Hộ kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam


Với quy mô khoảng 8,8 triệu cơ sở, tạo việc làm cho hơn 12 triệu lao động, đóng góp gần 23% vào tổng GDP của cả nước, khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực kinh tế phi chính thức ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, khu vực này cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức để có thể phát huy vai trò đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam. Bài viết phân tích vai trò của khu vực hộ kinh doanh cá thể và khu vực kinh tế phi chính thức, đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ xây dựng thành công mô hình tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam.

Tổng quan về tăng trưởng bao trùm và hộ sản xuất kinh doanh cá thể

Về tăng trưởng bao trùm

Khái niệm tăng trưởng bao trùm được sử dụng để chỉ quá trình tăng trưởng không chỉ tạo ra các cơ hội kinh tế mà còn đảm bảo cho tất cả các thành viên trong xã hội đều có thể tiếp cận được các cơ hội này một cách công bằng.

Tăng trưởng được coi là có tính bao trùm khi cho phép tất cả các thành viên xã hội tham gia và hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng, bất kể hoàn cảnh cá nhân của họ (Zhuang và Ali, 2010). Nói cách khác, tăng trưởng bao trùm là tăng trưởng kinh tế nhanh, lợi ích có được từ quá trình tăng trưởng được phân phối công bằng nhằm tạo cơ hội phát triển cho tất cả các thành viên trong xã hội.

Hộ kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam - Ảnh 1

Để đạt được sự tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam cần có 3 trụ cột chính: (i) Tăng cơ hội việc làm hiệu quả thông qua nâng cao năng suất lao động; (ii) Nâng cao năng lực thông qua cải thiện cung ứng dịch vụ xã hội, đặc biệt là y tế và giáo dục; (iii) Nâng cao khả năng chống chịu của con người thông qua mở rộng và tăng cường hệ thống an sinh xã hội. Dựa vào các trụ cột này, bài viết phân tích các yếu tố liên quan để làm rõ vai trò của hộ sản xuất kinh doanh cá thể (SXKDCT) và khu vực kinh tế phi chính thức tới tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam.

Về hộ sản xuất kinh doanh cá thể

Theo khái niệm của Tổng cục Thống kê, hộ SXKDCT được sử dụng để đề cập đến những đơn vị kinh doanh được sở hữu bởi một cá nhân hay hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp và không đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp (DN). Quy mô tối đa của một hộ SXKDCT là 10 lao động vì theo Luật DN, bất kỳ hộ kinh doanh nào có trên 10 lao động thường xuyên, bắt buộc phải đăng ký thành lập DN. Như vậy, hộ SXKDCT không phải là DN nhưng có thể là hộ SXKDCT có giấy đăng ký kinh doanh hoặc là hộ SXKDCT không có giấy đăng ký kinh doanh.   

Về khu vực kinh tế phi chính thức

Khu vực kinh tế phi chính thức là “cơ sở kinh tế thuộc sở hữu tư nhân, sản xuất một phần hàng hóa và dịch vụ để mua bán hoặc trao đổi, chưa đăng ký kinh doanh (không có giấy đăng ký kinh doanh) và tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp”. Như vậy, khu vực kinh tế phi chính thức bao gồm toàn bộ các hộ SXKDCT không có giấy đăng ký kinh doanh.

Vai trò của hộ kinh doanh cá thể và khu vực kinh tế phi chính ở Việt Nam

Khu vực kinh tế phi chính thức ngày càng có vị trí và đóng góp quan trọng vào kinh tế - xã hội đất nước. Không chỉ tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào GDP khu vực này còn tạo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế. Cụ thể:

Tạo việc làm cho người lao động

Xem xét thay đổi về quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức theo số hộ SXKDCT có thể thấy, khu vực này đã giảm từ hơn 7,2 triệu hộ năm 2007 xuống còn 6,4 triệu hộ vào năm 2017 (Hình 2). Cũng trong giai đoạn 2007 - 2017, số hộ SXKDCT chính thức đã tăng từ 1,8 triệu hộ lên 5,4 triệu hộ, quy mô của hộ SXKDCT và khu vực kinh tế phi chính thức giảm không đáng kể từ 9,07 triệu hộ năm 2007 xuống 8,86 triệu hộ năm 2017. Kết quả này cho thấy, dù tốc độ giảm chậm nhưng đã có xu hướng chính thức hóa trong khu vực hộ SXKDCT ở Việt Nam giai đoạn 2007-2017.

Hộ kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam - Ảnh 2

Khu vực kinh tế phi chính thức là khu vực tạo ra nhiều việc làm thứ 2, sau khu vực nông nghiệp (khoảng gần 11 triệu việc làm năm 2007 và lên tới hơn 12 triệu việc làm năm 2017). Tỷ lệ lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức đã giảm từ 23,8% năm 2007 xuống còn 21% năm 2014 và tăng trở lại 22,8% năm 2017. Ngược lại, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực hộ SXKDCT đã tăng từ 8% năm 2007 lên 10,6% năm 2017.

Như vậy, nếu tính cả khu vực hộ SXKDCT và khu vực kinh tế phi chính thức, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực này đã tăng từ 31,8% lên 33,4% trong giai đoạn 2007-2017. Việc tăng lên trong tỷ lệ lao động ở khu vực hộ SXKDCT đồng nghĩa với việc khu vực này đã hấp thụ phần nào sự giảm xuống của lao động trong nông nghiệp từ 49% năm 2007 xuống còn 40% năm 2017.  

Rõ ràng, theo khía cạnh tạo việc làm, với khoảng 1/3 số việc làm được tạo ra hàng năm khu vực hộ SXKDCT và khu vực kinh tế phi chính thức đóng vai trò quan trọng. Việc cải thiện năng suất lao động trong khu vực này sẽ hỗ trợ rất lớn cho trụ cột thứ nhất để đảm bảo sự thành công của mô hình tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam.   

Đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội

Tổng giá trị gia tăng của khu vực hộ SXKDCT cho nền kinh tế quốc dân hàng năm là gần 472 nghìn tỷ đồng. Khu vực này cũng đóng góp tới 14,7% vào GDP phi nông nghiệp của Việt Nam (Oudin, 2017). Tính chung cả khu vực hộ SXKDCT, đóng góp của khu vực này lên tới 27,7% trong GDP phi nông nghiệp và khoảng 22,6% trong tổng GDP ở Việt Nam.

Số liệu sử dụng ở đây được ước lượng từ điều tra HBIS 2014/15. Đây là cuộc điều tra cấp quốc gia đầu tiên về hộ SXKDCT theo phương pháp 1-2-3, có mức độ bao phủ rộng hơn các điều tra khác và được thực hiện với một phương pháp chuyên dụng để tính giá trị gia tăng. Do đó, ước tính đóng góp của hộ SXKDCT và khu vực kinh tế phi chính thức trong GDP của Việt Nam từ bộ số liệu này là căn cứ tham khảo trong các nghiên cứu tại Việt Nam.

Kết quả ước tính từ điều tra HBIS đánh giá lại sự đóng góp của hộ SXKDCT vào GDP, bởi Tổng cục Thống kê chỉ công bố các số liệu về giá trị gia tăng cho từng ngành, không đưa ra các con số tính toán GDP cho từng khu vực hộ SXKDCT chính thức và phi chính thức. Điều này cho thấy, đóng góp của hộ SXKDCT trong GDP đã bị đánh giá thấp hơn so với thực tế là 291 nghìn tỷ đồng. Con số ước tính mới là 891 nghìn tỷ đồng, bằng 48,5% cao hơn so với ước tính dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê (600 nghìn tỷ đồng).

Tạo nên sự “dẻo dai” cho nền kinh tế trước những “cú sốc” bất lợi

Khu vực hộ SXKDCT cũng được coi là lựa chọn tốt nhất trong số những cơ hội việc làm sẵn có trên thị trường lao động Việt Nam. Ba lý do chủ yếu để thành lập hộ SXKDCT hơn là tìm một việc làm có sẵn trên thị trường, bao gồm: (i) Được kinh doanh độc lập; (ii) Dung hòa giữa công việc và gia đình; (iii) Do truyền thống gia đình. Kết quả điều tra hộ SXKDCT và khu vực phi chính thức năm 2014 cho thấy, hơn 50% chủ hộ SXKDCT ưu tiên lựa chọn hoạt động SXKD của hộ gia đình và họ hài lòng với lựa chọn đó.

Chỉ có gần 1/3 số chủ hộ SXKDCT muốn dừng sản xuất để đi làm thuê cho một DN khác với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Như vậy, lựa chọn làm việc trong khu vực hộ SXKDCT của người lao động được xác định là yếu tố chủ quan. Dựa trên cơ sở nguồn lực hiện có và kinh nghiệm thực tế lựa chọn làm việc trong khu vực hộ SXKDCT là lựa chọn tốt nhất so với các lựa chọn khác trên thị trường.

Hộ kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam - Ảnh 3

Hơn nữa, việc thành lập hộ SXKDCT của các chủ hộ là một hoạt động bổ trợ cho các hoạt động khác mà họ đang thực hiện. Khoảng 1/3 chủ hộ SXKDCT có công việc thứ 2 ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại. Trong số hộ SXKDCT thì nhóm hộ phi chính thức, tỷ lệ chủ hộ có công việc thứ 2 cao hơn (31%) so với nhóm hộ chính thức (24%) (Hình 3).

Mặt khác, tỷ lệ chủ hộ SXKDCT có công việc thứ 2 ở khu vực nông thôn cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng ở khu vực thành thị. Cụ thể, gần 50% số chủ hộ SXKDCT trong ngành chế biến, chế tạo và xây dựng ở khu vực nông thôn có công việc thứ 2, trong khi tỷ lệ này ở khu vực thành thị chỉ là 25%. Sở dĩ có sự khác biệt lớn giữa thành thị và nông thôn bởi hầu hết công việc thứ 2 ở khu vực nông thôn liên quan tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Công việc thứ 2 này một mặt đem lại thu nhập cao hơn cho người lao động, mặt khác giúp cho sự đa dạng sinh kế của họ được tăng lên, từ đó giúp cho hộ SXKDCT có sức chịu đựng tốt hơn trước những biến động bất lợi trên thị trường.

Đóng góp của khu vực kinh tế phi chính thức tới tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam

Năng suất lao động thấp tạo dư địa điều chỉnh cho chính sách

Năng suất lao động trong khu vực phi chính thức ở mức thấp, thấp hơn rất nhiều so với khu vực nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như khu vực tư nhân trong nước, chỉ cao hơn mức năng suất lao động của lĩnh vực nông nghiệp (Hình 4).

Nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động thấp là do: (i) Dư thừa lao động, đặc biệt là nhóm lao động gia đình và sự cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành Dịch vụ, thương mại; (ii) Mức đầu tư thấp của các hộ SXKDCT cũng là một nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp. Chỉ có 2/3 số hộ SXKDCT có vốn dưới 10 triệu đồng với giá trị trang thiết bị khá thấp khoảng 3 triệu đồng.

Mức đầu tư thấp có nguyên nhân chủ yếu là do hộ SXKDCT gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng và những khó khăn về tài chính. Hạn chế tín dụng là một rào cản lớn đối với hộ SXKDCT (có tới gần 50% số hộ phản ánh gặp khó khăn tài chính và mong muốn được hỗ trợ để tiếp cận được nguồn vốn vay). Tuy nhiên, tín dụng chính thức không khớp nối được với nhu cầu vay vốn của hộ SXKDCT.

Có tín hiệu tích cực trong kết quả khảo sát HBIS 2014/15, khi những hộ SXKDCT mới thành lập phần lớn là có đăng ký kinh doanh, có nhiều tài sản hơn, vốn đầu tư, trình độ học vấn cao hơn và sáng tạo hơn so với các cơ sở trước đó. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển mạnh mẽ của khu vực hộ SXKDCT trong thời gian tới nếu như vấn đề dư thừa lao động và mức đầu tư tiếp tục được cải thiện.

Cải thiện độ bao phủ và chất lượng của bảo hiểm y tế

Đây là một trong những nhu cầu cấp thiết đối với khu vực hộ SXKDCT để khu vực này phát huy được vai trò trong phát triển bao trùm ở Việt Nam và là 2 trụ cột quan trọng đảm bảo xây dựng thành công mô hình tăng trưởng bao trùm. Mặc dù, việc mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế (BHYT) đối với khu vực hộ SXKDCT trong thời gian qua đã đạt được những tiến bộ nhờ vào việc triển khai chương trình BHYT tự nguyện, tuy nhiên, tỷ lệ chủ hộ SXKDCT có thẻ BHYT vẫn chưa cao, nhất là nhóm hộ SXKDCT phi chính thức.  

Hộ kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam - Ảnh 4

Đáng chú ý, chỉ có 45% chủ hộ SXKDCT phi chính thức có thẻ BHYT, 33% chủ hộ SXKDCT chính thức nhận được BHYT thông qua chương trình trợ giúp xã hội dành cho hộ nghèo. Nguyên nhân tỷ lệ tham gia BHYT thấp của khu vực hộ SXKDCT tại Việt Nam là do: (i) Chi phí mua thẻ BHYT còn cao (gần 45% chủ hộ SXKDCT phi chính thức cho rằng, chi phí mua BHYT là quá cao; (ii) Hơn 1/3 chủ hộ SXKDCT có sự lựa chọn bất lợi (lựa chọn ngược) khi không mua bảo hiểm xã hội, vì cho rằng họ khỏe mạnh và chỉ có ý định mua bảo hiểm khi bị ốm hoặc có vấn đề về sức khỏe…

Kết luận và hàm ý chính sách

Tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam là tăng trưởng kinh tế nhanh, lợi ích có được từ quá trình tăng trưởng được phân phối công bằng nhằm tạo cơ hội cho tất cả các thành viên trong xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được mục tiêu này không thể không đề cập tới vai trò quan trọng của hộ SXKDCT và khu vực phi chính thức ở Việt Nam. Những đóng góp quan trọng của khu vực này thể hiện ở những mặt sau:

Thứ nhất, với quy mô khoảng 8,8 triệu cơ sở,  khu vực hộ SXKDCT và khu vực phi chính thức tạo việc làm cho hơn 12 triệu lao động, chỉ đứng thứ 2, sau khu vực sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai, khu vực này đóng góp gần 23% vào tổng GDP và gần 28% vào GDP phi nông nghiệp của cả nước.

Thứ ba, đây là khu vực hấp thụ lượng lớn lao động chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp, đồng thời là khu vực tiếp nhận lao động từ khu vực doanh nghiệp chính thức khi nền kinh tế có biến động và diễn biến bất lợi.

Tuy nhiên, khu vực hộ SXKDCT và khu vực phi chính thức vẫn còn những khó khăn, thách thức như: Năng suất lao động thấp, thiếu thông tin về thị trường, thiếu tín dụng dài hạn, dễ bị tổn thương, tỷ lệ tham gia BHYT thấp... Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này cần tăng cường cung cấp thông tin về mức độ tin cậy của khu vực hộ SXKDCT để các tổ chức tín dụng có cơ sở nâng mức vốn vay cho nhóm đối tượng này. Đặc biệt, cần hỗ trợ đào tạo về quản lý, kế toán cho khu vực hộ SXKDCT vì theo thống kê chỉ có khoảng 5% hộ SXKDCT có sổ sách kế toán.

Bên cạnh đó, để nâng tỷ lệ bao phủ của BHYT trong khu vực hộ SXKDCT cần cải thiện hoặc nâng cao sự phân bổ của chương trình trợ giúp xã hội, giảm chi phí chi trả, nâng cao nhận thức của chủ hộ SXKDCT về tầm quan trọng của việc phòng ngừa rủi ro về sức khỏe; nâng cao chất lượng của các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ BHYT để khuyến khích họ tự nguyện tham gia vào chương trình BHYT toàn dân.

Tài liệu tham khảo:

  1. Demenet, A., (2017), “Tìm hiểu tính dễ bị tổn thương của hộ sản xuất kinh doanh cá thể và thách thức đối với an sinh xã hội” trong “Vai trò của hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam” do Doumer, L.P., Oudin, X. và Nguyễn Thắng chủ biên, NXB Thế giới (2017);
  2. Oudin, X., (2017), “Đóng góp cho nền kinh tế của các hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực kinh tế phi chính thức” trong “Vai trò của hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam” do Doumer, L.P., Oudin, X., và Nguyễn Thắng chủ biên, NXB Thế giới (2017);
  3. UNDP và VASS. (2016), Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm “Tăng trưởng vì mọi người”, NXB Khoa học Xã hội;
  4. Zhuang J. and I. Ali. (2010), “Poverty, Inequality and Inclusive Growth in Asia” in J. Zhuang ed., Poverty, Inequality, and Inclusive Growth in Asia: Measurement, Policy Issues and Country Studies, London and Manila: ADB.