người đóng cao và thấp. Quỹ BHYT triển khai thanh toán khám chữa bệnh từ trạm y tế xã phường tới bệnh viện tuyến trung ương, người đóng BHYT cao hay BHYT theo hộ gia đình cũng được thanh toán như nhau...

Hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi

Ngày 8/7/2022, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về chính sách BHYT. Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, chính sách BHYT ở nước ta ngày càng phát triển, hoàn thiện theo hướng mở rộng và bảo đảm tốt nhất quyền lợi BHYT của người tham gia.

Đặc biệt, người có công, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Thời gian qua, Quỹ BHYT đã tạo nguồn tài chính chủ lực và có đóng góp đáng kể cho công tác khám chữa bệnh BHYT.

Một trong những thành tựu quan trọng trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT là tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở nước ta có sự tăng trưởng vượt bậc qua các năm. Nếu như vào năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số. Cùng với đó, trung bình hàng năm có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh chủ trì Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về BHYT (ngày 8/7/2022).
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh chủ trì Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về BHYT (ngày 8/7/2022).

Đến ngày 31/12/2021, số người tham gia BHYT là hơn 88 triệu người, tăng hơn 794.000 người (0,9%) so với năm 2020; đạt tỷ lệ khoảng 91% dân số tham gia BHYT, vượt 0,01% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ. Năm 2022, tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có trên 86,8 triệu người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 88,99% dân số.

Năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch; tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Theo ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), trong những năm qua, người bệnh BHYT ở Việt Nam được đảm bảo hưởng các quyền lợi kịp thời khi đi khám chữa bệnh. Đơn cử như: Dịch vụ kỹ thuật rất đầy đủ, có gần 10.000 dịch vụ kỹ thuật được BHYT chi trả, từ dịch vụ cao cấp nhất PET/CT, mổ bằng robot đến dịch vụ đơn giản như xét nghiệm máu, nước tiểu, dịch vụ phục hồi chức năng, đông y…

Bên cạnh đó, quyền lợi về thuốc ở Việt Nam rất tốt với cả 2 danh mục: Thuốc tân dược và thuốc đông y. Về thuốc tân dược, hiện có 1.030 thuốc hóa dược, mỹ phẩm và 59 thuốc phóng xạ, chất đánh dấu với 25 hoạt chất quy định tỷ lệ thanh toán và 31 hợp chất quy định cả điều kiện thanh toán và tỷ lệ thanh toán… Ngoài ra, còn có danh mục thuốc đông y với 349 vị thuốc y học cổ truyền và 229 thuốc cổ truyền được Quỹ BHYT thanh toán.

Toàn cảnh hội nghị. 
Toàn cảnh hội nghị. 

“Nếu so sánh với các nước Thái Lan, Indonesia, Philippines thì danh mục thuốc thuộc BHYT chi trả chỉ khoảng 600 loại. Điều đó cho thấy, người dân Việt Nam được tiếp cận thuốc tốt, với danh mục rộng, kể cả thuốc mới, thuốc biệt dược gốc cũng rất rộng. Chúng ta đang chi trả cả những loại thuốc ung thư đang được chỉ định trong khi nhiều nước không chi trả, hoặc chi trả rất hạn chế”- ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phúc, danh mục dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT có đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật theo 28 chuyên khoa/chuyên ngành, bao gồm cả các kỹ thuật y học hiện đại và y học cổ truyền từ tuyến xã đến tuyến Trung ương.

Lũy kế đến hết tháng 6/2022, toàn ngành BHXH đã giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho gần 6,3 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; giải quyết khoảng 409 nghìn người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết cho gần 65 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú…

Quỹ BHYT hàng năm chi trả rất cao cho người bệnh, mặc dù Quỹ còn rất hạn chế, đóng trung bình trên dưới 1 triệu/người/năm cho cả người đóng cao và thấp. Quỹ BHYT triển khai thanh toán khám chữa bệnh từ trạm y tế xã phường tới bệnh viện tuyến trung ương, người đóng BHYT cao hay BHYT theo hộ gia đình cũng được thanh toán như nhau, thậm chí những đối tượng yếu thế, người nghèo được thanh toán từ 95 - 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc và vật tư hóa chất

Chia sẻ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước trong thời gian qua, ông Lê Văn Phúc cho hay, điều này đã ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân và thường trực Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đã tổ chức họp để phân tích, tháo gỡ về vấn đề này.

BHXH Việt Nam là đơn vị tổ chức thực hiện và đã phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành để xây dựng chính sách BHYT, tham gia đấu thầu thuốc từ Trung ương đến địa phương. Ở các địa phương, BHXH Việt Nam tham gia vào đấu thầu tập trung, theo dõi việc đấu thầu sắp hết hạn hay chưa để có văn bản thông báo kịp thời.

Quỹ BHYT hàng năm chi trả rất cao cho người bệnh, mặc dù Quỹ còn rất hạn chế, đóng trung bình trên dưới 1 triệu/người/năm cho cả người đóng cao và thấp.
Quỹ BHYT hàng năm chi trả rất cao cho người bệnh, mặc dù Quỹ còn rất hạn chế, đóng trung bình trên dưới 1 triệu/người/năm cho cả người đóng cao và thấp.

Theo thống kê, có 7 địa phương đã hết hạn đấu thầu từ năm 2021 mà đến tận tháng 6/2022 chưa làm được kết quả đấu thầu cho năm 2022, làm ảnh hưởng tới việc thiếu thuốc. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tập trung nhân lực đấu thầu thiếu... dẫn đến thiếu thuốc.

Mới đây, Bộ Y tế thông báo đã mở được gói thầu và chuẩn bị công bố kết quả đấu thầu tập trung trong tháng 7. Theo ông Phúc, điều này là rất quan trọng vì gói thầu của Bộ Y tế có tổng giá trị gần 10.000 tỷ đồng, chiếm 1/4 số chi tiền thuốc trong 1 năm. Nếu chậm thầu từ Trung ương thì cũng sẽ ảnh hưởng tới cung ứng thuốc tại các địa phương, vì đó là những loại thuốc rất quan trọng, chủ yếu là thuốc nhóm 1, nhóm 2…

Trước tình trạng đó, BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi BHXH các địa phương yêu cầu bám sát triển khai công tác này; đồng thời, phối hợp với sở y tế các địa phương, triển khai thực hiện mua sắm thuốc, đảm bảo không thiếu thuốc.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng thực hiện công tác giám định, thanh toán một cách nhanh nhất, tạm ứng chi phí cho các cơ sở y tế đầy đủ theo quy định, để tránh bị thiếu tiền khi có kết quả trúng thầu của Bộ Y tế.

BHXH Việt Nam cho biết, đến hết tháng 6/2022, cả nước có trên 17,1 triệu người tham gia BHXH đạt 33,87% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,5 triệu người); gần 14 triệu người tham gia BHTN đạt 27,55% lực lượng lao động trong độ tuổi tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2021; trên 86,8 triệu người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 88,99% dân số.