Hiệu suất của vàng có thể giảm năm 2023
Năm 2023, áp lực tăng lãi suất vẫn còn thì hiệu suất của vàng sẽ có sự sụt giảm, tuy nhiên từ năm 2024 đến 2026, lợi nhuận của vàng sẽ nằm ở mức trung bình khoảng 7% theo giá vàng thế giới.
Khi nhắc đến vàng, nhiều người dân Việt Nam thường nghĩ đây là một tài sản đầu tư, tuy nhiên vàng là một loại hàng hóa có cung có cầu. Những yếu tố mang tính chất vĩ mô đều ảnh hưởng đến giá vàng như: nhu cầu về vàng, đầu tư mua các thỏi vàng trên thế giới, hay những sản phẩm phái sinh, và cuối cùng là nguồn cung.
Bốn yếu tố này đều tác động đến giá vàng, do đó chúng ta phải nhìn vàng với hai phần bao gồm: Một là sự mở rộng của nền kinh tế hoặc trong nền kinh tế đang có yếu tố rủi ro nào. Hai là trong ngắn hạn, xem chi phí cơ hội ra sao. Ví dụ khi lãi suất tăng cao, mọi người sẽ có xu hướng gửi tiền nhiều hơn và giảm sử dụng vàng; hoặc những động lượng khác như các giao dịch mua bán trên thị trường sẽ tạo thành xu hướng của vàng. Nhu cầu về vàng trong thời điểm này ở một số nước cũng tăng cao như ở Ấn Độ, Trung Quốc hay tại Việt Nam trong ngày vía Thần tài 10/1 (âm lịch) khiến giá vàng biến động.
Nhiều người đặt câu hỏi rằng, có nên gom vàng ngày vía Thần tài không? Theo tôi thì không, lý do là nếu là những nhà đầu tư với số vốn nhỏ, ít theo dõi thị trường, phụ thuộc hoàn toàn vào những nhà kinh doanh vàng lớn, không đủ kinh nghiệm thì việc gom vào có thể gây lỗ. Các công ty kinh doanh vàng lớn vốn để nới biên độ mua bán rất cao để phòng tránh việc gom, bán. Cụ thể chênh lệch giữa giá mua và bán lên đến hơn 1 triệu đồng/lượng nên việc gom để bán trong thời gian ngắn không mang lại hiệu quả.
Nhận định về xu hướng giá vàng, vừa qua, chúng tôi đã có chia sẻ về ba kịch bản đối với kinh tế vĩ mô năm 2023, trong đó, điểm nhấn mạnh mà tôi lưu ý vẫn là yếu tố lạm phát. Với kịch bản tiêu cực, sẽ thấy lạm phát dai dẳng và suy thoái sâu vào năm nay; Kịch bản cơ sở là lạm phát vừa phải, suy thoái nhẹ; và Kịch bản tích cực là lạm phát suy giảm, kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2023.
Gần đây, trong báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC) năm 2023, cũng có một chủ đề là “Nền kinh tế thế giới ở ngã tư đường”. Nghĩa là nó có thể rẽ sang bất cứ hướng nào và các kịch bản của chúng tôi cũng trùng khớp với các phân tích của WGC. Theo đó, nếu nền kinh tế suy thoái trầm trọng thì sẽ là điểm tích cực cho vàng, vì vàng luôn thể hiện rõ là một tài sản phòng thủ. Còn nếu kinh tế suy thoái nhẹ thì quan điểm về giá vàng là ổn định và sẽ tăng nhẹ.
Với kịch bản này, lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở mức cao nhất là 5% và cuối năm sẽ giảm xuống mức 4,6%, lợi suất trái phiếu tăng nhẹ, đồng USD sẽ giảm và suy thoái nhẹ. Ở góc độ nền kinh tế và các rủi ro như lạm phát được hãm lại, bên cạnh đó là các yếu tố tích cực khác như Trung Quốc mở cửa trong quý 1/2023, giá hàng hóa giảm, sau đó tăng trưởng trở lại. Đặc biệt căng thẳng về địa chính trị ở nhiều khu vực được giữ nguyên. Tuy nhiên, các yếu tố bất ổn về địa chính trị vẫn đang ở mức cao và như vậy, vàng vẫn có tác dụng là tài sản phòng vệ. Điều này vô cùng quan trọng vì khi căng thẳng xảy ra, thị trường tài chính sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, nhưng vàng là một tài sản bảo vệ vì khi đó giá vàng tăng rất cao.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố liên quan như hiệu suất của vàng so với trái phiếu chính phủ hay cổ phiếu. Tại Mỹ, trong những thời kỳ đình lạm, vàng đều phát huy tác dụng, tăng trưởng của vàng lên đến 35% so với cổ phiếu hoặc trái phiếu. Kể cả trong thời kỳ lạm phát hay giảm phát, so với các loại hàng hóa khác, giá vàng đều phát huy tác dụng của mình đó là tốc độ tăng trưởng trung bình một năm trong thời kỳ lạm phát thấp khoảng 7%, còn trong thời kỳ lạm phát cao là khoảng 13%. Do đó, đây luôn luôn là một tài sản phòng vệ chiến lược của nhà đầu tư.
Với những phân tích trên, tôi muốn nhấn mạnh rằng đối với một lớp tài sản, nhà đầu tư đừng chỉ chú ý đến giá tăng - giảm, mà nên đặt nó trong một bối cảnh cụ thể khi nào sẽ tăng và khi nào sẽ giảm. Theo quan điểm của tôi, triển vọng tăng trưởng của giá vàng thế giới sẽ rất cao.
Đối với thị trường Việt Nam, từ năm 2024 đến 2026, lợi nhuận của vàng sẽ nằm ở mức trung bình khoảng 7% theo giá vàng thế giới. Riêng trong năm 2023, áp lực tăng lãi suất vẫn còn thì hiệu suất của vàng sẽ có sự sụt giảm.
Trên thị trường vàng có hai loại là vàng SJC và vàng nhẫn. Hiện giá vàng SJC chênh lệch so với giá vàng thế giới khoảng gần 12 triệu đồng một lượng, còn giá vàng nhẫn đi theo sát hơn, thậm chí có thời điểm còn thấp hơn cả giá thế giới do biến động về tỷ giá chưa được phản ánh vào hết.
Vậy nếu mua vàng SJC sẽ có một khoảng chênh cao đòi hỏi nhà đầu tư có chấp nhận rủi ro đó không? Về cách đầu tư vàng, chúng ta cần làm rõ vàng là lớp tài sản đầu tư nhưng mang tính chất phòng vệ khỏi các rủi ro thị trường, như rủi ro về chính trị, xung đột vũ trang, hay trên thị trường có các yếu tố khác xảy ra khiến thị trường tài chính sụt giảm.
Đặc biệt, sự tăng trưởng của vàng, tuy là tài sản phòng vệ nhưng bền vững trong một thời gian dài. Nhà đầu tư cần phải hiểu các yếu tố ảnh hưởng, cần khoảng thời gian dài và hấp thụ cả những vấn đề về lạm phát, biến động tỷ giá Việt Nam đồng.
Có thể nói, vàng là một tài sản rất thú vị khi vừa mang tính quốc tế lại vừa mang tính Việt Nam. Môi trường vĩ mô của Việt Nam trong năm 2023 vẫn còn yếu tố bất ổn khi mục tiêu lạm phát được đưa ra ở mức cao hơn và các vấn đề về trái phiếu vẫn chưa được xử lý. Vì vậy nếu giá vàng thế giới có sụt giảm, thì giá vàng trong nước cũng không giảm vì mức chênh vẫn còn khá cao.