Hình thành phong trào áp dụng MFCA trong doanh nghiệp
Công cụ cải tiến MFCA không chỉ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận mà còn giúp cải thiện hoạt động môi trường và đóng góp cho sự phát triển bền vững.
Mô hình MFCA được viết tắt từ “Material Flow Cost Accounting” trong tiếng Anh, có nghĩa là quản lý chi phí dòng nguyên liệu. Đây là phương pháp quản lý, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu được giới thiệu từ những năm 1990 tại Đức và hiện tại đang được áp dụng rộng rãi tại các công ty của Nhật Bản.
Phương pháp MFCA cũng đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành thành tiêu chuẩn 14051:2011.
Công cụ cải tiến MFCA không chỉ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận mà còn giúp cải thiện hoạt động môi trường và đóng góp cho sự phát triển bền vững.
Được biết, MFCA có thể áp dụng cho mọi tổ chức sử dụng nguyên vật liệu và năng lượng, bất kể sản phẩm, dịch vụ, quy mô, cấu trúc, vị trí và hệ thống quản lý và kế toán hiện có của tổ chức.
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Việt Nam hiện nay thường xuyên phải đối mặt với những sức ép từ đối thủ cạnh tranh, khách hàng và các bên hữu quan khác về chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng, lợi nhuận...
Để giải tỏa sức ép này, doanh nghiệp phải hợp lý hóa sản xuất, giảm lãng phí, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
MFCA là một trong những công cụ có thể vừa hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa giảm số lượng nguyên liệu tiêu thụ, giảm chất thải và giảm đi chi phí môi trường.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; sản xuất sản phẩm từ gỗ đã khá tích cực áp dụng MFCA.
Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp đã xây dựng nền tảng cho khoa học quản lý doanh nghiệp dựa trên mô hình quản lý tiên tiến, tiêu chuẩn hóa hoạt động doanh nghiệp. Doanh nghiệp tiếp cận, xử lý quá trình sản xuất khoa học hơn. Việc sử dụng nguyên liệu, năng lượng, máy móc thiết bị một các khoa học, tăng hiệu suất sử dụng, tiết kiệm chi phí…
Thông qua 40 nghiên cứu điển hình (trong ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống và sản xuất sản phẩm từ gỗ) áp dụng MFCA với 73 đề tài cải tiến, nhiệm vụ cho thấy đã giúp 40 doanh nghiệp tiết kiệm được gần 6,6 tỷ đồng/năm; trong khi chi phí đầu tư là 1,23 tỷ đồng và thời gian hoàn vốn trung bình khoảng 3 tháng.
Trong 40 doanh nghiệp áp dụng, chỉ có 5 doanh nghiệp có đầu tư kinh phí để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho các đề tài cải tiến. 35 doanh nghiệp còn lại không phải đầu tư gì thêm (ngoài công lao động, chi phí mở những khóa đào tạo kỹ năng, tay nghề... của cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp).
Nhiều chuyên gia về năng suất, chất lượng cho rằng thời gian tới cần hình thành phong trào áp dụng rộng rãi các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng tại các địa phương và doanh nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp trọng điểm.
Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực cho các chuyên gia tư vấn về năng suất, chất lượng đối với các công cụ năng suất, chất lượng; xây dựng đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp...