Hiểu thế nào về bảo lãnh ngân hàng - hoạt động không chịu thuế GTGT
Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành quy định 25nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT, trong đó có một số dịch vụ thuộc lĩnh vực tài chính như: cấp tín dụng, kinh doanh chứng khóan, chuyển nhượng vốn, dịch vụ tài chính phái sinh, một số loại hình dịch vụ bảo hiểm.

Những dịch vụ này được cung cấp bởi các tổ chức chuyên ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm thực hiện. Tuy nhiên, các tổ chức này còn được thực hiện những dịch vụ khác thuộc diện phải chịu thuế GTGT mặc dù chúng là hệ lụy phát sinh của các giao dịch tài chính. Thí dụ, việc tổ chức tín dụng bán tài sản bảo đảm nợ vay phát sinh khi người nhận tín dụng (Bên đi vay) không hòan thành nghĩa vụ trả nợ; Ngân hàng chuyển tiền cho vay để thanh tóan cho người thụ hưởng theo yêu cầu của Bên đi vay.
Trong công tác quản lý thuế, việc thống nhất cách hiểu và thực thi các quy định về thuế GTGT đối với các dịch vụ tài chính trong nhiều trường hợp không đơn giản chút nào. Đáp ứng yêu cầu của đông đảo bạn đọc, bắt đầu từ số này chúng tôi sẽ đăng tải một số bài viết liên quan đến dịch vụ tài chính.
1- Dịch vụ bảo lãnh trong quan hệ giao dịch dân sự
Trong giao dịch dân sự ở nước ta, Bộ Luật dân sự ngày 14/6/2005 đã dành 5 chương (từ chương 17 đến chương 21 với 351 điều quy định về Nghĩa vụ dân sự và Hợp đồng dân sự. Trong đó, quyền và nghĩa vụ dân sự, trách nhiệm dân sự, việc chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ dân sự và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là các quy định gốc, mang tính nguyên tắc cơ bản nhất để các tổ chức, cá nhân trong xã hội triển khai thực hiện các giao dịch dân sự. Các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như: cầm cố tài sản (các điều 326-341), thế chấp tài sản (các điều 342-357), đặt cọc (điều 358), ký cược (điều 359), ký quỹ (điều 360), bảo lãnh (các điều 361-371), tín chấp (các điều 372-373) là cơ sở để xây dựng và xử lý các vấn đề về tài chính của các bên trong giao dịch dân sự. Đây cũng là cơ sở để các tổ chức, cá nhân triển khai các dịch vụ tài chính, là những dịch vụ liên quan đến sự vận động của các luồng vốn, các nguồn lực trong xã hội . Xét về bản chất kinh tế, các dịch vụ tài chính thuộc dạng này không phải là giao dịch mua/bán hàng hóa, dịch vụ thuần túy trừ phi hàng hóa dịch vụ được “gán ép” hoặc bắt buộc phải chuyển giao quyền sở hữu giữa các bên liên quan để thực hiện bảo đảm nghĩa vụ đã cam kết trong giao dịch dân sự. Với đạo lý đó mà nhiều nước trên thế giới hiện nay đã không áp dụng chế độ thuế GTGT đối với các dịch vụ tài chính phát sinh trong quá trình bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Về hoạt động dịch vụ bảo lãnh, theo Điều 361 Bộ Luật dân sự thì: Bảo lãnh là việc người thứ ba (Bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (Bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (Bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà Bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi Bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc bảo lãnh nhất thiết phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực. Xét về phạm vi, Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho Bên được bảo lãnh. Nghĩa vụ bảo lãnh thường bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Do thực hiện cam kết bảo lãnh, gánh chịu rủi ro cho Bên được bảo lãnh cho nên Bên bảo lãnh được hưởng thù lao. Đương nhiên, quyền được hưởng thù lao phải có sự thỏa thuận giữa Bên bảo lãnh và Bên được bảo lãnh.
Trong đời sống thực tiễn cũng phát sinh khá phổ biến trường hợp nhiều người cùng bảo lãnh (đồng bảo lãnh) khi mà một người không đủ năng lực tài chính để thực hiện việc bảo lãnh trọn vẹn một nghĩa vụ. Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì họ phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; Bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Điều hiển nhiên là: khi một người trong số những người đồng bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho Bên được bảo lãnh thì người đó có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.
Khi đã có giao kết bảo lãnh, Bên bảo lãnh phải thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thay cho Bên được bảo lãnh. Cam kết bảo lãnh cũng được pháp luật quy định rất chặt chẽ bằng tài sản bảo đảm của chính người bảo lãnh. Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho Bên được bảo lãnh, mà Bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì Bên bảo lãnh bắt buộc phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho Bên nhận bảo lãnh.
2- Dịch vụ bảo lãnh ngân hàng
Bảo lãnh ngân hàng ngày càng được khách hàng sử dụng rộng rãi như một loại hình dịch vụ không thể thiếu, bao gồm cả các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo lãnh phát sinh khi khách hàng cần Ngân hàng chứng minh năng lực tài chính, khả năng thanh toán của mình hoặc cần Ngân hàng chứng minh khả năng thực hiện các cam kết của hợp đồng. Các ví dụ điển hình về bảo lãnh thường thấy bao gồm: (i) Chứng minh năng lực tài chính khi tham gia đấu thầu, khi ký kết các hợp đồng kinh tế, (ii) Bảo lãnh của Ngân hàng cho doanh nghiệp khi mua hàng trả chậm, (iii) Bảo lãnh thực hiện hợp đồng, (iv) Bảo lãnh tài chính cho các học sinh và sinh viên Việt nam có điều kiện đi du học tại các trường Đại học nổi tiếng trên thế giới, (v) Bảo lãnh của một ngân hàng hoặc một tổ chức tài chính nhà nước để doanh nghiệp vay vốn của một ngân hàng khác,…
Bảo lãnh ngân hàng được xem như là một loại hình tín dụng đặc biệt bởi nhờ có nó mà một cá nhân hay một doanh nghiệp không phải bỏ ra một khỏan tiền vốn (hoặc không phải đi vay) để đặt cọc, giam chân tại chỗ nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình trong giao kết dân sự với đối tác. Bảo lãnh ngân hàng đã và đang mang tới các lợi ích cho khách hàng như: (i) Góp phần hạn chế sử dụng nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp; (ii) Hạn chế việc sử dụng tiền mặt, qua đó tăng cường tính an toàn trong giao dịch; (iii) Giảm thiểu rủi ro trong trường hợp người mua và người bán không biết nhau; (iv) Tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên liên quan; và, (v) Nâng cao vị thế, vai trò và uy tín của doanh nghiệp trong quan hệ với đối tác,...
Về khung khổ pháp lý đối với dịch vụ bảo lãnh ngân hàng: Luật các tổ chức tín dụng số 07/1997/QH10 đã có quy định tại Điều 49: “Tổ chức tín dụng được cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân dưới các hình thức cho vay, chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá khác, bảo lãnh, cho thuê tài chính và các hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.” Tiếp theo, tại Điều 20 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (Luật số 20/2004/QH11 ngày 15/6/2004) quy định cụ thể hơn: “12. Bảo lãnh ngân hàng là cam kết bằng văn bản của tổ chức tín dụng với bên có quyền về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng số tiền đã được trả thay.”
Triển khai thực hiện Luật các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quy chế bảo lãnh ngân hàng (Quyết định số 26/2006/QĐ-NHHH ngày 26/6/2006). Theo đó, “Bảo lãnh ngân hàng” là sự cam kết bằng văn bản của tổ chức tín dụng (Bên bảo lãnh) với bên có quyền (Bên nhận bảo lãnh) về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng (Bên được bảo lãnh) khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh. Khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng số tiền đã được trả thay.
Cam kết bảo lãnh bằng văn bản bảo lãnh của Tổ chức tín dụng có thể bao gồm các hình thức là Thư bảo lãnh; và/hoặc Hợp đồng bảo lãnh. Với hình thức “Thư bảo lãnh”, Tổ chức tín dụng thực hiện cam kết đơn phương bằng văn bản về việc tổ chức này sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với Bên nhận bảo lãnh. Trong khi đó, “Hợp đồng bảo lãnh” là thoả thuận bằng văn bản giữa Tổ chức tín dụng và Bên nhận bảo lãnh hoặc giữa Tổ chức tín dụng, Bên nhận bảo lãnh, khách hàng và các bên liên quan (nếu có) về việc Tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với Bên nhận bảo lãnh. Rõ ràng là, hình thức Hợp đồng bảo lãnh tỏ ra phức tạp hơn bởi cam kết của nhiều bên trong giao dịch dân sự; tuy nhiên, do cụ thể hơn, chặt chẽ hơn về trách nhiệm, tính pháp lý có vẻ cao hơn nên Bên nhận bảo lãnh thường thích loại hình này. Trái lại, tâm lý của Bên được bảo lãnh thường quan tâm nhiều hơn và thích lựa chọn hình thức Thư bảo lãnh hơn hình thức Hợp đồng bảo lãnh. Đây chính là điểm lợi thế, mang lại nhiều cơ hội béo bở cho các tổ chức tín dụng và các nhân viên của họ sẵn sàng khai thác triệt để.
3- Các loại bảo lãnh ngân hàng
Theo Điều 5 của Quy chế bảo lãnh ngân hàng, hiện nay có các loại bảo lãnh dưới đây:
(1). Bảo lãnh vay vốn: là cam kết của Tổ chức tín dụng với Bên nhận bảo lãnh về việc sẽ trả nợ thay cho khách hàng trong trường hợp khách hàng không trả hoặc không trả đầy đủ, đúng hạn nợ vay đối với Bên nhận bảo lãnh.
(2). Bảo lãnh thanh toán: là cam kết của Tổ chức tín dụng với Bên nhận bảo lãnh, về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho khách hàng trong trường hợp khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn.
(3). Bảo lãnh dự thầu: là cam kết của của Tổ chức tín dụng với Bên mời thầu để bảo đảm nghĩa vụ tham gia dự thầu của khách hàng. Trường hợp, khách hàng phải nộp phạt do vi phạm quy định đấu thầu mà không nộp hoặc không nộp đầy đủ tiền phạt cho Bên mời thầu thì Tổ chức tín dụng sẽ thực hiện thay.
(4). Bảo lãnh thực hiện hợp đồng: là cam kết của Tổ chức tín dụng với Bên nhận bảo lãnh, bảo đảm việc thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của khách hàng theo hợp đồng đã ký kết với Bên nhận bảo lãnh. Trường hợp khách hàng vi phạm hợp đồng và phải bồi thường cho Bên nhận bảo lãnh mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì Tổ chức tín dụng sẽ thực hiện thay.
(5). Bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm: là cam kết của của Tổ chức tín dụng với Bên nhận bảo lãnh, bảo đảm việc khách hàng thực hiện đúng các thoả thuận về chất lượng của sản phẩm theo hợp đồng đã ký kết với Bên nhận bảo lãnh. Trường hợp khách hàng vi phạm chất lượng sản phẩm và phải bồi thường cho Bên nhận bảo lãnh mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì Tổ chức tín dụng sẽ thực hiện thay.
(6). Bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước: là cam kết của Tổ chức tín dụng với Bên nhận bảo lãnh về việc bảo đảm nghĩa vụ hoàn trả tiền ứng trước của khách hàng theo hợp đồng đã ký kết với Bên nhận bảo lãnh. Trường hợp khách hàng vi phạm hợp đồng và phải hoàn trả tiền ứng trước mà không hoàn trả hoặc hoàn trả không đầy đủ thì Tổ chức tín dụng sẽ thực hiện thay.
(7). “Bảo lãnh đối ứng” là cam kết của Tổ chức tín dụng (Bên bảo lãnh đối ứng) với Bên bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Bên bảo lãnh trong trường hợp Bên bảo lãnh thực hiện bảo lãnh và phải trả thay cho khách hàng của Bên bảo lãnh đối ứng với Bên nhận bảo lãnh.
(8). “Xác nhận bảo lãnh” là cam kết bảo lãnh của Tổ chức tín dụng (Bên xác nhận bảo lãnh) đối với Bên nhận bảo lãnh, về việc bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Bên bảo lãnh đối với khách hàng.
(9). Các loại bảo lãnh khác pháp luật không cấm và phù hợp với thông lệ quốc tế.
4- Bảo lãnh ngân hàng - Hoạt động không chịu thuế GTGT
Căn cứ vào quy định tại Khỏan 8, Điều 5 của Luật thuế GTGT (Luật số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008); quy định tại Khỏan 4(a), Điều 3 Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về dịch vụ bảo lãnh không thuộc diện chịu thuế GTGT. Theo đó, tại điểm 8, mục II, phần A Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 có quy định: “a) Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức: cho vay; chiết khấu và tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật do các tổ chức tài chính, tín dụng tại Việt Nam cung ứng.”
Quá trình thực hiện các quy định trên đã có những cách hiểu và vận dụng chưa thống nhất giữa các địa phương trong cả nước, gây tâm lý quan ngại giữa các tổ chức tín dụng cũng như giữa các đơn vị trực thuộc của từng tổ chức. Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến thắc mắc của các địa phương và một số tổ chức tín dụng, ngày 18/3/2010, Bộ Tài chính có văn bản giải thích, hướng dẫn số 3316/BTC-CST gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chúng tôi cho rằng văn bản này đã tháo gỡ được những vướng mắc lâu nay đối với các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tại một số nơi vẫn còn có những ý kiến khác do chưa thống nhất cách hiểu về nội hàm, thực chất của hoạt động bảo lãnh trên giác độ tín dụng. Như đã đề cập ở phần trên, bảo lãnh ngân hàng với hình thức biểu hiện cụ thể của dịch vụ này là “Thư bảo lãnh” hoặc “Hợp đồng bảo lãnh” thực chất là hoạt động cấp tín dụng đặc biệt. Điểm đặc biệt ở đây là không có sự xuất hiện ngay khỏan thực vay, chưa xuất hiện việc trả tiền của một ngân hàng/tổ chức tín dụng với tư cách là Bên bảo lãnh khi Bên được bảo lãnh tự mình thực hiện đúng cam kết nghĩa vụ dân sự với bên đối tác (chưa phải dùng đến quyền bảo đảm, bảo hộ từ Bên bảo lãnh). Chỉ khi nào một doanh nghiệp với tư cách là Bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ cam kết thì khi đó ngân hàng/tổ chức tín dụng với tư cách là Bên bảo lãnh cho doanh nghiệp kia mới phải thực hiện “trả tiền tươi” cho Bên nhận bảo lãnh (là đối tác của doanh nghiệp kia) thì khỏan tín dụng bắt buộc mới xuất hiện - ngân hàng thực hiện cho vay bắt buộc để thực hiện cam kết bảo lãnh. Thiết nghĩ cả 2 phía cơ quan thuế và các tổ chức tín dụng cần có cách giải thích thật cụ thể, thật đơn giản để cùng thống nhất cách hiểu về hoạt động bảo lãnh ngân hàng thuộc diện không chịu thuế GTGT. Qua chuyên mục này, chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được ý kiến đề xuất của bạn đọc về cách làm, cách giải thích dễ hiểu cho cả cơ quan thuế và các ngân hàng về bảo lãnh ngân hàng cùng với những nghiệp vụ phát sinh từ bảo lãnh.