DATC cần đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế chính sách
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa diễn ra.
Năm 2018, đánh dấu tròn 15 năm DATC hình thành và phát triển, thực hiện vai trò là công cụ của Chính phủ trong việc thực hiện xử lý nợ gắn tái cơ cấu DNNN.
Trải qua 15 năm, đến nay DATC đã mua bán, xử lý nợ và tài sản đạt trên 90.000 tỷ đồng. Qua đó, DATC đã hỗ trợ khoảng 3.000 doanh nghiệp xử lý được công nợ và tài sản tồn đọng cũng như để tái cấu trúc phục hồi kinh doanh.
Đặc biệt, trong năm 2018, DATC tiếp tục hoàn thành vai trò sứ mệnh là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp khi tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan tới tái cơ cấu nợ của SBIC, Vinalines, qua đó góp phần giúp Vinalines tổ chức IPO lần đầu để chuyển đổi thành Công ty cổ phần. DATC đã trực tiếp mua nợ để hỗ trợ xử lý tồn tại tài chính tại một số đơn vị thành viên trực thuộc Vinalines (Công ty TNHH Vận tải Biển Đông, Công ty Vosco, Vinaship).
Ngoài ra, DATC tiếp tục thực hiện tái cơ cấu CTCP thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty Haprocimex theo Nghị quyết đã phê duyệt. Qua đó góp phần nâng cao năng lực tài chính, từng bước phục hồi hoạt động của các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu theo đề án được Chính phủ phê duyệt gắn với việc thu hồi các khoản nợ của Chính phủ.
Cũng trong năm 2018, với vai trò là chủ tịch luân phiên, DATC đã tổ chức thành công Hội nghị Quốc tế IPAF, thu hút được sự quan tâm từ các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước, cũng như các khối cơ quan nhà nước có liên quan. IPAF đã góp phần ổn định kinh tế từng quốc gia và khu vực Châu Á thông qua thúc đẩy hợp tác và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm chuyên môn giữa các Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản công.
Có được những kết quả trên là nhờ, các cấp Lãnh đạo DATC đã tập trung chỉ đạo, điều hành, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt về mua bán xử lý nợ, các đơn vị trực thuộc đã nghiên cứu xây dựng gần 50 phương án mua bán nợ. Tuy nhiên, cơ chế chính sách hoạt động của DATC còn nhiều bất cập, chưa phù hợp và cần được điều chỉnh kịp thời để bắt nhịp với những thay đổi của thị trường.
Việc ra đời Nghị định số 69/2016/NĐ-CP và Nghị quyết số 42/2017/QH14 làm tăng tính cạnh tranh của thị trường mua bán nợ. Các tổ chức mua bán nợ tư nhân được quyền xóa nợ trực tiếp cho khách nợ khi đạt mức lợi nhuận kỳ vọng.
Trong khi đó, khi bán nợ, DATC vẫn phải tuân thủ tuần tự các quy định về phương thức bán nợ không linh hoạt, làm tăng chi phí và thời gian xử lý nợ. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng áp dụng giải pháp bán tài sản bảo đảm đề thu hồi nợ và chào giá khởi điểm 100% cả gốc và lãi… Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đàm phán mua bán nợ của DATC.
Nhằm giải quyết những khó khăn vướng mắc trên, tại Hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải chỉ đạo Ban Lãnh đạo DATC chủ động phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp đẩy nhanh việc hoàn thiện Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động lâu dài của DATC. Đồng thời DATC cần sớm hoàn thành Đề án chiến lược kinh doanh của Công ty giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ghi nhận và tiếp thu ý kiến chỉ đạo cũng như sự quan tâm sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính và Cục tài chính doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Hải – Chủ tịch HĐTV DATC gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải và lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp.
"Trong năm 2019, DATC sẽ nhìn nhận, đánh giá lại thực trạng và tăng cường phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp để bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, bên cạnh đó đề cao công tác quản trị nội bộ trong Công ty" - ông Lê Hoàng Hải nhấn mạnh.