Hiệu quả tích cực từ tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện tại Quảng Bình

Lê Hà - Đức Bảo

Với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, Quảng Bình được coi là một trong những mô hình “điểm” về phát triển BHXH tự nguyện. Minh chứng là đến hết tháng 5/2022, số người tham gia BHXH tự nguyện của tỉnh này vượt gấp 8,2 lần so với mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra; cao hơn khoảng 5% so với tỷ lệ bình quân chung toàn quốc.

Phát triển BHXH tự nguyện cao hơn 5% bình quân chung toàn quốc

Đánh giá về kết quả phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua, công tác triển khai thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn diễn ra trong điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hậu quả của thiên tai, lũ lụt từ những năm trước.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình.

Tuy nhiên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BHXH Việt Nam; sự phối hợp của các sở, ban, ngành; cùng với nỗ lực vượt khó của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, BHXH tỉnh Quảng Bình cơ bản đã thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, góp phần ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh.

Kết quả, đến hết tháng 5/2022, số người tham gia BHXH do BHXH tỉnh Quảng Bình quản lý là 104.568 người, tăng 478 người so với cuối năm 2021. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc 70.625 người, tăng 383 người so với cuối năm 2021, đạt 93,9% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Đạt được kết quả này là do BHXH Tỉnh đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh rà soát, nắm bắt kịp thời các doanh nghiệp và cơ bản đã khai thác triệt để 100% doanh nghiệp, lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện 5 tháng đầu năm 2022 là 33.943 người, tăng 95 người so với cuối năm 2021, đạt 76% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Kết quả này vượt gấp 8,2 lần so với mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra; cao hơn khoảng 5% so với tỷ lệ bình quân chung toàn quốc.

Những điểm sáng trong phát triển BHXH tự nguyện ở Quảng Bình có thể kể tới như: Tại huyện Quảng Trạch, số người tham gia BHXH tự nguyện là 4.581 người, tăng 39 người so với cuối năm 2021, đạt 75,64% kế hoạch BHXH tỉnh giao; đạt 6,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Hay như tại huyện Bố Trạch, 5 tháng đầu năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện là 6.800 người, đạt gần 86% so với kế hoạch giao năm 2022. Tại huyện Lệ Thủy, số người tham gia BHXH tự nguyện là 4.838 người, tăng 41 người so với cuối năm 2021, đạt 79% kế hoạch BHXH tỉnh giao; đạt 5,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động…

Kiện toàn đại lý thu, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT

Bên cạnh kết quả đạt được trên, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH ở Quảng Bình cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức và chưa đạt kết quả tương xứng với tiềm năng của Tỉnh. Theo BHXH tỉnh Quảng Bình, hiện nay, trên địa bàn Tỉnh vẫn còn 308.309 người chưa tham gia BHXH tự nguyện.

Nhân viên đại lý thu BHXH xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) tuyên truyền về những lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện đến nhóm lao động nông nghiệp để vận động tham gia thụ hưởng quyền lợi lương hưu khi về già.
Nhân viên đại lý thu BHXH xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) tuyên truyền về những lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện đến nhóm lao động nông nghiệp để vận động tham gia thụ hưởng quyền lợi lương hưu khi về già.

Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân là do chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn, nên chưa thu hút được đối tượng tham gia. Cụ thể, theo quy định, BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ dài hạn và ngắn hạn, tuy nhiên người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, điều này làm giảm tính hấp dẫn và hạn chế mong muốn tham gia BHXH tự nguyện.

Mặt khác, trong thời gian dài Nhà nước không có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Từ ngày 1/1/2018, Nhà nước hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, nhưng mức hỗ trợ còn thấp, cụ thể bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người hộ cận nghèo, 10% đối với các đối tượng khác, còn đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được người sử dụng lao động đóng đến 63,63% mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Trong khi đó, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng lương hưu là 20 năm, như vậy là còn khá dài, chưa thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Bê cạnh đó, việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế của người tham gia, tuy nhiên đời sống của nhiều người dân trên địa bàn Tỉnh còn gặp khó khăn do thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh.

Một nguyên nhân khác, theo lãnh đạo BHXH tỉnh Quảng Bình, đối với BHXH tự nguyện, từ tháng 1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng hơn gấp đôi do áp dụng mức chuẩn nghèo nông thôn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng (quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ). Vì vậy, công tác phát triển người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện trên địa bàn Tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, BHXH tỉnh Quảng Bình tập trung thực hiệu quả các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch về thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Mô hình truyền thông về BHXH, BHYT hộ gia đình phát huy hiệu quả ở xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). 
Mô hình truyền thông về BHXH, BHYT hộ gia đình phát huy hiệu quả ở xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). 

Cùng với đó, BHXH tỉnh Quảng Bình chỉ đạo BHXH các huyện tiếp tục kiện toàn hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT, mở rộng việc thu BHXH tự nguyện; phối hợp với các cơ quan chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; triệt để khai thác các doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan thuế nhưng chưa tham gia BHXH trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH trên địa bàn Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT theo hướng tập trung vào nhóm đối tượng là nông dân, lao động khu vực phi chính thức.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trogn quản lý, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN.

Ngoài các giải pháp trên, BHXH Quảng Bình tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra, liên ngành.

Những điểm sáng trong phát triển BHXH tự nguyện ở Quảng Bình có thể kể tới như: Tại huyện Quảng Trạch, số người tham gia BHXH tự nguyện là 4.581 người, tăng 39 người so với cuối năm 2021, đạt 75,64% kế hoạch BHXH tỉnh giao; đạt 6,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Hay như tại huyện Bố Trạch, 5 tháng đầu năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện là 6.800 người, đạt gần 86% so với kế hoạch giao năm 2022. Tại huyện Lệ Thủy, số người tham gia BHXH tự nguyện là 4.838 người, tăng 41 người so với cuối năm 2021, đạt 79% kế hoạch BHXH tỉnh giao; đạt 5,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động…