Vàng sẽ bùng nổ trong năm 2023?


Theo chuyên gia, mặc dù lãi suất liên tục tăng thời gian vừa qua nhưng đến nay giá vàng thế giới vẫn giữ được mức giá tốt, vì vậy khả năng giá vàng trong năm 2023 sẽ có triển vọng bùng nổ.

Trong lịch sử, các chu kỳ thắt chặt tiền tệ sẽ kết thúc trong một cơn suy thoái và suy thoái càng nghiêm trọng, vàng càng tỏa sáng
Trong lịch sử, các chu kỳ thắt chặt tiền tệ sẽ kết thúc trong một cơn suy thoái và suy thoái càng nghiêm trọng, vàng càng tỏa sáng

Giá vàng thế giới đã giảm 13 USD/ounce xuống còn 1.786 USD/ounce vào sáng ngày 20/12. Hiện giá vàng đang giữ mức quanh 1.800 USD/ounce, tương ứng mức tăng 11% trong năm 2022.

Ông Eric Strand, nhà quản lý danh mục đầu tư và sáng lập sàn giao dịch khai thác vàng AuAG ESG được niêm yết tại châu Âu nhìn nhận, triển vọng năm 2023 có thể chỉ là khởi đầu của một đợt tăng giá mới đối với vàng, vượt qua mức 2.100 USD/ounce (tương đương 60,25 triệu đồng/lượng). Nhu cầu vàng của các nhà đầu tư đã yếu đi trong hầu hết năm 2022 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ, nhằm nỗ lực hạ nhiệt lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm.

Đưa ra dự báo về giá vàng trong năm tới, ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Tổng giám đốc công ty Vàng Việt Nam (Viet Nam Gold) cho biết: “Khi trao đổi về triển vọng giá vàng thế giới trong quý III -IV/2022, tôi có đề cập đến việc giá vàng thế giới sẽ trở lại mức 1800 -1900 USD/ounce. Tính từ thời điểm đầu năm 2022 đến nay, gần như giá vàng thế giới không giảm mà tăng nhẹ trong khi tất cả các tài sản khác như chứng khoán, tiền điện tử có mức giảm tương đối lớn. Trong suốt thời gian vừa qua, mặc dù lãi suất liên tục tăng nhưng đến nay giá vàng thế giới vẫn giữ được mức giá tốt, vì vậy khả năng giá vàng trong năm 2023 sẽ có triển vọng bùng nổ”.

Lý giải về việc giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn có sự chênh lệch, ông Hưng phân tích, trong giai đoạn có tín hiệu lạm phát lớn thì nhu cầu mua vàng miếng của người dân Việt Nam đã tăng rất cao trong khi nguồn cung hạn hẹp, dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng SJC và các loại vàng khác, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng một lượng. Nhưng hiện nay, mức chênh lệch đó đã giảm một phần vì nhu cầu trong nước giảm đi do lãi suất ngân hàng tăng cao, nhiều người dân có động thái bán vàng ra để gửi tiết kiệm. Đồng thời giá vàng thế giới chưa có sự bứt phá nào trong năm 2022, nên nhu cầu vàng của người dân cũng ko tăng.

Trong thời gian sắp tới, mức chênh lệch này có thể còn được thu hẹp hơn khi giá vàng thế giới quay trở lại mốc 1.900 – 2.000 USD/ounce. Còn thời điểm này nhu cầu mua vàng miếng của người Việt Nam vẫn chưa có gì đột phá.

“Nếu Fed tăng lãi suất trong ngắn hạn thì không chỉ vàng mà tất cả các tài sản khác đều bị giảm giá. Nhưng tính đến thời điểm này, lãi suất của Mỹ đã ở mức khoảng 4% và giá vàng thế giới vẫn ở mức 1.800 USD/ounce. Do vậy ngắn hạn có thể bị ảnh hưởng nhưng trong dài hạn thì gần như việc lãi suất cao sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc giảm giá vàng, còn nếu trong trường hợp Fed có một tín hiệu quay đầu cắt giảm lãi suất, thì khi đó vàng chắc chắn sẽ tăng giá”, ông Hưng lạc quan.

Quan điểm này cũng đã được ông Juan Carlos Artigas, Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) đưa ra trước đó, rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ chưa từng có của ngân hàng trung ương để hạ nhiệt lạm phát, đẩy nền kinh tế toàn cầu đến bước ngoặt lớn. Chính trong môi trường bất ổn, vàng đã thể hiện giá trị. Trong lịch sử, các chu kỳ thắt chặt tiền tệ sẽ kết thúc trong một cơn suy thoái và suy thoái càng nghiêm trọng, vàng càng tỏa sáng.

Trong báo cáo của WGC, các chuyên gia đã nhấn mạnh, vàng có lợi nhuận dương trong 5/7 cuộc suy thoái vừa qua. “Tăng trưởng kinh tế giảm mạnh là đủ để vàng hoạt động tốt, đặc biệt nếu lạm phát vẫn duy trì ở mức cao hoặc tăng tiếp. Tăng trưởng giảm mạnh là đủ để vàng hoạt động tốt, đặc biệt nếu lạm phát cũng cao hoặc đang tăng”.

Theo Diễm Ngọc/Diendandoanhnghiep.vn